Xe buýt nhanh: Giải pháp chống ùn tắc giao thông

Thứ hai, 07/03/2011 00:00 GMT+7

Sau nhiều năm "ấp ủ", dự án tuyến xe buýt nhanh đầu tiên của Hà Nội sẽ được khởi công vào quý III-2011. Tuyến có điểm đầu là Bến xe Kim Mã (Ba Đình) và điểm cuối là Bến xe Yên Nghĩa (Hà Đông).

Thông tin này nhận được sự quan tâm của đông đảo các tầng lớp nhân dân, nhất là khi nạn ùn tắc giao thông đã trở thành "chuyện thường ngày" trên các tuyến đường của Thủ đô. Báo Hànộimới ghi lại một vài ý kiến xung quanh dự án này.

Ông Đỗ Bá Thông (phường Khương Đình, quận Thanh Xuân):
Phù hợp với điều kiện của Hà Nội...

Tôi đã đến một số nước trên thế giới, không ít lần ao ước xe buýt nhanh sẽ xuất hiện ở đường phố Hà Nội. Theo tôi, xe buýt nhanh là giải pháp khả thi để giải quyết nạn ùn tắc giao thông tại Hà Nội hiện nay, bởi tính hiệu quả (vận chuyển khối lượng lớn, thời gian nhanh), chi phí đầu tư thấp hơn rất nhiều so với tàu điện ngầm hay đường sắt trên cao. Hơn nữa, khá nhiều tuyến đường ở Hà Nội có dải phân cách ở giữa, có thể thiết kế đường đi riêng cho xe buýt nhanh. Xe buýt nhanh với hạ tầng đẹp, văn minh, thời gian di chuyển nhanh, không bị "chết chìm" trong các đám đông ùn tắc chắc chắn sẽ thu hút được đông đảo người dân.

Bà Trần Xuân Phương (phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai):
Cần bố trí hợp lý các điểm chờ

Qua các phương tiện thông tin đại chúng, tôi được biết đường dành cho xe buýt nhanh Kim Mã - Yên Nghĩa sẽ đi sát ngay hai bên dải phân cách giữa trục đường, mỗi làn rộng 3,75m. Trên tuyến có 7 nhà chờ, hành khách lên xe buýt qua những cây cầu vượt nối từ vỉa hè đường sang dải phân cách giữa. Tại những điểm gần ngã ba, ngã tư, hành khách sẽ đi trên vạch sơn dành cho người đi bộ để ra đón xe buýt nhanh. Việc bố trí như vậy là khá khoa học, không ảnh hưởng quá nhiều đến việc buôn bán, kinh doanh ở ven đường. Trong điều kiện hầu hết các tuyến đường nội đô đều quá tải, xe buýt nhanh tham gia giao thông song song với xe buýt thường, ô tô, xe máy... nên cần bố trí để các điểm chờ xe buýt nhanh cách xa xe buýt thường, tránh ùn tắc ở các điểm dừng, đỗ.

Ông Trịnh Thành Long (phường Ngã Tư Sở, quận Đống Đa):
Phải bảo đảm chất lượng nền đường

Mỗi xe chở 80 khách, 5 phút lại có một chuyến, mật độ lưu thông liên tục và tải trọng lớn như vậy, nếu nền đường dành riêng cho xe buýt nhanh không được làm kỹ lưỡng, chắc chắn sẽ nhanh xuống cấp, không chỉ làm sai lệch thời gian vận chuyển mà còn không bảo đảm an toàn giao thông. Do vậy cần phải giám sát chặt chẽ từ khâu thiết kế đến thi công, nhằm bảo đảm tiêu chuẩn đường dành riêng cho xe buýt nhanh và phù hợp với thực tế hay úng ngập của Hà Nội. Đồng thời, cần có quy định rõ ràng để bảo vệ đường, tránh tình trạng nay đơn vị này đào bới, ngày mai cơ quan nọ san lấp, dẫn đến nền đường chất lượng không đồng đều, dễ hư hỏng. Lực lượng chức năng cũng cần quản lý chặt chẽ, không để nhà chờ của xe buýt nhanh thành nơi bán hàng, quảng cáo, rao vặt… như một số nhà chờ xe buýt hiện nay.

Bà Phạm Hương Lan: (phường Phú Thượng, quận Tây Hồ):
Cần chuẩn hóa đội ngũ lái xe, phục vụ

Thời gian gần đây không ít ý kiến của hành khách đi xe buýt phàn nàn về thái độ phục vụ của đội ngũ lái, phụ xe, gây phiền hà cho khách. Do vậy, khi xe buýt nhanh được đưa vào sử dụng, cơ quan chủ quản cần có biện pháp đào tạo để "chuẩn hóa" đội ngũ này. Ngoài việc đáp ứng các quy định của pháp luật về nghiệp vụ, nhân viên trên xe buýt nhanh cần có thái độ phục vụ đúng mực, không phân biệt đối xử giữa hành khách mua vé tháng hay vé ngày, giúp hành khách lên xuống an toàn và ổn định chỗ ngồi cho khách; tôn trọng và ưu tiên người tàn tật, người già, phụ nữ có thai... Có như vậy xe buýt nhanh mới thu hút được sự ủng hộ, hấp dẫn của đông đảo người dân.

Theo hanoimoi

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)