Chống lấn chiếm hành lang ATGT trên các tuyến quốc lộ: Kinh nghiệm từ Hà Giang

Thứ hai, 18/04/2011 00:00 GMT+7
Chỉ trong một thời gian ngắn thực hiện giai đoạn II theo Quyết định 1856/QĐ-TTg về lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ, đường sắt, 3 tuyến QL4C, 34 và 279 qua Hà Giang đã được trả lại nguyên trạng hành lang an toàn.
Chỉ trong một thời gian ngắn thực hiện giai đoạn II theo Quyết định 1856/QĐ-TTg về lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ, đường sắt, 3 tuyến QL4C, 34 và 279 qua Hà Giang đã được trả lại nguyên trạng hành lang an toàn.
Sở GTVT Hà Giang được giao quản lý 3 tuyến QL 279, 34 và 4C với tổng chiều dài 346km và 10 tuyến đường địa phương dài 432,5km. Trước đây, tình trạng người dân lấn chiếm, tái lấn chiếm hành lang an toàn đường bộ diễn biến rất phức tạp. Vi phạm chủ yếu vẫn là xây dựng trái phép các công trình trong hành lang QL, đường đấu nối trực tiếp từ các nhà hàng, khách sạn, cây xăng dầu vào QL... Hậu quả dẫn đến là các tuyến đường nhanh chóng bị đô thị hóa, phá vỡ quy hoạch phát triển hạ tầng giao thông và gây mất ATGT.
Thực tế này đã kéo dài trong nhiều năm có nguyên nhân bắt nguồn từ chính sự quản lý sử dụng đất dọc 2 bên QL của các địa phương còn lỏng lẻo và thiếu đồng bộ. Hơn nữa, việc giải tỏa hành lang chỉ thông qua tuyên truyền, giải thích mà thiếu những biện pháp cụ thể, cứng rắn. Nhưng có một nguyên nhân quan trọng khác khiến thực trạng vi phạm hành lang ATGT đường bộ kéo dài nhiều năm, đó là nhiều công trình nằm trong hành lang ATGT đường bộ được xây dựng trên đất thổ cư có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đã gây ra nhiều khó khăn khi thực hiện các biện pháp giải tỏa.
Theo thống kê của Sở GTVT Hà Giang, trên QL 34 có 47 đường ngang đấu nối vào QL, trong đó đấu nối không phép là 15 trường hợp; QL279 có 45 đường ngang đấu nối, trong đó không phép là 24 đường ngang; đặc biệt QL4C có 244 đường ngang đấu nối, trong đó 141 trường hợp đấu nối không phép.
Rút kinh nghiệm từ các năm trước chỉ thực hiện tuyên truyền, vận động là chính dẫn đến hiệu quả không cao, trong tháng 10 và 11/2010, Sở GTVT tỉnh đã phối hợp với UBND các địa phương ra quân giải tỏa vi phạm hành lang ATGT đường bộ trên 3 tuyến QL34, 4C và 279. Lực lượng liên ngành đã thực hiện nhiều biện pháp mạnh, kiên quyết kết hợp tuyên truyền các chủ trương chính sách của Chính phủ, Bộ GTVT về các quy định bảo vệ hành lang ATGT đường bộ.
Bên cạnh đó, vận động nhân dân tự tháo dỡ gần 700 công trình vi phạm hành lang; trên 3.200 công trình vi phạm cũng được đưa vào “tầm ngắm” đề nghị UBND các cấp xử lý theo Kế hoạch 44/KH-UBND của tỉnh. Gần 1.800 cột mốc giải phóng mặt bằng đã được xác lập và giao cho các đơn vị chức năng giám sát, quản lý chống tái lấn chiếm.
Ông Hoàng Quyết Chiến – Giám đốc Sở GTVT Hà Giang cho biết, đến nay hành lang các tuyến QL này đã được trả lại nguyên trạng. Nhưng cái được hơn cả là sự đồng thuận của nhân dân, ý thức của người dân về bảo vệ kết cấu hạ tầng đã được nâng lên rất nhiều. Để bảo vệ hành lang ATGT, trước hết cần công khai hóa các quy hoạch, lấy ý kiến người dân tham gia và quy hoạch, giao địa phương bảo vệ hành lang ATGT đường bộ; giao cho các xã xây dựng kế hoạch hàng năm và lâu dài về quản lý đất đai trong hành lang đường bộ.
Triển khai giai đoạn III QĐ 1856, Sở GTVT đã chỉ đạo các đơn vị quản lý đường bộ phối hợp với UBND các cấp thống kê khái toán kinh phí đền bù các công trình xây dựng trong hành lang ATGT đường bộ, ưu tiên những đoạn tuyến nguy hiểm cần giải tỏa trước, từ Km 56 - Km 60+ 250 QL34, từ Km 8+500 - Km 10+500 QL279 và từ Km 191 - Km 195 QL4C.
Vũ Thúy Hoa - Theo giaothongvantai.com
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)