Bạc Liêu: Nâng cao ý thức người tham gia giao thông ở khu vực nông thôn

Thứ ba, 13/08/2013 00:00 GMT+7
Số lượng phương tiện tăng nhanh và sự thiếu ý thức trong chấp hành Luật Giao thông của một số người đã khiến tai nạn giao thông (TNGT) diễn biến phức tạp ở những tuyến đường khu vực nông thôn (GTNT) trong những tháng đầu năm…
Số lượng phương tiện tăng nhanh và sự thiếu ý thức trong chấp hành Luật Giao thông của một số người đã khiến tai nạn giao thông (TNGT) diễn biến phức tạp ở những tuyến đường khu vực nông thôn (GTNT) trong những tháng đầu năm…

Hiện nay, mạng lưới GTNT được mở rộng đến hầu hết các địa phương kéo theo sự gia tăng không ngừng lưu lượng phương tiện, người lưu thông khiến TNGT có chiều hướng gia tăng. Chỉ tính đến hết 6 tháng đầu năm 2013, TNGT ở nông thôn đã tăng cao ở con số 26 vụ, chiếm 32,1% trong tổng số các vụ tai nạn. Đa số phương tiện gây TNGT đều là xe gắn máy (chiếm 87,7%).

Trong đó, nhiều vụ tai nạn trên những con đường nông thôn để lại hậu quả rất nghiêm trọng. Đơn cử như vụ tai nạn xảy ra vào tháng 4/2013 tại ấp 19 (xã Phong Thạnh, huyện Giá Rai) làm 2 người chết, 2 người bị thương. Hay như vụ tai nạn xảy ra ở tại ấp Hòa 1 (xã Long Điền, huyện Đông Hải) làm chết 1 người, bị thương 2 người. Đây chỉ là 2 trong số rất nhiều vụ tai nạn xảy ra tại các tuyến đường GTNT mà nguyên nhân đều do người điều khiển phương tiện thiếu ý thức trong chấp hành Luật Giao thông.

Tình trạng xe gắn máy “cõng” 3 - vi phạm Luật Giao thông diễn ra nhan nhản trên các tuyến đường nông thôn hiện nay (ảnh chụp tại huyện Phước Long). Ảnh: T.H
Theo Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) tỉnh, trong 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh đã đăng ký thêm gần 20.000 xe và trung bình mỗi ngày có trên 20.000 lượt phương tiện lưu thông qua lại trên các tuyến đường. Điều này là nguyên nhân khiến tình hình trật tự an toàn giao thông (TTATGT) phức tạp hơn, đặc biệt là TNGT xảy ra ở vùng nông thôn. Để giảm TNGT vào những tháng cuối năm, trong đó có TNGT ở vùng nông thôn, Ban ATGT tỉnh cho biết: “Sẽ huy động các tổ chức chính trị xã hội đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về TTATGT để nâng cao ý thức tự giác của người tham gia giao thông, đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật về TTATGT đến cơ sở, xã, phường, thị trấn, khu dân cư…”.

Theo đó, ngành chủ quản cần sớm có sự chủ động tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ, các quy định đảm bảo TTATGT đến người dân thông qua công tác dân vận của cán bộ, hội viên và trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Nếu tuyên truyền lồng ghép trong những buổi họp, tập huấn không mang lại kết quả cao thì chính quyền địa phương nên thay đổi phương thức tuyên truyền nhỏ lẻ, vận động dân theo từng cụm dân cư, cử cán bộ tiếp cận gần hơn với dân… Đặc biệt, cần nêu gương điển hình những cá nhân, hộ gia đình chấp hành tốt Luật Giao thông để người khác noi theo.

Nguồn: Báo Bạc Liêu
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)