Vẫn còn quá nhiều người đi xe máy không đội MBH hoặc đội mũ không cài quai trên đường phố, bất chấp những nỗ lực của lực lượng chức năng.
Thanh niên vi phạm nhiều nhất
Trung tá Trần Ngọc Ánh - Đội trưởng đội Tham mưu, Phòng CSGT Đường bộ, Đường sắt Hà Nội cho biết, 1 tháng qua, lực lượng CSGT thành phố đã xử lý hơn 20 nghìn trường hợp vi phạm không đội MBH. Trong đó, có tới 70% đối tượng là thanh thiếu niên.
Cụ thể, trong số 20.865 người bị xử phạt có 806 trường hợp dưới 18 tuổi, 15.340 trường hợp từ 18-30 tuổi và số người vi phạm có độ tuổi trên 30 là 4.805 trường hợp. Ngoài việc xử phạt nghiêm, cơ quan chức năng cũng đã gửi hơn 2.000 thông báo vi phạm pháp luật về TTATGT về trường học, phường, xã nơi đối tượng vi phạm cư trú.
Trung tá Ánh khẳng định sau 1 tháng tập trung kiểm tra, xử lý các trường hợp đi mô tô, xe gắn máy không đội MBH, tình hình vi phạm có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, trên một số tuyến phố, vào giờ cao điểm vẫn còn nhiều đối tượng thanh thiếu niên lợi dụng đường đông người, lực lượng chức năng không thể xử lý để trốn... đội MBH. Vào sáng sớm, buổi tối, tình trạng vi phạm về MBH gia tăng hơn so với những thời gian khác trong ngày.
Đại diện Đội CSGT số 2 cho biết: Nhiều thanh thiếu niên đi xe lạng lách đánh võng trên đường, không đội MBH khi gặp cảnh sát giao thông thì rồ ga bỏ chạy, gây nguy hiểm cho chính mình và người khác. Lực lượng chức năng phải ghi lại biển số xe rồi xác minh qua Phòng CSGT để phối hợp với đơn vị quản lý xử lý. Nhiều trường hợp như vậy đã bị “phạt nguội”. Được biết, ngoài việc xử phạt các trường hợp đi mô tô, xe gắn máy không đội MBH hoặc đội không cài quai, trong đợt cao điểm này, CSGT sẽ kết hợp kiểm tra các lỗi khác và người điều khiển phương tiện vi phạm nhiều lỗi có thể bị tạm giữ phương tiện.
Tình trạng sinh viên, học sinh đi xe máy không đội MBH cũng tái diễn trầm trọng tại TP.HCM. Quan sát tại làng Đại học Thủ Đức, cứ 10 sinh viên chạy xe gắn máy thì có tới 4 bạn đi “đầu trần”, thậm chí có xe còn chở 3, 4 người. Hay trước Trường THCS Phước Long (Q.9), việc học sinh đi xe gắn máy phân khối lớn và không đội MBH quá phổ biến, số học sinh đội MBH chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Nhiều trường hợp không đội MBH vẫn ngang nhiên vượt chốt CSGT nhưng không bị xử lý.
Nội thành phạt mạnh, ngoại thành ngó lơ
Có một thực tế không thể phủ nhận là trong hầu hết các đợt cao điểm xử phạt vi phạm TTATGT, trong đó có vi phạm không đội MBH của các lực lượng chức năng thành phố thì các huyện ngoại thành dường như luôn nằm ngoài “vùng phủ sóng”. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc con số thống kê của lực lượng chức năng chắc chắn chưa thể phản ánh hết được tình trạng không đội MBH đang có dấu hiệu gia tăng hiện nay.
Vi phạm không đội mũ bảo hiểm nhiều nhất ở lứa tuổi 18-30
Dễ dàng nhận thấy, nếu như ở trung tâm Hà Nội, người không đội MBH còn ngó trước ngó sau trốn cảnh sát giao thông thì ở các quận huyện ven thành phố, chuyện để “đầu trần” đi xe đã thành phổ biến. Dọc tuyến QL32, qua các huyện Hoài Đức, Đan Phượng, Phúc Thọ... có thể bắt gặp vô số trường hợp “bỏ quên” MBH. Tâm lý ưu tiên “trung tâm” và nguyên nhân khách quan là “lượng mỏng” khiến việc kiểm tra, xử lý sai phạm Luật Giao thông tại nhiều địa bàn ngoại thành Hà Nội còn rất hời hợt, không tạo được chuyển biến nào đáng kể về nhận thức của người dân.
Tại TP.HCM, trái với các tuyến đường nội thành người đi đường đội MBH khá nghiêm túc thì ở ngoại thành trên các đường Tăng Nhơn Phú, Đỗ Xuân Hợp (Q.9), Tô Ngọc Vân, Kha Vạn Cân (Q. Thủ Đức)... xuất hiện ngày càng nhiều người vi phạm. Nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng này là do lực lượng chức năng triển khai theo kiểu “chiến dịch”. Trong những ngày đầu ra quân xử lý vi phạm về không đội MBH, Công an TP đã huy động tới gần 1.500 cán bộ, chiến sĩ từ CSTT, CSGT, CA phường, xã với gần 300 chốt cố định và gần 100 tổ tuần tra cơ động xử lý vi phạm. Tại các khu vực ngoại thành, lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý từ 6 giờ đến 22 giờ. Tuy nhiên, sau đợt cao điểm, trên thực tế, lỗi vi phạm không đội MBH rất ít bị xử lý, chưa đủ sức răn đe.
NĐK( giaothongvantai.com.vn)