Thái Nguyên: Nhiều nguy cơ tai nạn giao thông tăng trở lại

Thứ sáu, 16/11/2012 00:00 GMT+7
Để giảm thiểu tai nạn giao thông (TNGT) một cách bền vững rất cần những giải pháp mạnh và đồng bộ, từ tăng cường tuyên truyền, xử phạt nghiêm, xiết chặt công tác quản lý về giao thông đến việc quy trách rõ nhiệm cho người đứng đầu các địa phương, cơ quan, đơn vị...
Để giảm thiểu tai nạn giao thông (TNGT) một cách bền vững rất cần những giải pháp mạnh và đồng bộ, từ tăng cường tuyên truyền, xử phạt nghiêm, xiết chặt công tác quản lý về giao thông đến việc quy trách rõ nhiệm cho người đứng đầu các địa phương, cơ quan, đơn vị...

Theo Thiếu tá Đinh Xuân Tùng, Đội phó Đội tuần tra: Ngoài tình trạng một số người chưa nắm vững Luật, còn có những trường hợp không chịu hợp tác, thậm chí chống đối, lăng mạ cán bộ CSGT khi bị yêu cầu dừng xe để kiểm tra. Việc truy đuổi các đối tượng này cũng khó khăn và gây nguy hiểm cho những người tham gia giao thông khác trên đường vì đối tượng thường phóng nhanh, vượt ẩu một cách liều lĩnh”…

Được biết, trong 10 tháng của năm nay, Ban ATGT tỉnh Thái Nguyên đã cấp phát cho cơ sở 1.500 tờ áp phích, 98.000 tờ rơi, 1.500 biểu ngữ, pano có nội dung tuyên truyền về ATGT, in và phát trên 3.000 đĩa CD tuyên tuyền về pháp luật giao thông cho 9 huyện, thành, thị và các trường học trên địa bàn. Ban ATGT tỉnh, Công an tỉnh và Tỉnh đoàn cũng đã phối hợp hướng dẫn các địa phương, đơn vị tổ chức 13 buổi tuyên truyền về ATGT dưới hình thức sân khấu hóa, thông qua các hội thi, giao lưu tìm hiểu Luật Giao thông, thu hút hàng chục nghìn người tham gia.

Tuy nhiên, theo ông Trương Việt Hùng, Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh, do kinh phí tuyên truyền còn hạn hẹp nên việc huy động các tổ chức đoàn thể tham gia tuyên truyền chưa thực sự hiệu quả, số lượng các buổi tuyên truyền còn khiêm tốn, đặc biệt là tại các xóm vùng sâu, vùng xa. Do đó, Ban ATGT tỉnh đã đề nghị tỉnh bổ sung thêm kinh phí 1,3 tỷ đồng phục vụ công tác tuyên truyền. Nguồn kinh phí này sẽ được sử sụng để tổ chức các hoạt động tuyên truyền về ATGT ngay tại các xóm, bản, khu dân cư…

Thực tế cho thấy, cùng với đẩy mạnh tuyên truyền Luật Giao thông hướng về cơ sở (tận xóm, bản, khu dân cư) để người dân nắm vững và chấp hành nghiêm túc thì việc tăng cường xử phạt nghiêm các hành vi vi phạm có vai trò hết sức quan trọng để kiềm chế TNGT, nhất là khi ý thức của một bộ phận người tham gia giao thông còn kém như hiện nay. Mới đây, trao đổi về công tác này, đồng chí Vũ Hùng, Phó Giám đốc Công an tỉnh khẳng định: Ngành Công an sẽ huy động tối đa lực lượng CGST và nhiều lực lượng cảnh sát khác cùng với công an các xã, thị trấn tổ chức chia thành nhiều tổ để đồng loạt xử lý các hành vi vi phạm về trật tự ATGT trong toàn tỉnh theo Nghị định số 71/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ (có hiệu lực kể từ ngày 10/11/2012). Đặc biệt, sẽ kết hợp xử lý vi phạm giao thông với kiểm tra, truy quét các băng nhóm tội phạm, buôn lậu; tiến hành kiểm tra Giấy chứng minh nhân dân để việc thực hiện thông báo hành vi vi phạm về nơi cư trú, công tác của người vi phạm bảo đảm đúng địa chỉ. Đồng thời sẽ tiến hành điều tra, rà soát lại việc xử lý hình sự về an toàn giao thông (ATGT) trên địa bàn, phối hợp với các cơ quan tố tụng để xử lý hình sự các vụ TNGT nghiêm trọng và đề nghị xét xử lưu động tại các khu dân cư đối với những vụ TNGT có tính chất nguy hiểm, chống người thi hành công vụ…

