1. Tình hình tai nạn giao thông
- Theo số liệu của Văn phòng Thường trực UBATGTQG, trong tháng 7 năm 2009 xảy ra 961 vụ TNGT làm 902 người chết, 565 người bị thương; so với tháng 7 năm 2008, TNGT giảm cả 3 tiêu chí, cụ thể: giảm 71 vụ (-6,88%), giảm 21 người chết (-2,28 %), giảm 52 người bị thương (-8,43%).
- Tổng hợp 7 tháng đầu năm 2009: xảy ra 7.192 vụ, làm chết 6.729 người, bị thương 4.540 người; so với 7 tháng đầu năm 2008 giảm 302 vụ (-4,03%), giảm 115 người chết (-1,68%), giảm 355 người bị thương (-7,25%).
- Tỷ lệ tai nạn giao thông đường bộ tính trên 10.000 phương tiện cơ giới đường bộ: 7 tháng đầu năm 2009 là 2,39 vụ; 2,28 người chết; 1,54 người bị thương; so với 7 tháng đầu năm 2008 giảm 0,17 vụ, giảm 0,14 người chết và giảm 0,10 người bị thương.
- Số lượng phương tiện cơ giới đường bộ tiếp tục tăng nhanh:
+ Trong tháng 7 cả nước có thêm 16.439 ô tô và 192.307 mô tô được đăng ký mới.
+ Tổng 7 tháng năm 2009 ô tô đăng ký mới là 98.247 chiếc, mô tô là 1.387.986 chiếc. Tổng số phương tiện đăng ký lưu hành trên toàn quốc đến hết tháng 7 năm 2009 là: ô tô 1.459.892 chiếc; mô tô 26.869.025 chiếc.
Tổng cộng xe cơ giới lưu hành là: 28.328.917 chiếc.
2. Đánh giá tình hình TNGT trong tháng 7 của từng ngành
- Về tăng giảm trên 3 tiêu chí:
+ Đường bộ: TNGT giảm khá (trên 7,5% số vụ và số người bị thương, trên 4% số người chết) so với cùng kỳ 2008.
+ Đường sắt, đường thủy: số vụ và số người bị thương ít thay đổi nhưng số người chết vì TNGT tăng khá mạnh so với cùng kỳ 2008 (đường sắt +31,25%, đường thủy +100%).
+ Hàng hải ít thay đổi trên cả 03 tiêu chí.
+Hàng không thì các sự cố xảy ra giảm 5 vụ so với tháng 6 nhưng về tính chất tăng 4 vụ uy hiếp an toàn bay.
- Về tai nạn giao thông nghiêm trọng
+ TNGT đường bộ đặc biệt nghiêm trọng, theo đánh giá sơ bộ có giảm ở số vụ và giảm người chết, tăng người bị thương.
+ TNGT đường sắt gia tăng ở các vị trí đường ngang ĐB-ĐS, chủ yếu là do ô tô va chạm tàu hỏa; ví dụ: gần đây là từ ngày 10/8/2008 đến 13/8/2008 xảy ra 2 vụ TNGT nghiêm trọng làm chết 1 người và bị thương 4 người tại đường ngang Km 8+970 vị trí Km 61+500 tuyến đường sắt Gia Lâm – Hải Phòng (biển cảnh báo), nguyên nhân do lái xe ô tô không dừng lại cố tình vượt ẩu qua đường sắt khi có tàu; hoặc vụ TNGT trưa ngày 16/8/2009 tại vị trí km 40+200 QL 1A cũ do ô tô tải vượt đường ngang khi có tàu gây TNGT mạnh, xe tải đứt đôi, lái xe tải chết, gây ùn tắc giao thông hơn 10 km trong nhiều giờ.
