Mới đây, một học sinh của Trường tiểu học Tân Hạnh (TP.Biên Hòa) vừa bị xe tải cán chết khi băng qua đường sau giờ tan học. Những câu chuyện đau lòng tương tự như thế sẽ còn xảy ra nếu người lớn không có những biện pháp bảo vệ trẻ em hữu hiệu
Từ những con số "đen"
Theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia, trung bình mỗi năm có trên 30.000 người chết và bị thương do tai nạn giao thông (TNGT), trong đó hơn 10.000 nạn nhân là trẻ em. Trên địa bàn tỉnh, tuy không có thống kê riêng số trẻ bị TNGT, nhưng báo cáo của Sở Y tế năm 2009 cho thấy, trong số 7.107 em bị tai nạn thương tích (TNTT), có đến hơn 50% là do TNGT. Phần lớn trẻ từ 0-9 tuổi tử vong trong các vụ TNGT là do tự đi bộ qua đường hoặc do người lớn chở trên xe máy; các trường hợp vị thành niên chết trong các vụ TNGT là do tự đi xe đạp hoặc xe máy.
Một tiết học về ATGT của học sinh Trường tiểu học Nguyễn Huệ (xã Quang Trung, huyện Thống Nhất).
Một cuộc khảo sát khác về tình hình trẻ Việt Nam bị TNGT của Handicap International - một tổ chức phi chính phủ của Vương quốc Bỉ - nhận định: "Ở Việt Nam, trung bình mỗi ngày có 6 trẻ em tử vong do TNGT đường bộ và còn rất nhiều em nữa bị thương tật. TNGT đường bộ là nguyên nhân hàng đầu dẫn tới tử vong và khuyết tật cho thanh, thiếu niên".
Nguyên nhân chủ yếu gây nên tình trạng TNGT cao ở trẻ em và trong cộng đồng là do những hiểu biết về Luật Giao thông đường bộ của người dân còn hạn chế. Bên cạnh đó, số đông người dân còn quan niệm rằng tai nạn nói chung và TNGT nói riêng là do số mệnh, chứ chưa nhận thức được rằng TNGT hoàn toàn có thể phòng tránh. Song cũng phải thấy rằng, môi trường giao thông không an toàn và cơ sở hạ tầng giao thông kém, xuống cấp chưa tu sửa kịp thời... cũng là nguyên nhân gây ra TNGT.
Trẻ phải được dạy cách lưu thông an toàn
Với sự tài trợ của Tổ chức Handicap, một công viên vui học ATGT đầu tiên của cả nước được xây dựng tại xã Quang Trung (huyện Thống Nhất). Đây là nơi để các em học sinh học tập, thực hành lưu thông đường bộ. Handicap cũng tổ chức nhiều đợt tập huấn, truyền thông để giúp người dân hiểu rõ hơn về pháp luật giao thông, nghiêm chỉnh chấp hành luật và tuyên truyền, vận động người dân sử dụng mũ bảo hiểm, đặc biệt mũ bảo hiểm cho trẻ.
Liên quan đến vấn đề này, một giáo viên ở Trường mầm non Hướng Dương (TP.Biên Hòa) cho rằng: "Giáo dục về ý thức ATGT cho trẻ là rất cần thiết và cần làm ngay từ lớp mẫu giáo. Qua thực tế cho thấy, từ thơ ấu các em được giáo dục tốt thì lớn lên sẽ có ý thức kỷ luật và chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông". Thế nhưng thực tế hiện nay, việc giáo dục ATGT cho các cháu ở tuổi mầm non và tiểu học ở nước ta mới chỉ dừng lại ở phần học ngoại khóa. Phần lớn tiết học về ATGT là... học chay nên nhiều trẻ khi tham gia lưu thông đã không xử lý được tình huống mất an toàn khi gặp phải.
Do vậy, lời khuyên của các chuyên gia giáo dục là: Trẻ em là "tài sản" quý giá của mỗi gia đình, đừng để các em phải gánh chịu hệ lụy TNGT do nhận thức chưa tới hay từ những sơ ý, bất cẩn của người lớn.
Theo Báo Đồng Nai