Đầu tháng 10 vừa qua, có mặt tại lớp dạy lại Luật Giao thông của Phòng CSGT (Công an tỉnh) cho các đối tượng vi phạm trật tự ATGT bị tước giấy phép lái xe, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi có những trường hợp đã phải học và thi lại nhiều lần nhưng vẫn không đạt. Anh Bùi Xuân Trung (cán bộ trực tiếp thực hiện công tác giảng luật) cho biết: Có nhiều người do kiến thức về Luật Giao thông hầu như không có nên phải học và thi lại đến 5-6 lần, như trường hợp Nguyễn Văn Cao, xóm Hạ, xã Nam Tiến (Phổ Yên), Nguyễn Trung Hoa, xóm 7, thị trấn Chợ Chu (Định Hóa), Nguyễn Trung Đức, tổ 35, thị trấn Chùa Hang (Đồng Hỷ) phải học và thi lại đến 6 lần mới đạt. Đặc biệt, một số trường hợp do phải thi lại nhiều lần nhưng vẫn không đạt nên đã bỏ thi (như Dương Văn Huệ, xóm Thường Vụ 2, xã Thành Công, huyện Phổ Yên)...

Theo thống kê của Phòng CSGT, từ đầu năm đến nay Phòng đã tổ chức 30 lớp học và thi lại lấy giấy phép lái xe cho 825 đối tượng vi phạm trật tự ATGT bị tước giấy phép lái xe. Trong đó, số trường hợp phải thi lại lần 2 chiếm trên 50%, lần 3 chiếm 30%.

Về góc độ quản lý Nhà nước, ông Nguyễn Tiến Vinh, Phó Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải (GT-VT) cho biết: Trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có 10 cơ sở đào tạo lái xe với năng lực đào tạo 3.700 học viên/thời điểm, đáp ứng đủ nhu cầu của nhân dân. Để xiết chặt công tác quản lý về lĩnh vực này, từ năm 2012 Sở đã triển khai thực hiện Đề án nâng cao chất lượng đào tạo sát hạch và cấp giấy phép lái xe. Hiện nay, các cơ sở đào tạo đang tiến hành rà soát, củng cố hệ thống cơ sở vật chất, sân bãi, đội ngũ giáo viên dạy lái và quy trình quản lý đạt chuẩn theo quy định. Đối với nội dung thi cấp giấy phép lái xe được bổ sung và điều chỉnh để sát với thực tế hơn. Trong chấm thi, trung tâm sát hạch có camera giám sát các thao tác của học viên và chấm điểm sát hạch đảm bảo khách quan. Đối với đội ngũ giáo viên dạy lái xe, các cơ sở tiến hành rà soát, tập huấn và thi kiểm tra, nếu không đạt chuẩn sẽ kiên quyết không nhận. Đặc biệt, sẽ triệt để áp dụng Thông tư số 06 ban hành ngày 8-3-2012 của Bộ GT-VT quy định về trách nhiệm và xử lý vi phạm trong công tác đào tạo sát hạch, cấp giấy phép lái xe. Theo đó, kiên quyết xử lý kỷ luật và cho thôi việc đối với các giáo viên dạy lái xe vi phạm đạo đức nghề nghiệp, nhận tiền của học viên...

Để thực hiện được mục tiêu giảm 10% số vụ TNGT trên địa bàn tỉnh trong năm nay, đồng chí Dương Ngọc Long, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban ATGT tỉnh khẳng định tỉnh sẽ tiếp tục triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp mạnh tay, như: Kiên quyết xử lý nghiêm các lỗi thường là nguyên nhân gây TNGT (chạy quá tốc độ, sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông…). UBND tỉnh đã có Chỉ thị số 09/CT-UBND (ngày 19-4-2012) về việc tăng cường công tác bảo đảm trật tự ATGT trên địa bàn, theo đó các cơ quan chức năng sẽ đẩy mạnh việc giám sát, xử lý các trường hợp vi phạm nội dung Chỉ thị số 15-CT/TU ngày 15/5/2007 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc nghiêm cấm cán bộ, công chức uống rượu, bia trong giờ làm việc. Đối với việc xử phạt vi phạm trật tự ATGT, tỉnh áp dụng mức hình phạt cao nhất và tạm giữ phương tiện dài ngày nhất theo khung quy định của Chính phủ. Kiên quyết đưa ra xử lý hình sự đối với các vụ TNGT nghiêm trọng để tăng tính răn đe. Đặc biệt, nghiêm cấm cán bộ đứng ra xin miễn, giảm hình thức xử phạt vi phạm trật tự ATGT cho người quen, người nhà. Năm nay, đơn vị, địa phương nào để tăng số lượng trường hợp vi phạm về trật tự ATGT và TNGT sẽ bị miễn xét thi đua và lãnh đạo các địa phương, đơn vị đó sẽ phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên …

Theo báo Thái Nguyên
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)