Giảm ùn tắc giao thông tại Hà Nội: Kết nối các giải pháp ưu tiên

Thứ hai, 15/10/2012 00:00 GMT+7
Trước vấn nạn ùn tắc giao thông (UTGT) liên tục xảy ra tại các tuyến đường của Hà Nội trong những năm gần đây, UBND TP Hà Nội đã đề ra nhiều giải pháp chống ùn tắc.
Trước vấn nạn ùn tắc giao thông (UTGT) liên tục xảy ra tại các tuyến đường của Hà Nội trong những năm gần đây, UBND TP Hà Nội đã đề ra nhiều giải pháp chống ùn tắc.
Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia giao thông, tình trạng UTGT tại Hà Nội tuy đã giảm, nhưng thiếu tính bền vững. Do đó, nếu không có các giải pháp đồng bộ, quyết liệt thì 5 năm tới Hà Nội sẽ phải đối mặt với tình trạng UTGT kéo dài.

Mặc dù Hà Nội đã đề ra nhiều giải pháp để hạn chế UTGT, tuy nhiên thực tế các giải pháp triển khai đều mang tính ngắn hạn. Cụ thể, có thời điểm thành phố đề ra vấn đề phải ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông để theo kịp tốc độ gia tăng phương tiện. Tuy nhiên, việc phát triển hạ tầng lại kéo theo nhiều yếu tố phát sinh nhỏ, huy động kinh phí làm đường, chậm GPMB nên để xây dựng một tuyến đường mới phải mất vài năm có khi hàng chục năm, dẫn đến mục tiêu lâu thành hiện thực. Trong khi hạ tầng giao thông đang "ì ạch" thì chủ trương phát triển vận tải công cộng đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân ra đời.

Trong đó nhấn mạnh đến việc khuyến khích người dân từ bỏ phương tiện giao thông cá nhân tham gia vận tải hành khách công cộng. Tuy nhiên, từ năm 2002 đến nay, Hà Nội mới chỉ phát triển được mạng lưới vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) bằng xe buýt, còn các loại hình khác như tàu điện ngầm, nổi vẫn đang thi công và nhanh nhất đến 2016 Hà Nội mới có tuyến tàu điện trên cao đầu tiên đi vào hoạt động (tuyến Cát Linh - Hà Đông).

Các giải pháp đưa ra là hợp lý trong thời điểm này, nhưng quan trọng lộ trình thực hiện như thế nào cho hợp lý để các giải pháp bổ sung hỗ trợ nhau, từ đó mới mong kéo giảm UTGT một cách bền vững. Bởi thực tế quỹ đất dành cho giao thông đô thị hiện còn quá thấp, chưa đạt chuẩn. Theo số liệu của Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam, hiện tỷ lệ giữa diện tích đường giao thông so với tổng diện tích đất của các quận Hà Nội là 3,51%, trong khi đó, theo tiêu chuẩn chung của các nước tiên tiến, để đáp ứng giao thông thông suốt, chỉ số này phải đạt từ 20 - 25%.

Hiện toàn thành phố có khoảng 4.000 km đường, chiếm 6 - 7% diện tích thành phố, trong khi Hà Nội có gần 400.000 ô tô cùng gần 4 triệu xe máy, xe đạp. Theo dự báo, dân số Hà Nội có thể đạt 95,3 triệu vào năm 2019 cùng với biến động tăng trưởng của người và phương tiện tham gia giao thông như hiện nay, nếu không có giải pháp mang tính đột phá thì nhiều tuyến phố Hà Nội sẽ luôn ở trong tình trạng quá tải, ùn tắc.

Theo Tiến sĩ Khuất Việt Hùng, trường Đại học GTVT, để giảm UTGT bền vững, mấu chốt trong các giải pháp phát triển giao thông, ở nước ta hiện nay là kiểm soát và hạn chế phương tiện cá nhân. Tuy nhiên, việc quản lý và kiểm soát phương tiện cá nhân của chúng ta chưa tốt, thậm chí là lỏng lẻo gây khó kiểm soát. Một thời gian dài chúng ta để phương tiện cá nhân bùng phát. Do đó, bên cạnh việc triển khai đồng bộ các giải pháp khác, giải pháp hạn chế, kiểm soát phương tiện cá nhân nên ưu tiên. Cùng với đó là phái phát triển VTHKCC đáp ứng tốt nhu cầu đi lại của người dân.

Nhiều chuyên gia giao thông cũng nhấn mạnh đến giải pháp tổ chức giao thông một cách hợp lý. Theo PGS.TS Doãn Minh Tâm, Viện Khoa học và Công nghệ GTVT, để giảm UTGT, cần xem xét bố trí các nút giao thông hợp lý, giải quyết phân luồng xe, đồng thời tăng cường các chỗ đỗ xe. Đặc biệt, thực hiện tốt lệnh cấm các loại xe tải vào nội đô trong giờ cao điểm.

Tiếp đến là giải pháp đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, đây là giải pháp đang được TP Hà Nội triển khai. Tuy nhiên, thực tế với kinh phí đầu tư còn hạn hẹp, TP Hà Nội đã chọn ưu tiên phát triển mạng lưới đường giao thông khung, trong đó lựa chọn một số công trình giao thông mang tính cấp bách có vai trò quan trọng trong việc làm giảm UTGT trên địa bàn thành phố để triển khai trước. Theo đó, phấn đấu đến năm 2030, mật độ đường giao thông chính phải đạt 3,5 - 5 km/km2, tỷ lệ đất cho giao thông chiếm 20 - 26% quỹ đất xây dựng đô thị. Ngoài ra, thành phố cũng lên phương án xây dựng các bến bãi đỗ xe trong nội đô, ven đô; xây các điểm trung chuyển đa phương thức, các bến xe đầu mối; ưu tiên các bãi đỗ xe cao tầng, đỗ xe ngầm, đỗ xe thông minh… để giải quyết tình trạng thiếu bãi đỗ xe trầm trọng như hiện nay.

Song song với các giải pháp trên, rất cần Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành triển khai di dời các trường đại học, cao đẳng dạy nghề, các trụ sở cơ quan hành chính, bệnh viện ra khỏi trung tâm thành phố để giảm mật độ dân cư trong nội thành. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền Luật Giao thông trong các cấp học, với việc coi Luật Giao thông là môn học bắt buộc, trong đó vừa học Luật vừa thực hành để tạo ra một thế hệ sau 10 - 15 năm có ý thức chấp hành Luật Giao thông, tuân thủ các quy tắc trong tham gia giao thông.

Thúy Hoa - Theo Báo KTĐT
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)