Gần đây, tai nạn giao thông đường thủy và tai nạn từ các hoạt động du lịch trên sông nước trở nên nghiêm trọng. Nguyên nhân bởi tình trạng mở bến tràn lan và các phương tiện đường thủy thiếu an toàn. Cơ quan pháp luật cần coi trọng hơn nữa việc xử lý nghiêm vi phạm trong lĩnh vực này.
Bạn đọc Hồ Kim Thoa (Cần Thơ): Hiện nay, cả nước có hơn 150 nghìn phương tiện thủy hoạt động ở các địa bàn khác nhau. Việc đăng ký, đăng kiểm phương tiện tàu, thuyền còn những bất cập. Không ít phương tiện không bảo đảm an toàn vẫn được cấp chứng nhận kiểm định. Thêm vào đó là nhiều phương tiện hoạt động chui, không đăng ký, đăng kiểm. Luồng, lạch và các thiết bị hướng dẫn, cảnh báo trên sông nước cũng còn nhiều vấn đề đáng lo ngại. Trên nhiều tuyến đường thủy, người dân ở hai bên bờ tùy tiện đổ chất thải, vật liệu xây dựng hoặc đóng cọc, khoanh vùng lấn chiếm để nuôi trồng thủy sản, khiến cho dòng chảy bị thu hẹp. Tại một số địa điểm còn xuất hiện những 'cái bẫy' giữa sông khiến nhiều tai nạn đáng tiếc xảy ra.
Bạn đọc Nguyễn Thanh Xuân (Bình Dương): Hoạt động du lịch trên biển, trên sông những năm gần đây phát triển mạnh mẽ, nhất là vào mùa hè. Khách du lịch hứng thú với các trò chơi nhảy dù, lướt ván trên mặt nước, đi tàu bay nước hoặc tham quan, dự tiệc trên tàu, thuyền. Thế nhưng, do chất lượng của các phương tiện, thiết bị này không bảo đảm an toàn; đội ngũ nhân viên phục vụ thiếu kỹ năng xử lý các tình huống nguy hiểm, khiến xảy ra nhiều tai nạn thương tâm. Vụ tàu du lịch Trường Hải bị chìm tại Vịnh Hạ Long vào ngày 17-2-2011 làm 12 người chết. Mới đây nhất, vụ chìm tàu Dìn Ký, trên sông Sài Gòn, đoạn chảy qua xã Bình Nhâm (Thuận An, Bình Dương) khiến 16 người thiệt mạng. Ðược biết, ở cả hai vụ việc này, đơn vị tổ chức hoạt động du lịch không đủ tiêu chuẩn bảo đảm an toàn cho du khách.
Bạn đọc Ngô Quế Chi (Thái Bình): Tình trạng bến lậu, đò ngang hoạt động không phép vẫn tiếp diễn trên nhiều tuyến sông. Tàu, thuyền cũ, chở quá tải, quá số người quy định; không trang bị phao cứu sinh hoặc có nhưng không yêu cầu khách mặc. Ðội ngũ nhân viên lái đò, lái thuyền nhiều người không có bằng cấp, tay nghề non kém, lại xử lý cẩu thả, coi thường tính mạng của người dân. Ðiều đó tất yếu dẫn tới những tai nạn đau lòng. Khi xảy ra các sự việc đáng tiếc, chính quyền và cơ quan chức năng lại xử lý thiếu kiên quyết đối với người vi phạm, cho nên không nâng cao được tính răn đe, giáo dục. Chúng tôi cho rằng, cần nâng mức hình phạt thật nghiêm khắc với những đơn vị, cá nhân để xảy ra tai nạn sông nước.
TRONGPV (Theo Báo Nhân Dân)