Thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Hồ Nghĩa Dũng- Chủ tịch UBATGT Quốc gia, ngày 26/11/2010, Bộ Giao thông vận tải đã phối hợp với Ban ATGT tỉnh Đồng Tháp và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc tại Việt Nam tổ chức lễ phát động tuyên truyền bảo đảm an toàn giao thông đường thủy nội địa cho trẻ em tại thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp.
Tham dự có các đại biểu Sở, ban, ngành của tỉnh Đồng Tháp và hơn 200 em học sinh tiểu học và trung học thuộc Tinh.
Tham dự Lễ phát động có đại biểu của Vụ ATGT, Cục Đường thủy nội địa, Cục Đăng kiểm Việt Nam và Cục Chăm sóc và bảo vệ trẻ em - Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Cục Cảnh sát đường thủy - Bộ Công an.
Tai nạn thương tích trẻ em, đặc biệt là tai nạn do đuối nước đang là nguyên nhân hàng đầu dẫn tới tử vong do tai nạn thương tích và là vấn đề đang được Đảng, Chính phủ, các cơ quan ban ngành và nhân dân đặc biệt quan tâm.
Theo thống kê của Bộ Y tế, năm 2007 cả nước có 3.786 người trong độ tuổi 0-19 tuổi tử vong vì đuối nước (BYT 2008). Bình quân, cứ 100.000 trẻ thì có tới 10,4 trẻ bị tử vong do đuối nước, cao gấp 10 lần tỉ lệ tử vong đuối nước ở các nước phát triển. Điều đáng lo ngại là tại 15 tỉnh/thành phố có số tử vong do đuối nước cao nhất, bình quân có tới 106 trẻ em từ 0-19 tuổi/100.000 trẻ bị tử vong do đuối nước.
Việt Nam có đường bờ biển dài với hơn 3.200 km và hệ thống sông kênh rạch với tổng chiều dài trên toàn lãnh thổ là 42.000 km. Trong giao thông đường thủy, Việt Nam có hơn 2.300 bến khách ngang sông, dọc tuyến với hơn 5.000 phương tiện hoạt động, hàng năm vận chuyển khoảng hơn 80 triệu lượt hành khách. Tại nhiều tỉnh thành phía Nam, đường thủy đã và đang đóng vai trò là hoạt động giao thông chính toàn vùng. Đây cũng là khu vực tiềm ẩn nguy cơ đuối nước đối với mọi đối tượng tham gia giao thông và sinh sống trong vùng, nhất là đối với trẻ em.
Hiện nay, hoạt động đường thủy đã được quy định tại Luật Giao thông đường thủy nội địa nhưng việc thực thi Luật trong thực tế vẫn còn nhiều bất cập như: vẫn còn người điều khiển phương tiện ở một số bến chưa có bằng, chứng chỉ chuyên môn; chất lượng của phương tiện giao thông đường thủy không được đảm bảo, thiếu thiết bị an toàn nhất là phao cứu sinh; chở quá tải theo qui định… đặc biệt hay gặp ở một số phương tiện chở khách ngang sông (đò ngang), việc quản lý, điều hành hoạt động của bến khách ngang sông của chính quyền ở một số địa phương còn chưa được quan tâm đúng mức.
Những yếu tố trên là một trong những nguyên nhân của những vụ tai nạn gây hậu quả rất nghiêm trọng làm mất đi cuộc sống của nhiều trẻ em và cũng có nhiều trẻ em bị mồ côi cha mẹ (vụ đắm đò Cà Tang ở Quảng Nam cướp đi sinh mạng của 18 em học sinh và ở Chôm Lôm - Tỉnh Nghệ An đã làm mất đi sinh mạng của 19 em học sinh).
Nhằm giảm thiểu tai nạn đuối nước trẻ em ở Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải đã phối hợp cùng với các Bộ, ngành và các cơ quan chức năng có liên quan tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo đảm TTATGT đường thủy, mục đích nhằm giảm thiểu tai nạn đuối nước ở trẻ em tại Việt Nam.
Tại Lễ phát động, các đại biểu đã ký cam kết với các nội dung chính như: Vụ An toàn giao thông- Bộ GTVT với sự trợ giúp của UNICEF, hiện đang phối hợp với Cục Đường thủy nội địa, Cục Cảnh sát đường thủy, Cục Đăng kiểm Việt Nam tiến hành rà soát, chỉnh sửa, hoàn thiện các quy định của pháp luật về đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa; nhất là các quy định liên quan đến an toàn đường thủy nội địa cho học sinh đến trường.
Hưởng ứng cuộc vận động “Người đi đò mặc áo phao” và nhân Lễ phát động, Vụ ATGT cùng với Cục Đường thủy nội địa, Cục Đăng Kiểm Việt Nam, báo Thời đại cấp, phát 800 áo phao, cặp phao, dụng cụ nổi cho các em học sinh tại các huyện của tỉnh Đồng Tháp.
Lễ tặng áo phao, cặp phao, dụng cụ nổi cho học sinh được huy động từ các tổ chức, cá nhân trên toàn quốc cho học sinh Tỉnh Đồng Tháp hy vọng sẽ được nhân rộng lên ở các tỉnh khác thuộc Đồng bằng Sông Cửu Long và Đồng bằng Bắc Bộ.
Thông qua các hoạt động trên và bằng những cam kết chung, các biện pháp thiết thực nhất khi được thực hiện sẽ xây dựng một môi trường sống an toàn , trước tiên là đảm bảo an toàn đường thủy nội địa cho các em, phấn đấu giảm thiểu tai nạn đuối nước nói riêng và tai nạn dẫn đến tử vong của trẻ nói chung trên toàn quốc./.
LMC - Vụ ATGT