Công ty cổ phần QLĐTNĐ số 6 được giao nhiệm vụ phân luồng và điều tiết các phương tiện thủy qua lại khu vực cầu phao Chèm. Hiện tại, hai chốt điều tiết giao thông đường thủy tại thượng và hạ lưu cầu phao đã được lập ra nhưng do một số chủ phương tiện thuỷ vẫn thiếu ý thức và chưa chấp hành đúng những quy định về luồng lạch khi tham gia giao thông ở đây nên đã xảy ra những tai nạn đáng tiếc.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính Phủ về việc giải tỏa ùn tắc giao thông trên tuyến cầu Thăng Long - Nội Bài - nhằm giảm tải giao thông cho cầu Thăng Long hiện liên tục ùn tắc giao thông do sửa chữa, sáng ngày 22-11-2009, Bộ Giao thông vận tải, Binh chủng Công binh (Bộ Quốc phòng) và Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã tiến hành bàn phương án và triển khai lắp đặt cầu phao qua sông Hồng (khu vực bến phà Chèm cũ), tại Km57, cách thượng lưu cầu Thăng Long khoảng 2.000m. Cũng trong ngày 22-11, Sở Giao thông vận tải và Lữ đoàn Công binh 239 và Lữ đoàn Công binh 249 (thuộc Binh chủng Công binh) đã tiến hành việc đo đạc, giải tỏa mặt bằng để tiến hành lắp ghép cầu phao. Đến 16h ngày 23-11 việc giải tỏa đường và lắp ghép cầu đã hoàn tất việc lắp cầu phao cho các phương tiện đường bộ đi qua. |
Lưu lượng xe ôtô qua lại trên cầu Thăng Long, nhất là vào buổi tối, khi các loại xe tải hạng nặng qua cầu không chỉ gây ách tắc rất lớn mà còn ảnh hưởng tới tiến độ thi công sửa chữa cầu, đặc biệt đây là đường dẫn ra sân bay Nội Bài. Việc lắp cầu phao trong thời điểm này là hết sức cần thiết nhằm san tải các phương tiện đường bộ qua cầu Thăng Long, tạo sự thông thoáng cho việc sửa chữa cầu, đồng thời giải phóng tình trạng ùn tắc, phải đi vòng gây nhiều tốn kém, mất thời gian.
Để bảo đảm an toàn giao thông đường thủy nội địa phục vụ hoạt động của cầu phao (từ 5h đến 23h) cũng như việc mở cầu (từ 23h đến 5h) giải phóng luồng đường thủy theo quy định, Công ty cổ phần QLĐTNĐ số 6 đã thành lập hai chốt điều tiết giao thông đường thủy tại thượng và hạ lưu cầu phao. Theo đó, các chốt này có nhiệm vụ cảnh giới, thông báo dừng hành trình và hướng dẫn cho các loại phương tiện thủy neo đậu chờ đến giờ thông cầu. Hiện lưu lượng phương tiện vận tải thủy qua lại mặt cắt khúc sông này khoảng 450 đến 500 lượt/ngày đêm, trong đó có rất nhiều phương tiện có trọng tải tới trên 1.200 tấn đi qua. Việc nhanh chóng triển khai hai chốt điều tiết giao thông đường thủy không chỉ đảm bảo cho hoạt động của cầu phao mà còn bảo đảm cho việc đi lại của các loại phương tiện thủy qua cầu (khi mở luồng) được an toàn, tránh việc đua chen gây va chạm giữa các phương tiện, và giữa phương tiện với cầu phao, hoặc các thiết bị nổi bảo vệ cầu phao.
Phương tiện thủy tìm nơi neo đậu
chờ thông luồng cầu phao.
Ông Trịnh Ngọc Toán - Trưởng Phòng Kỹ thuật - Công ty cổ phần số 6 cho biết, do sông Hồng bị cạn, nên vào ban ngày, việc lưu thông của các phương tiện thủy qua sông Hồng đã khó khăn rồi, vào ban đêm lại càng khó khăn hơn, nhất là khu vực từ thượng lưu cầu Thăng Long đến hết khu vực hạ lưu cầu Chương Dương, do có rất nhiều bãi bồi, chướng ngại vật dưới lòng sông. Bởi vậy, các phương tiện phải chờ thông cầu phao mới có thể xuôi xuống hoặc ngược lên sau đó lại phải nằm chờ đến sáng mới tiếp tục lưu thông được. Vì vậy, đêm nào cũng như đêm nào, giờ thông cầu, hàng trăm phương tiện chen lấn đi qua. Nếu không có lực lượng điều tiết, phân luồng giao thông đường thủy, chắc chắn sẽ xảy ra tai nạn đâm va vào nhau. Bởi vậy, việc kịp thời triển khai lực lượng điều tiết giao thông đường thủy đã góp phần đáng kể vào việc bảo đảm an toàn giao thông cho cả cầu phao và giao thông trên sông.
Cầu phao bắc qua sông Hồng bờ Nam sẽ nối với bãi Chèm 2, phía bờ Bắc là địa phận Đại Độ (Đông Anh). Cầu phao khi lắp ghép xong có chiều dài bắc qua sông là 274m và bắc qua bãi bồi (đường đất) khoảng 400m, mặt cầu rộng 8m, làn đường cho xe chạy rộng 6,5m. Cầu có sức chịu tải khoảng 60 tấn. |
Cũng theo ông Toán cho biết, mặc dù có lực lượng điều tiết cả thượng và hạ lưu cầu, song vẫn có rất nhiều chủ và người điều khiển phương tiện vẫn cố tình không chấp hành hiệu lệnh dừng, đỗ, cố tình luồn lách phương tiện, chen lấn vào khu vực vùng nước bảo vệ cầu phao và chen lấn, giành luồng vượt cầu phao khi mở luồng, nhất là vào những ngày đầu mới triển khai cầu phao.
Điển hình như vào hồi 23h30 ngày 27-11-2009, khi mở luồng, tất cả các phương tiện thủy như một bầy ong vỡ tổ tràn xuống, tranh nhau vượt “cửa mở” cầu phao, sự việc trên đã làm cho 02 chiếc tàu va vào và gây hư hại cầu phao, khiến cho lực lượng Công binh phải mất nhiều giờ mới khắc phục xong; vụ thứ 2, xảy ra vào lúc 01h15 ngày 01-12-2009, do giành luồng vượt cầu, 2 phương tiện đã va vào nhau, khiến cho một chiếc bị bật nêm chống đắm ở phần mũi tàu (do chiếc tàu này đã bị thủng trước đó) làm nước tràn vào khoang hàng, gây nguy cơ đắm chìm. Sự cố trên đã buộc lực lượng cứu hộ phải điều động phương tiện và lực lượng đến vừa hút nước, vừa kéo phương tiện này ra khỏi khu vực cầu phao.
Tuy nhiên, để bảo đảm an toàn khi qua cầu phao, bên cạnh sự nỗ lực của các lực lượng điều tiết, cứu hộ tại cầu phao Chèm, về phía các phương tiện thủy, cần phải tuyệt đối chấp hành các hiệu lệnh hướng dẫn của lực lượng điều tiết bảo đảm giao thông đường thủy, không chen lấn, giành luồng, có như vậy mới phòng tránh được tai nạn xảy ra.
Theo Báo ND