Cần nhân rộng mô hình "Cổng trường an toàn giao thông”

Thứ năm, 08/11/2012 00:00 GMT+7
Hưởng ứng năm An toàn giao thông 2012 và chào mừng Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ X, Trung ương Đoàn phát động Chương trình xây dựng "1.000 cổng trường an toàn giao thông" đến các cơ sở Đoàn thanh niên, Đội thiếu niên tiền phong tại 1.000 trường trung học cơ sở, trung học phổ thông và đại học gần quốc lộ, khu đông dân cư trên toàn quốc. Riêng thành phố Hà Nội xây dựng 100 “Cổng trường an toàn giao thông”. Mô hình này cần được nhân rộng vì góp phần tích cực vào việc giáo dục ý thức giao thông của học sinh, sinh viên.
Hưởng ứng năm An toàn giao thông 2012 và chào mừng Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ X, Trung ương Đoàn phát động Chương trình xây dựng "1.000 cổng trường an toàn giao thông" đến các cơ sở Đoàn thanh niên, Đội thiếu niên tiền phong tại 1.000 trường trung học cơ sở, trung học phổ thông và đại học gần quốc lộ, khu đông dân cư trên toàn quốc. Riêng thành phố Hà Nội xây dựng 100 “Cổng trường an toàn giao thông”. Mô hình này cần được nhân rộng vì góp phần tích cực vào việc giáo dục ý thức giao thông của học sinh, sinh viên.

Ở các trường học, nhất là tại thành phố Hà Nội, khi tiếng trống tan trường vang lên, là lúc các em học sinh ùa ra đường để về nhà, phụ huynh thì xếp hàng dài chờ đón con. Cảnh chen lấn, dàn hàng ngang, tụ tập trên lòng đường, vỉa hè không phải hiếm thấy ở các trường học. Một số lượng không nhỏ người tham gia giao thông vi phạm Luật giao thông đường bộ chính là học sinh, sinh viên thuộc các trường trên địa bàn thủ đô.

Trường Tiểu học Quang Trung: phụ huynh chờ đón con giờ tan học
Em Vũ Công Minh, học sinh lớp 12D0, trường trung học phổ thông Việt Đức, quận Hoàn Kiếm cho biết: “Hàng ngày, trên khắp các nẻo đường của thủ đô Hà Nội có hàng triệu các bạn học sinh, sinh viên đến trường với nhiều phương tiện giao thông khác nhau. Vào giờ cao điểm tại các cổng trường học tình trạng ùn tắc giao thông vẫn thường xuyên diễn ra, nhiều nơi vẫn có hình ảnh các bạn học sinh còn xử dụng xe máy khi chưa đủ tuổi, không đội mũ bảo hiểm, đèo quá số người quy định và không chấp hành luật an toàn giao thông”.

Để tăng cường công tác tuyên truyền và giáo dục cho đoàn viên, học sinh các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông; sinh viên đại học, cao đẳng, học viện trên địa bàn thủ đô kiến thức về an toàn giao thông, thành Đoàn Hà Nội đã triển khai xây dựng 100 “Cổng trường an toàn giao thông” trong tổng số 1000 “ Cổng trường an toàn giao thông” của Trung ương Đoàn đề ra từ nay đến năm 2017. Mục tiêu của việc xây dựng “Cổng trường an toàn giao thông” là tuyên truyền, vận động đoàn viên, thanh niên và các tầng lớp nhân dân thành phố nêu cao ý thức chấp hành luật lệ giao thông và thực hiện văn hóa giao thông. Đồng thời, phát huy vai trò xung kích của tuổi trẻ thủ đô trong việc giữ gìn trật tự an toàn giao thông.

Anh Trần Anh Tuấn, Phó bí thư thành Đoàn Hà Nội cho biết: “Hàng tháng, các trường có cổng trường an toàn giao thông sẽ phối hợp cùng với các ban ngành, thành phố tổ chức sân khấu hóa hay tọa đàm, hội nghị… Hàng năm, chúng tôi sẽ phối hợp với Ủy ban an toàn giao thông quốc gia để phổ biến pháp luật giao thông đường bộ cho đoàn viên thanh niên tại các điểm trường an toàn giao thông. Bên cạnh đó, chúng tôi thành lập các đội thanh niên, sinh viên, học sinh xung kích với nhiệm vụ giữ gìn an toàn giao thông khu vực cổng trường đặc biệt là giờ tan học, giờ đến trường”.

Trường Trung học phổ thông Việt Đức: mô hình điểm "Cổng trường an toàn giao thông"
Với mô hình “Cổng trường an toàn giao thông”, Ban chấp hành Đoàn trường trung học phổ thông Việt Đức, quận Hoàn Kiếm đã có nhiều cách làm nâng cao nhận thức về chấp hành pháp luật về giao thông cho học sinh. Đội thanh niên xung kích an toàn giao thông với lực lượng tham gia là đoàn viên, học sinh 3 khối 10, 11 và 12. Ngoài giờ học, các thành viên trong đội chia thành 2 hàng đứng 2 bên cổng trường hướng dẫn cho các học sinh di chuyển theo hàng lối, kiểm tra việc đội mũ bảo hiểm đối với học sinh đi xe đạp điện, hướng dẫn phụ huynh đến đón con em mình không đứng lộn xộn trước cổng trường để tránh gây mất trật tự.

Bạn Đỗ Bảo Trân, thành viên đội xung kích trường trung học phổ thông Việt Đức cho rằng: “ Đây là một chương trình khá đặc biệt với học sinh chúng em. Em nghĩ rằng học sinh Việt Đức sẽ là điểm nhấn trong đợt phát động ra quân đầu tiên trên địa bàn Hà Nội và là ngôi trường sẽ có những hành động tích cực trong việc tuyên truyền an toàn giao thông. Trường trung học phổ thông Việt Đức có những hoạt động tuyên truyền học tập trong các giờ giáo dục công dân, các lễ chào cờ thứ 2 hàng tuần được lồng ghép thi giải trí học đường. Các bạn học sinh rất hưởng ứng và tích cực tham gia các hoạt động của nhà trường.”

Tai nạn giao thông từ lâu đã trở nên nhức nhối không chỉ gây thiệt hại về của cải, tài sản mà còn ảnh hưởng nặng nề về tinh thần cho gia đình và toàn xã hội. Thành phố Hà Nội là nơi tập trung gần 1400 trường tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông, hơn 120 trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, dạy nghề với lượng học sinh, sinh viên và phụ huynh tham gia giao thông lớn, rất dễ gây ùn tắc. Vì vậy việc xây dựng 100 “Cổng trường an toàn giao thông” trên địa bàn thành phố là cách làm thiết thực, có ý nghĩa và cần được nhân rộng.

Theo báo VOVGT
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)