Gần đây, dư luận quan tâm đến sự nguy hiểm của hàng rào tôn hộ lan trên Quốc lộ 1 (QL) đoạn qua tỉnh Bắc Ninh được phát trên chương trình An toàn giao thông của VTV tối 7.3.2011. Trên thực tế, không chỉ trên QL1, trên QL5 từ lâu cũng đã bộc lộ sự nguy hiểm của hàng rào phân cách giữa xe cơ giới và thô sơ được làm bằng tôn lượn sóng, nhất là đối với người đi xe máy.
Theo báo cáo của Trạm CSGT Ba Hàng trực thuộc Phòng Cảnh sát giao thông Hải Dương, đêm 9.3.2011, trên QL5 đoạn xã Ái Quốc, TP Hải Dương, anh Phạm Văn Đại, sinh năm 1974, công tác tại Cục Vận tải Tổng cục Hậu cần Bộ Công an điều khiển xe máy 16K6-8256 theo hướng Hải Phòng - Hà Nội đã tự va vào dải phân cách bên đường, khiến anh Đại chết tại chỗ. Đây là vụ tai nạn xe máy tự gây mới nhất liên quan đến dải phân cách bằng hàng rào tôn lượn sóng gắn trên các cột bê tông nhằm phân chia làn đường dành cho ôtô, xe máy với xe thô sơ.
Từ năm 2006, trung bình mỗi năm có hơn 10 vụ người đi xe máy tự đâm va vào dải phân cách dẫn đến tử vong và chỉ trong 10 tháng đầu năm 2007, trên 40 km QL5 qua địa bàn Hải Dương xảy ra 17 vụ xe máy tự đâm vào dải phân cách làm 14 người chết, còn trên 11km QL5 qua địa bàn tỉnh Hưng Yên xảy ra 14 vụ làm 14 người chết. Nguyên nhân được cảnh sát giao thông (CSGT) các tỉnh xác định là do người đi xe máy khi tránh ôtô bị quệt tay lái vào dải phân cách dẫn đến bị ngã, hoặc tự ngã vào dải phân cách…).
Trước thực trạng đó, cuối năm 2007, Ban An toàn giao thông và Công an tỉnh Hải Dương, Hưng Yên đều kiến nghị Cục Đường bộ Việt Nam, nay là Tổng cục Đường bộ Việt Nam tháo dỡ nhiều đoạn dải phân cách trên quốc lộ này. Và năm 2009, UBND tỉnh Hải Dương và Hưng Yên kiến nghị Bộ Giao thông - Vận tải cho đánh giá, nghiên cứu để tổ chức lại hệ thống dải phân cách, nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông. Tháng 3.2010, Khu Quản lý đường bộ II, cơ quan được giao quản lý tuyến, thuộc Tổng cục Đường bộ Việt Nam và cơ quan chức năng tỉnh Hải Dương đã đi đến thống nhất việc thí điểm tháo dỡ 84 vị trí dải phân cách từ đoạn Km33+720 đến Km77+830 thuộc địa bàn Hải Dương. Tuy nhiên, trên thực tế việc thí điểm này cho đến nay vẫn chưa được triển khai mà chưa rõ lý do. Trung tá Phạm Văn Lưu, Trưởng trạm CSGT Ba Hàng, Hải Dương cho biết, điều bất hợp lý ở chỗ, làn đường dành xe cơ giới trên QL5 chỉ có hai làn đường nên xe máy phải đi chung với ô tô và phần lớn các đoạn bị khống chế cả hai bên bởi hàng rào phân cách cứng. Xe máy và ô tô phải lưu thông trộn dòng, trong khi mật độ ôtô tải siêu trường, siêu trọng đông nên xe máy thường xuyên bị ép đi sát vào hàng rào phân cách bên tay phải. Nguy hiểm nhất là khi các xe ô tô vượt nhau, tay lái của xe máy có khả năng cao bị va quệt vào tôn lượn sóng trên dải phân cách, và nếu va vào người lái sẽ bị bật ra đường và nằm trên đường đi của phương tiện phía sau. Vì thế, nên sớm thực hiện việc tháo dỡ thí điểm các đoạn phân cách thí điểm như đã nêu để tạo sự thông thoáng.
Trung tá Lưu cũng cho biết, ngoài chuyện gây ra tai nạn, dải phân cách còn khiến cho công tác giải tỏa giao thông, lưu thông đường sau những vụ tai nạn rất khó khăn. Nhất là trường hợp xe tải siêu trường, siêu trọng bị tai nạn trên làn xe chạy làm cả chiều đường bị tắc, vì hai bên đều là dải phân cách cố định, trong khi cả tỉnh Hải Dương không có doanh nghiệp, tổ chức nào có xe cẩu trên 50 tấn, khiến phải chờ thuê xe cẩu từ Hải Phòng đến.
Việc duy trì nguyên trạng hệ thống dải phân cách giữa làn xe cơ giới và thô sơ trên QL5 như thiết kế ban đầu hiện cũng không còn phù hợp vì nhiều đoạn quốc lộ 5 đã được mở rộng sang hai bên từ 2 - 3m. Tại những đoạn mở rộng này có thể cho phép xe máy lưu thông để tránh lưu thông trộn dòng, giảm tải cho hai làn cơ giới phía trong (hiện những đoạn mở rộng không được tổ chức giao thông, dẫn đến đi lại tùy tiện).
Bên cạnh đó, đáng nói là năm 2008, khi hơn 11km QL5 thuộc địa bàn Hà Nội được bàn giao cho Hà Nội quản lý, cơ quan chức năng địa phương này đã cho tháo dỡ toàn bộ dải phân cách giữa làn xe thô sơ và cơ giới, chỉ giữ lại hệ thống hàng rào (mép đường) ngăn cách giữa đường bộ và đường sắt. Hiệu quả là đã góp phần giải quyết ùn ứ phương tiện và giảm tai nạn giao thông. Tương tự, tại Hải Phòng, tháng 11.2010, Sở Giao thông - Vận tải, Ban An toàn giao thông và Công an TP Hải Phòng cũng đã tháo dỡ hàng rào phân cách giữa hai làn xe trên đoạn QL5 do Trung ương ủy thác quản lý tại các vị trí: từ Km92+460 đến Km 92+650, Km 94+950, từ Km 96+250 đến Km 97+250 (chiều đường Hải Phòng - Hà Nội) và từ Km 96+600 đến Km 97+ 250 (chiều Hà Nội - Hải Phòng).
Có thể thấy, những kiến nghị của lực lượng chức năng tỉnh Hải Dương và Hưng Yên, cũng như thực tế đã làm của Hà Nội, Hải Phòng đối với dải phân cách bằng tôn lượn sóng giữa làn xe cơ giới và thô sơ trên QL5 chính là cơ sở để cơ quan quản lý QL5 sớm có hành động cụ thể để giải quyết dứt điểm vấn đề này, nhằm hạn chế những tai nạn không đáng có có thể xảy ra đối với người lưu thông bằng xe máy trên QL5.
Tunglt (Theo daibieunhandan.vn)