Trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh hiện có gần 20 cầu treo tập trung chủ yếu tại các huyện miền Đông như: Ba Chẽ, Tiên Yên, Đầm Hà, Hải Hà… Qua khảo sát, công tác quản lý cầu treo tại một số địa phương đang tồn tại nhiều bất cập như: hệ thống cầu treo chưa đồng bộ, thiếu hệ thống báo hiệu ATGT và hướng dẫn khai thác, không đảm bảo an toàn. Nhiều cầu treo xuống cấp, hư hỏng gây khó khăn cho việc đi lại của người dân, không đảm bảo an toàn.
Huyện Ba Chẽ là một trong số những địa phương có số lượng cầu treo nhiều nhất tỉnh Quảng Ninh với 6 cầu treo phục vụ dân sinh. Cũng như nhiều cầu treo khác, sau khi đưa vào sử dụng, cầu treo Khe Phụt, xã Thanh Sơn đã phát huy hiệu quả, giúp người dân của 4 thôn trong xã Thanh Sơn đi lại thuận tiện hơn, nhất là khi các ngầm tràn bị ngập nước vào mùa mưa lũ.
Để đảm bảo an toàn cho công trình này, hằng năm UBND huyện Ba Chẽ cấp kinh phí để bảo trì cầu và thuê người bảo vệ hướng dẫn người qua cầu khi mưa bão, báo cáo các sự cố khi cầu có dấu hiệu hư hỏng. Tuy nhiên, tại một số cây cầu treo khác trên địa bàn huyện Ba Chẽ đang tồn tại một số bất cập như: biển báo quy định tải trọng cầu bị xuống cấp, nhiều thanh dầm bằng gỗ đã bị mục nhưng chưa được thay thế…
Cầu treo Khe Phụt, xã Thanh Sơn, huyện Ba Chẽ.
Huyện Tiên Yên hiện có 4 chiếc cầu treo dân sinh tại các xã Phong Dụ, Yên Than, Hà Lâu. Sau nhiều năm sử dụng, một số cầu treo đã có dấu hiệu xuống cấp nên không đảm bảo an toàn cho người dân. Trước đây, người dân trong thôn Nà Cà, xã Phong Dụ muốn qua trung tâm xã phải lội suối. Năm 2012, cây cầu treo Nà Cà tại được hoàn thành và đưa vào sử dụng thỏa niềm ước của người dân. Hằng ngày, có hàng trăm người dân đi lại, chăn thả gia súc, gia cầm qua cầu. Mới đây, cơn bão số 14 (Haiyan) năm 2013 đã làm cho phần mái ta luy, bờ kè trụ cầu phía thôn Nà Cà bị cuốn trôi, xói lở, biến dạng tạo thành các hốc sâu. Đến nay, sau 2 năm sử dụng, cầu treo Nà Cà có dấu hiệu xuống cấp nghiêm trọng, không đảm bảo an toàn cho người dân.
Được biết, UBND xã được UBND huyện bàn giao tiếp nhận và sử dụng 2 cây cầu treo dân sinh tại thôn Đồng Đình và thôn Nà Cà. Tuy nhiên, do địa phương không nắm được hồ sơ thiết kế, trọng tải, kết cấu cầu nên việc cắm biển báo quy định trọng tải gặp nhiều khó khăn. Để đảm bảo ATGT tại các cầu treo, chính quyền địa phương cần tiến hành lắp đặt các biển báo hướng dẫn chi tiết, trực quan dễ hiểu ở 2 bên đầu cầu. Tại các xã có đồng bào dân tộc cần lắp đặt thêm các biển báo bằng tiếng dân tộc.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu kiểm tra và tăng cường độ an toàn của các cầu cáp treo, UBND tỉnh Quảng Ninh vừa có Công văn số 826/UBND-GT1 chỉ đạo tăng cường công tác đảm bảo ATGT đối với hệ thống cầu treo trên địa bàn. Theo đó, Sở GTVT, UBND các huyện, thị xã, thành phố rà soát lại toàn bộ cầu treo dân sinh trên địa bàn, kiểm định chất lượng, trọng tải, đưa ra phương án khai thác phù hợp. Đồng thời, rà soát lại thiết kế các dự án cầu treo đang được chuẩn bị đầu tư xây dựng để phù hợp với điều kiện khai thác và đảm bảo an toàn tuyệt đối. Sau khi kết quả kiểm định được công bố sẽ điều chỉnh cho phù hợp.
Trong khi chưa có kết quả kiểm định, căn cứ vào hồ sơ thiết kế cầu, UBND tỉnh yêu cầu UBND các địa phương lắp đặt ngay biển báo quy định tải trọng và hướng dẫn chi tiết, trực quan, dễ hiểu để đáp ứng việc đi lại của người dân và phương tiện. Đối với vị trí có nhiều đồng bào dân tộc, phải có hướng dẫn, tuyên truyền bằng tiếng dân tộc. Vị trí lắp biển báo phải đặt nơi thuận lợi cho người dân tham gia giao thông dễ nhận biết, đồng thời rà soát lại thiết kế các dự án cầu treo đang được chuẩn bị đầu tư xây dựng để phù hợp với điều kiện khai thác và đảm bảo an toàn tuyệt đối. Thời gian hoàn thành công tác kiểm định trong quý I/2014.
Nguồn: CAND