Hà Nội: Mạo hiểm những chuyến đò ngang

Thứ ba, 01/10/2013 00:00 GMT+7
Cả khách và chủ đò không mấy quan tâm đến sự an toàn khi tham gia giao thông, cộng với sự quản lý lỏng lẻo của chính quyền địa phương đang tiểm ẩn nguy cơ tai nạn.
Cả khách và chủ đò không mấy quan tâm đến sự an toàn khi tham gia giao thông, cộng với sự quản lý lỏng lẻo của chính quyền địa phương đang tiểm ẩn nguy cơ tai nạn.

Mỗi ngày, dọc tuyến sông Hồng trên địa bàn Hà Nội có hàng trăm lượt đò ngang đưa khách qua sông. Điều đáng nói ở đây, cả khách đi đò và chủ đò không mấy quan tâm đến sự an toàn khi tham gia giao thông đường thủy, cộng với sự quản lý lỏng lẻo của chính quyền địa phương đang tiểm ẩn tai nạn nhất là trong mùa mưa bão.

Bến đò khách Mễ Sở thuộc huyện Thường Tín, Hà Nội hầu như lúc nào cũng đông người và phương tiện chờ đến lượt để qua sông sang Hưng Yên. Từng đoàn ô tô 3, 4 chiếc nối đuôi nhau lên phà cùng lúc với người và xe máy, xe đạp, xe thồ các loại …

Những câu chào mời của chủ đò gấp gáp, khiến những người khách sang sông như vội vã hơn. Chỉ vài sau chiếc phà nhỏ từ từ rời bến, bồng bềnh trên dòng nước giữa mùa mưa lũ chảy cuồn cuộn. Chỉ vẻn vẹn chưa đến 30m2, nhưng con phà phải cõng trên mình 4 chiếc xe tải 1,5 tấn, bất chấp biển cấm ô tô được dựng ngay đường dẫn vào bến. Chủ phà cho biết, một ngày chiếc phà này rời bến rồi cập bến không dưới 20 lần, khách cứ có nhu cầu là phục vụ không kể ngày hay đêm.

"Hoạt động liên tục từ sáng đến tối, cứ chi cho chúng tôi 50.000 đồng, và bồi dưỡng thêm lái tàu 10.000 đồng là đi được, kể cả 2 giờ sáng”, chủ phà cho biết thêm.

Trung bình chỉ từ 10.000 đồng đến 20.000 đồng là cả người và phương tiện có thể lên phà sang bờ bên kia. Với “giá vé” này, khách qua sông tiết kiệm một khoản tiền không nhỏ so với đi đường bộ. Bởi qua tìm hiểu của phóng viên, nếu đi từ Hưng Yên sang Hà Nội và ngược lại bằng đường bộ, các lái xe phải đi đường vòng với chiều dài trên 50km, như vậy chi phí sẽ tăng đáng kể, còn nếu đi qua phà, quãng đường rút ngắn được 40km, giảm chi phí xăng dầu và tiết kiệm được thời gian.

Chính vì vậy, nhiều lái xe đành liều chọn cách qua phà để thuận tiện cho việc đi lại, còn các chủ phà vì lợi nhuận, bất chấp nguy hiểm sẵn sàng “cõng” ôtô qua sông. Nguy hiểm hơn nữa, cả chủ phà và khách đều không chấp hành về an toàn đường thủy, những chiếc áo phao rách tả tơi được chất đống vào một góc, như thách thức tử thần.

Anh Nguyễn Văn Quý, người dân ở tỉnh Vĩnh Phúc làm nghề vận tải thường xuyên đi phà từ Hà Nội sang Hưng Yên không ngại ngần bày tỏ quan điểm: “Đi bằng phà thì có gì mà sợ, bọn tôi đi quen rồi, cái phà này là còn to đấy chứ nhiều chiếc đò khác còn nhỏ hơn nhiều...Chúng tôi thường đi buổi trưa để tránh công an giao thông…”

Anh Hoàng Văn Công quê ở Hải Dương, một người dân cũng thường xuyên về thăm gia đình bằng đò ngang cho biết, đi đò ngang rất tiện lợi, quan trọng nhất là tiết kiệm được thời gian, chỉ cần lên phà chưa đến 10 phút sang bờ bên kia và đi hơn 30 phút đường bộ là về đến nhà. Anh chia sẻ: “Tôi về Hải Dương, nếu mà đi đường vòng mất gần 80km, nhưng đi phà này thì giảm được 20km. Mình không quan tâm về mặt kinh tế lắm nhưng chủ yếu là đỡ mất thời gian”.

