Hà Nội: Giải bài toán ùn tắc giao thông

Thứ bẩy, 11/09/2010 00:00 GMT+7
Ùn tắc giao thông luôn là một trong những vấn đề bức xúc dân sinh ở Hà Nội trong thời gian gần đây. Dịp Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội sẽ có đông đảo khách quốc tế, nhân dân cả nước về dự. Đây thực sự là nỗi lo không chỉ của nhân dân Thủ đô…
Ùn tắc giao thông luôn là một trong những vấn đề bức xúc dân sinh ở Hà Nội trong thời gian gần đây. Dịp Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội sẽ có đông đảo khách quốc tế, nhân dân cả nước về dự. Đây thực sự là nỗi lo không chỉ của nhân dân Thủ đô…
 
Lực lượng CSGT (CATP) đã sẵn sàng làm nhiệm vụ bảo đảm an toàn, tránh ùn tắc giao thông trong dịp Đại lễ
Ùn tắc cục bộ nhiều nơi
Đó là một thực tế mà người dân thành phố Hà Nội đã phải gánh chịu trong nhiều năm qua. Vào giờ cao điểm, đặc biệt là giờ đi làm và tan tầm, hầu như các nút giao thông trọng điểm ở thành phố đều bị ùn ứ. Có thể kể ra một vài "điểm nóng" như ngã tư Cát Linh - Tôn Đức Thắng, ngã năm Ô Chợ Dừa, ngã tư Khuất Duy Tiến - Nguyễn Trãi… Ngày 8-9, tại ngã tư Khuất Duy Tiến - Nguyễn Trãi thậm chí còn bị ùn tắc kéo dài từ sáng đến trưa. Để qua được một số ngã tư, ngã năm vào giờ cao điểm, người đi xe máy thường phải mất 2-3 nhịp đèn xanh. Với người đi ô tô, thời gian đợi chờ phải kéo dài gấp 2, gấp 3. Tình trạng ùn tắc còn nghiêm trọng hơn khi học sinh đi học trở lại sau ngày khai giảng. Giờ tan trường, học sinh cấp 2, cấp 3 tràn ra như ong vỡ tổ, đi lại, trêu đùa giữa đường. Với các trường mẫu giáo, cấp 1, ở đâu có trường học, thường có ùn tắc đầu giờ sáng khi phụ huynh đưa con đến trường và cuối giờ chiều khi đón con về. Dù các cơ quan chức năng đã hết sức nỗ lực, nhưng tình trạng ùn tắc cục bộ vẫn chưa có dấu hiệu giảm.
Sẽ phân luồng từ xa trong dịp Đại lễ
Để giải quyết vấn nạn ùn tắc giao thông, thời gian qua đã có nhiều giải pháp, "sáng kiến" được thực hiện và phần nào đã phát huy tác dụng là giải pháp thu nhỏ vỉa hè để làm đường cho phương tiện rẽ phải, thu nhỏ dải phân cách giữa, đóng mở linh hoạt ngã tư… Mới đây, UBND thành phố đã có kế hoạch bảo đảm giao thông tại những khu vực trọng điểm, nơi diễn ra hoạt động chính của Đại lễ. Theo đó, sẽ giảm lưu lượng phương tiện vào khu vực diễn ra hoạt động kỷ niệm… Cụ thể, tại khu vực Tượng đài Lý Thái Tổ, diễn ra lễ khai mạc ngày 1-10, xây dựng phương án bảo vệ, cấm phương tiện, tổ chức giao thông tại khu vực xung quanh hồ Hoàn Kiếm; tổ chức phân luồng cách xa nơi khai mạc từ khoảng 1km trở lên, bố trí chỗ trông giữ xe phục vụ nhân dân. Tại Quảng trường Ba Đình và Sân vận động Mỹ Đình nơi diễn ra lễ diễu binh, diễu hành và bế mạc Đại lễ vào ngày 10-10, bố trí phân luồng từ xa từ đường Vành đai 3; tổ chức phân luồng cục bộ, có phương án dẫn đoàn, sắp xếp chỗ trông giữ xe… Ngày 9-9, UBND thành phố đã triệu tập cuộc họp các ban, ngành chức năng bàn biện pháp phân luồng, bảo đảm giao thông toàn thành phố trong dịp này.
Được biết, trong cuộc họp này, các cơ quan chức năng mới xin chủ trương, ý kiến chỉ đạo của UBND thành phố để xây dựng kế hoạch cụ thể. Kế hoạch này sẽ được trình UBND thành phố để xin phép Chính phủ. Để bảo đảm giao thông, dự kiến sẽ phải hạn chế nhiều loại phương tiện ra vào nội đô, những tuyến giao thông quan trọng. Báo Hànộimới sẽ theo sát và phản ánh kịp thời phương án tổ chức phân luồng trong thời gian tới để nhân dân biết, thực hiện, góp phần bảo đảm giao thông trong những ngày tổ chức Đại lễ. Việc hạn chế phương tiện là cần thiết, nhưng thiết nghĩ, cũng cần tăng cường phương tiện vận tải công cộng để phục vụ du khách đi lại thuận lợi trong dịp này.

Theo Hà Nội Mới

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)