Cần xử lý nghiêm vi phạm an toàn giao thông trên đường vành đai 3

Thứ năm, 29/11/2012 00:00 GMT+7
Sau 1 tháng đưa vào khai thác, đường vành đai 3 trên cao đoạn từ Bắc Linh Đàm đến cầu Mai Dịch, đã giảm đáng kể áp lực giao thông cho thủ đô Hà Nội. Tuy nhiên, tại tuyến đường này vẫn còn tồn tại một số bất cập như: xe khách ngoại tỉnh đón trả khách trái phép, đội xe ôm luôn túc trực để đón khách, gây mất trật tự giao thông trên cầu, người đi bộ bắt xe và trèo qua dải phân cách để sang đường, gây nguy hiểm cho phương tiện lưu thông qua đây…
Sau 1 tháng đưa vào khai thác, đường vành đai 3 trên cao đoạn từ Bắc Linh Đàm đến cầu Mai Dịch, đã giảm đáng kể áp lực giao thông cho thủ đô Hà Nội. Tuy nhiên, tại tuyến đường này vẫn còn tồn tại một số bất cập như: xe khách ngoại tỉnh đón trả khách trái phép, đội xe ôm luôn túc trực để đón khách, gây mất trật tự giao thông trên cầu, người đi bộ bắt xe và trèo qua dải phân cách để sang đường, gây nguy hiểm cho phương tiện lưu thông qua đây…

Tuy không còn nhiều xe máy, xe ba bánh ngang nhiên đi lên cầu như những ngày đầu mới thông xe nữa, nhưng đường vành đai 3 trên cao lại xuất hiện tình trạng xe khách liên tỉnh ngang nhiên dừng đỗ đón trả khách tại các điểm lên xuống, bất chấp biển cấm. Kèm theo đó là đội ngũ xe ôm sẵn sàng chạy ngược chiều đón khách. Nhiều người đi bộ cũng lên đây để chờ xe, thậm chí trèo qua dải phân cách giữa đường…càng khiến giao thông trên tuyến đường này lộn xộn, khó kiểm soát.

Thường xuyên qua tuyến đường này, nhiều lần chứng kiến những vi phạm, anh Vũ Văn Hợp, một lái xe ở Hải Dương cho biết: “Người dân thấy biển cấm nhưng mà họ không chấp hành, thấy cảnh sát giao thông họ quay lại. Đối với lái xe chúng tôi như vậy là rất nguy hiểm. Tốc độ đường này cho phép chạy 80 km, nhưng vì có những trường hợp vi phạm nên phải giảm đi, chỉ chạy 40-50km/h để đảm bảo an toàn cho mình. Do đó, cần phải xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm…”

Hơn 1 tháng qua, những xe chở khách liên tỉnh đã bị bắt buộc phải đi lên đường cao tốc trên cao thuộc đường vành đai 3, đồng nghĩa với việc không thể tùy tiện đón, trả khách như trước.

Lái xe Đào Mạnh Tường thuộc nhà xe Hoàng Thu chạy tuyến Hà Nội – Thái Bình cho biết, bản thân đã chứng kiến những tai nạn trên đoạn đường này song vì miếng cơm, manh áo, lái xe này vẫn phải dừng xe bắt khách. Khi bị cảnh sát giao thông lập biên bản xử phạt thì lại phân bua rằng:“Em cũng muốn trả khách ở bến nhưng mà khách người ta ở quê lên, người ta nói không biết điểm xuống và cứ đòi cho xuống đúng điểm, đúng chỗ nên phải dừng xe trên cầu…”.

Mặc dù các lực lượng chức năng đã tăng cường tuần tra và xử lý ráo riết, nhưng vẫn còn và tiếp tục có nhiều vi phạm. Theo Trung tá Lê Văn Thành, tổ trưởng tổ tuần tra kiểm soát, Đội cảnh sát giao thông số 4 thì nguyên nhân chủ yếu vẫn chủ yếu do ý thức của người tham gia giao thông.

Trung tá Thành cho biết: “Nguyên nhân chính dẫn đến vi phạm là do ý thức người tham gia giao thông còn hạn chế, coi thường pháp luật, coi nhẹ tính mạng bản thân nên bất chấp các quy định cấm, từ đây gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Khi làm nhiệm vụ chúng tôi cũng gặp nhiều khó khăn, do đường đông xe đi với tốc độ cao, khi phát hiện có công an, người vi phạm sẵn sàng quay ngược xe lại, rất nguy hiểm. Chúng tôi vừa phải thi hành nhiệm vụ vừa phải đảm bảo an toàn cho mình và cho người vi phạm…”

Thống kê của Phòng cảnh sát giao thông công an thành phố Hà Nội cho biết, sau 1 tháng đưa vào khai thác, sử dụng đường cao tốc trên cao đầu tiên ở Hà Nội (23/10), các lực lượng chức năng đã kiểm tra xử lý hàng nghìn trường hợp vi phạm các loại, tạm giữ gần 1.200 bộ giấy tờ và 270 giấy phép lái xe các loại. Trong đó, các lỗi vi phạm chủ yếu là đi vào đường cấm, đi sai làn đường, phần đường, đón trả khách không đúng nơi quy định và vi phạm về tốc độ. Cảnh sát giao thông đã lập biên bản tạm giữ 5 ô tô, 3 xe 3 bánh và 56 xe máy vi phạm trên tuyến đường trên cao.

Theo Trung tá Lưu Mạnh Tuyên, Đội phó Đội cảnh sát giao thông số 7, công an thành phố Hà Nội: thì hiện nay hệ thống biển báo, đèn hiệu còn thiếu và chưa đồng bộ gây không ít khó khăn cho người tham gia giao thông và lực lượng chức năng. Do đó, cần thiết phải bổ sung biển báo và đèn tín hiệu trong thời gian tới. Trung tá Lưu Mạnh Tuyên cho biết: “Sở GTVT và các cơ quan cần phải có các biển cấm xe tải đi theo giờ. Vì là đường cao tốc ở trên cao, xe chạy tốc độ lớn mà không có các biển cấm theo giờ thì khi người dân đi từ trên cầu, rẽ xuống các điểm lên xuống, lượng phương tiện đông xử lý vi phạm là rất khó…”.

Bên cạnh việc tăng cường tuần tra, nghiêm khắc xử lý xe vi phạm để tạo kỷ cương cho người tham gia giao thông, cũng cần phải tăng cường tuyên truyền vận động người dân chấp hành đúng luật pháp khi tham gia giao thông. Có như vậy mới giảm được tai nạn giao thông và tuyến đường vành đai 3 trên cao của Thủ đô mới phát huy được tác dụng.

Theo VOVGT
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)