Bên cạnh đó, ngày 7/8 vừa qua thì Hàng không có xảy ra một sự cố nghiêm trọng đối với loại tàu bay Airbus A-320 của Vietnam Airlines, chuyến bay số VN453 chăng Cam Ranh –TP Hồ Chí Minh vào lúc 14h42 ngày 7/8. nguyên nhân là do hệ thống điều khiển càng hạ cánh gặp trục trặc; đã hạ cánh trong điều kiện nhờ trợ giúp khẩn nguy mặt đất, không điều khiển bánh lái, không có phanh chống trượt, không sử dụng thổi gió ngược và tấm cản lưng; hậu quả: hạ cánh an toàn, tàu bay bị hư hại nhẹ, nổ lốp chệnh phải đường băng, khách ra bằng thang bình thường, không phải sử dụng thoát hiểm bằng thuyền phao, máng trượt. Hiện Cục HKVN đã thành lập ban điều tra sự cố nghiêm trọng theo quy định.
3. Tình hình tai nạn giao thông ở một số địa phương
Sơ kết 6 tháng đầu năm 2009, có 25 địa phương có số người chết tăng cao hơn cùng kỳ năm 2008; Đến tháng 7 năm 2009 thì trong 25 địa phương trên có 15 địa phương có số người chết vì TNGT giảm hơn so với tháng 7 năm 2008. Tuy nhiên, tổng hợp tình hình của 7 tháng năm 2009, số địa phương có người chết vì TNGT tăng cao hơn so với cùng kỳ năm 2008 là 28 địa phương, tăng thêm 3 địa phương; trong đó:
- Có 2 địa phương thoát khỏi danh sách của 6 tháng là Gia Lai và Hà Nam;
- Có 5 địa phương mới trong danh sách của 7 tháng là: Nam định, Sơn La, Quảng Nam, Hưng Yên, Khánh Hoà.
- Một số địa phương có số người chết vì TNGT tháng 7/2009 so với cùng kỳ tăng rất cao về số tuyệt đối là: Hưng Yên (+150%), Bắc Giang (+171,4%), Lào Cai (+333,3%); Quảng Ninh (+142,9%), Long An (+100%), Bạc Liêu (+175%).
4. Tình hình ùn tắc giao thông và nguyên nhân
- Tại Hà Nội, trong tháng 7, tình hình ùn tắc giao thông tại Hà Nội đã được cải thiện đáng kể (giảm 33 điểm/91 điểm) nhờ việc triển khai các giải pháp về tổ chức giao thông và đưa vào sử dụng một số công trình mới; tuy nhiên, trong những giờ cao điểm hoặc những ngày đặc biệt (thi đại học, cao đẳng …) thì vẫn xảy ra tình trạng ùn ứ kéo dài.
Nguyên nhân: đây là một thực tế khó tránh khỏi mà nguyên nhân chính là do sự phát triển thiếu đồng bộ trong quy hoạch và việc thi công công trình giao thông, điện, nước tràn lan. Hiện nay, Hà Nội đang tiếp tục bổ sung trên 60 tỷ cho Sở GTVT để nghiên cứu để triển khai mạnh mẽ các giải pháp mới nhằm giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông trong những tháng cuối năm.
- Tại TP. Hồ Chí Minh, trong tháng 7 xảy ra 6 vụ ùn tắc giao thông kéo dài hơn 30 phút, so với cùng kỳ tăng 5 vụ và so với tháng 6 tăng 2 vụ; tổng số vụ ùn tắc lớn trong 7 tháng là 31 vụ; nhìn chung, tình trạng ùn tắc giao thông tại TP HCM vẫn tiếp tục gia tăng, đặc biệt là ùn ứ giao thông vẫn xảy ra thường xuyên tại nhiều nơi; nguyên nhân gây ùn tắc giao thông tương tự như Hà Nội là hạ tầng giao thông bị quá tải so với mật độ và lưu lượng xe và tình trạng rào chắn thi công các công trình trọng điểm chiếm dụng lòng đường, tái lập mặt đường còn cẩu thả…
- Trong tháng 7, Bộ GTVT và UBND hai thành phố đã có buổi báo cáo Phó Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông tại hai thành phố; Văn phòng Chính phủ đã có Thông báo số 221/TB-VPCP ngày 28/7/2009 thông báo ý kiến kết luận của Phó TTCP Hoàng Trung Hải; hiện nay, hai thành phố đang triển khai các nhiệm vụ, giải pháp theo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ.
TH