Tình trạng này cũng diễn ra tương tự ở nhiều địa phương khác. Tại bến Vạn Phúc, huyện Thanh Trì, các chủ đò đối phó với cơ quan chức năng bằng cách bố trí người đứng cảnh giới ở khu vực cổng vào. Khi phát hiện có cảnh sát giao thông đường thủy tuần tra, người cảnh giới sẽ báo chủ đò không cho ô tô lên. Nhưng khi không thấy lực lượng chức năng, những chiếc đò lại ngang nhiên “cõng” ô tô trên mình, mang theo bao mối nguy hiểm…

Theo thống kê của Phòng Cảnh sát giao thông đường thủy, Công an Hà Nội, từ đầu năm đến nay, lực lượng chức năng đã tịch thu, xử phạt hành chính hàng trăm lượt phương tiện cũng như đình chỉ hoạt động nhiều bến đò, nhưng vẫn chỉ như muối bỏ biển. Cái khó ở đây là do chính quyền các địa phương chưa có sự phối hợp chặt chẽ với lực lượng chức năng. Sau khi các phương tiện bị lực lượng chức năng xử phạt, tạm giữ, đình chỉ hoặc tạm đình chỉ hoạt động và giao lại cho chính quyền địa phương thì chỉ trong thời gian ngắn, những chiếc đò, phà không đủ điều kiện hoạt động lại lưu hành bình thường.

Thượng tá Nguyễn Văn Cương, Phó trưởng phòng Cảnh sát giao thông đường thủy, Công an Hà Nội cho biết: “Sự vào cuộc của chính quyền địa phương nhiều nơi chưa thật sự quyết tâm, có những bến việc cấm vẫn cấm, việc hoạt động trái pháp luật vẫn hoạt động trái pháp luật. Thế nên, nếu chỉ riêng có lực lượng chức năng vào cuộc thì không thể làm được gì. Chúng tôi cũng tham mưu cho thành phố là nếu xảy ra vụ việc, phương tiện cũng như bến ở địa phương nào sai phạm thì địa phương đó phải chịu trách nhiệm”.

Theo Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, số người chết vì tai nạn giao thông đường thủy chỉ chiếm 1% so với tai nạn giao thông đường bộ. Tuy nhiên, những vụ tai nạn đường thủy thường rất nghiêm trọng để lại hậu quả nặng nề và tác động xấu đến đời sống xã hội… Về trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền khi để xảy ra tai nạn giao thông đường thủy nội địa, tại một cuộc họp trực tuyến mới đây, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia chỉ đạo “Ở địa phương nào để xảy ra tai nạn giao thông đường thủy nghiêm trọng tại các bến đò ngang thì cách chức Chủ tịch xã, cảnh cáo Chủ tịch huyện và xem xét xử lý trách nhiệm của Giám đốc sở Giao thông - vận tải”.

Những chuyến đò ngang có thể nối đôi bờ hạnh phúc nhưng nếu thiếu cẩn trọng, vi phạm các quy định về đảm bảo an toàn thì có thể là sự chia lìa, tang thương như đã từng xảy ra ở nhiều địa phương. Các ban, ngành và chính quyền các địa phương cần phải thực sự vào cuộc đồng bộ để chấn chỉnh tình trạng này. Và hơn ai hết, người dân cũng cần trang bị cho mình kiến thức khi tham gia giao thông để phòng, tránh tai nạn giao thông sông nước.
Nguồn: VOV giao thông
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)