Gia Lai: Nâng cao ý thức toàn dân trong xây dựng văn hóa giao thông

Thứ hai, 15/10/2012 00:00 GMT+7
Văn hóa giao thông luôn là đề tài nóng bỏng được đề cập rất nhiều trong thời gian gần đây. Đặc biệt, là Năm 2012 là năm An toàn giao thông, thì vấn đề về Văn hoá giao thông Việt Nam càng được quan tâm, bàn luận nhiều hơn, không chỉ trong các buổi hội nghị về trật tự an toàn giao thông, trên phương tiện thông tin đại chúng mà ngay tại các lớp học, tại mỗi gia đình đề tài này cũng được đề cập.
Văn hóa giao thông luôn là đề tài nóng bỏng được đề cập rất nhiều trong thời gian gần đây. Đặc biệt, là Năm 2012 là năm An toàn giao thông, thì vấn đề về Văn hoá giao thông Việt Nam càng được quan tâm, bàn luận nhiều hơn, không chỉ trong các buổi hội nghị về trật tự an toàn giao thông, trên phương tiện thông tin đại chúng mà ngay tại các lớp học, tại mỗi gia đình đề tài này cũng được đề cập.

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông 9 tháng đầu năm 2012 vừa diễn ra mới đây, ông Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia đã nêu ra một số tồn tại của công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông hiện nay, trong đó nhấn mạnh nhiều vấn đề liên quan đến văn hóa giao thông như tình hình uống rượu bia trong khi lái xe vẫn cao, tình trạng chống người thi hành công vụ xảy ra ngày càng phức tạp. Đây chính là những vấn đề tiêu cực, là những hình ảnh “phản diện” của bức tranh văn hóa giao thông Việt Nam trong thời gian qua.
Chính vì vậy, để triển khai nhiệm vụ 3 tháng cuối năm ông Nguyễn Xuân Phúc đã lưu ý các ngành, các cấp, các địa phương không được thỏa mãn với những kết quả đã đạt được, phải vào cuộc mạnh hơn nữa, thực hiện những giải pháp cụ thể hơn nữa về công tác bảo đảm trật tự ATGT. Đặc biệt là việc tuyên truyền Nghị định 34/2010/NĐ-CP của Chính phủ, chú trọng giáo dục thông tin cơ sở, gia đình; đẩy mạnh giáo dục ATGT trong học sinh, sinh viên. Đồng thời, cần sớm triển khai mô hình công chức không uống rượu, bia vào buổi trưa, trong giờ hành chính không ra uống cà phê…

Tại tỉnh ta, văn hóa giao thông cũng luôn là vấn đề nổi cộm, tuy không nhức nhối hay xảy ra tình trạng chống người thi hành công vụ, ẩu đả do va chạm giao thông như ở nhiều thành phố, thế nhưng cách hành xử trong văn hóa giao thông hiện nay đang là vấn đề cần quan tâm. Trước hết là vấn đề về đầu tư cơ sở hạ tầng, không ít con đường vừa mới đầu tư đã hư hỏng hoặc đoạn sau chưa xong thì đoạn đầu đã bong, tróc… như dự án đầu tư, nâng cấp và sửa chữa Quốc lộ 25, nhiều đoạn qua thị xã Ayun Pa và huyện Krông Pa (Gia Lai) nhất là đoạn qua đèo Tô Na đã hư hỏng trầm trọng hay như tình trạng xuống cấp trầm trọng của Quốc lộ 14 đoạn qua thôn Hàm Rồng (xã Chư HDrông, TP. PLeiku) do đang nâng cấp, sửa chữa thì phải tạm dừng theo Nghị quyết 11 của Chính Phủ. Vậy là, cửa ngõ phía Nam của thành phố Pleiku trông chẳng khác gì khu “phức hợp” ổ voi, ô gà và những chiếc ao nho nhỏ…

Tình hình tai nạn giao thông trong 9 tháng đầu năm 2012, toàn tỉnh tuy có giảm so với cùng kỳ năm 2011, cụ thể giảm 25,74% về số vụ (150/202 vụ) và 26,41% về số người chết (170/231 người), giảm 18,8% số người bị thương (108/133 người). Song, khi phân tích các lỗi vi phạm là nguyên nhân gây tai nạn thì vẫn chủ yếu là lỗi chủ quan từ người tham gia giao thông với 98,22%, nguyên nhân do kỹ thuật phương tiện và nguyên nhân khác chỉ 1,78%. Cụ thể, lỗi chạy quá tốc độ chiếm tới 22,22%, lỗi đi không đúng phần đường chiếm 21,78%, không chú ý quan sát chiếm 19,11%; vượt và tránh sai quy định chiếm 18,2% và lỗi do sử dụng rượu bia là 4,89%.... Đây chính là những con số đáng báo động về cách ứng xử “thiếu văn hóa” của người tham gia giao thông.

Biểu hiện rõ nhất hiện nay chính là tình trạng học sinh đi mô tô, xe máy đến trường, không chỉ vi phạm Luật Giao thông đường bộ về điều khiển phương tiện giao thông khi không đủ tuổi, không có giấy phép mà ý thức xem thường khi các em cố tình chở 3, chở 4, lạng lách, đánh võng… và đáng nói hơn là sự quản lý lỏng lẻo từ phía nhà trường và phụ huynh. Hay như tình trạng công chức uống rượu bia gây tai nạn thì ít có trường hợp bị xử lý từ cơ quan, đơn vị…

Rõ ràng, để xây dựng văn hóa giao thông cần bắt đầu từ việc nhỏ nhất, và thái độ ứng xử văn hóa giao thông cần được nâng cao ý thức ngay từ mỗi con người, mỗi gia đình, mỗi tổ chức, cơ quan rồi mới lan rộng trong toàn xã hội. Song song đó là những quy định, chế tài nghiêm khắc từ phía cơ quan hành pháp để từ đó xây dựng nên một nếp sống văn hóa giao thông Việt Nam.

Theo báo Gia Lai
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)