Cấp cứu TNGT: Yếu và thiếu trầm trọng

Thứ sáu, 26/10/2007 00:00 GMT+7
Dù có khoảng 40 bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế và 550 bệnh viện tuyến huyện, trải đều trên địa bàn cả nước được trang bị xe cấp cứu và các đội lưu động nhưng thực tế việc cấp cứu các nạn nhân TNGT hiện nay ở nước ta vẫn luôn ở trong tình trạng yếu và thiếu trầm trọng cả về số lượng lẫn chất lượng.
Dù có khoảng 40 bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế và 550 bệnh viện tuyến huyện, trải đều trên địa bàn cả nước được trang bị xe cấp cứu và các đội lưu động nhưng thực tế việc cấp cứu các nạn nhân TNGT hiện nay ở nước ta vẫn luôn ở trong tình trạng yếu và thiếu trầm trọng cả về số lượng lẫn chất lượng.
Nạn nhân khổng lồ
Số lượng các nạn nhân phải nhập viện cấp cứu do TNGT trong những năm gần đây gia tăng với tốc độ chóng mặt. Nếu chỉ tính con số người chết và bị thương theo số liệu thống kê của Uỷ ban ATGT Quốc gia thì chỉ khoảng hơn hai chục ngàn người. Nhưng những con số này trên thực tế tại các bệnh viện lại lớn hơn gấp nhiều lần.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Huy An, chuyên gia cấp cứu y tế, người trực tiếp tham gia xây dựng Dự án quy hoạch tổng thể ATGT đường bộ Việt Nam đến năm 2020 thì mỗi năm có hàng trăm nghìn trường hợp người bị TNGT phải vào viện cấp cứu. Cụ thể trong năm 2005, cả nước đã có tới hơn 170.900 nạn nhân TNGT cấp cứu tại các bệnh viện, trung tâm y tế. Như vậy, trung bình mỗi ngày có 468 người phải cấp cứu do TNGT. Con số này trong năm 2006 và những tháng vừa qua của năm 2007 vẫn tiếp tục có xu hướng tăng cao.
Tại Bệnh viện Việt Đức, năm 2005 số nạn nhân nhập viện cấp cứu là 17.499 người. Năm 2006, con số này đã tăng lên 19.653 người. Bệnh viện Chợ Rẫy, TP Hồ Chí Minh trong năm 2006 cũng cấp cứu tới 17.413 người bị TNGT. Ngoài ra, tại thành phố Hồ Chí Minh còn một bệnh viện nữa cũng thường xuyên cấp cứu các nạn nhân do TNGT là Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình, trong năm 2006 vừa qua, số nạn nhân TNGT nhập viện cũng lên tới 14.000 người. Ngoài những bệnh viện trên, các bệnh viện tuyến tỉnh, Viện quân y của Quân đội, bệnh viện Công an hàng năm cũng tiếp nhận hàng chục nghìn ca cấp cứu do TNGT.
115 mỗi nơi một kiểu
Mặc dù, số lượng các nạn nhân phải cấp cứu do TNGT trong những năm vừa qua lớn như vậy nhưng hệ thống cấp cứu 115 hiện nay lại được đánh giá là vừa yếu vừa thiếu trầm trọng và mỗi nơi hoạt động một kiểu. Theo tiêu chuẩn của WHO là phải có 15 xe cấp cứu trên 1 triệu dân. Tuy vậy, với dân số đã đạt mức 4 triệu thì lẽ ra Hà Nội phải có 60 xe nhưng hiện nay thành phố chỉ có tổng cộng 15 xe. Trung tâm 115 tại Hà Nội hiện cũng chỉ có 3 trạm vệ tinh đặt tại các huyện Từ Liêm, Thanh Trì và Gia Lâm. Thời gian tới, dự tính Hà Nội sẽ xây dựng thêm 3 trạm nữa tại các quận Thanh Xuân và hai huyện Đông Anh, Sóc Sơn.
Thành phố Hồ Chí Minh cũng chẳng khấm khá hơn. Trụ sở của 115 thành phố đặt tại Bệnh viện cấp cứu Trưng Vương. Hiện trung tâm này chỉ có 18 bác sĩ, 25 y tá và 12 lái xe. Lẽ ra theo tiêu chuẩn của WHO thành phố Hồ Chí Minh phải có 120 xe cấp cứu nhưng thành phố chỉ có vỏn vẹn 15 xe, trong đó chỉ có 10 xe là đạt chuẩn. Điều đáng lo ngại hơn là cấp cứu 115 thành phố Hồ Chí Minh lấy giá vận chuyển tương đương với taxi nhưng số nạn nhân được vận chuyển trong 1 năm chỉ từ 60- 100 người/năm. Một con số quá nhỏ so với số nạn nhân phải nhập viện cấp cứu do TNGT và không tương xứng với tên gọi là “Trung tâm cấp cứu 115” của một thành phố lớn nhất cả nước.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Huy An, sở dĩ các trung tâm cấp cứu tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh hoạt động không hiệu quả, số lượng vận chuyển quá ít là do phạm vi phục vụ của các thành phố này quá lớn, trong khi phương tiện và nhân viên phục vụ rất thiếu. Rất nhiều trường hợp phải tới 30- 60 phút, thậm chí còn lâu hơn sau khi có tin cấp cứu thì xe 115 mới tới nơi được. Tâm lý của người dân và đặc biệt là khi phải cấp cứu thì muốn xe phải đến càng nhanh càng tốt, giá cả vận chuyển không thành vấn đề nhưng với thời gian phục vụ như trên rõ ràng cấp cứu 115 chẳng thể phát huy tác dụng.
Cùng chung cảnh ngộ như Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, hệ thống 115 của Huế cũng được xem là có cơ sở hạ tầng hết sức yếu kém. Hiện tại Trung tâm 115 Huế đóng tại một khu nhà cấp bốn với diện tích vỏn vẹn 120m2 và 12 nhân viên, 2 bác sĩ và 2 xe cấp cứu. Thông thường có từ 50 đến 60 cuộc gọi cấp cứu mỗi ngày nhưng vì thiếu phương tiện nên không đáp ứng được nhu cầu của người dân. Giá cước vận chuyển tính 10.000 đồng/1km và giảm xuống 9.000 đồng sau 50km.
Số lượng các ca cấp cứu vận chuyển bằng 115 tại Hải Phòng có khấm khá hơn với bình quân mỗi năm khoảng 5.000 ca mặc dù giá dịch vụ vận chuyển trong nội thành lên tới 150.000 đồng/ca và 300.000 đồng/ca đối với ngoại thành. Trung tâm 115 tại Hải Phòng hiện có 78 cán bộ, trong đó có 20 bác sĩ và 12 xe cấp cứu. Đà Nẵng cũng là địa phương được đánh giá là có hệ thống 115 tương đối tốt. Mặc dù phạm vi bán kính tương đối nhỏ nhưng Đà Nẵng cũng có tới 8 xe cấp cứu và 2 trạm vệ tinh đặt tại phía Bắc và phía Tây thành phố. Đặc biệt hơn, Đà Nẵng còn miễn toàn bộ chi phí vận chuyển cấp cứu cho các bệnh nhân. Những chi phí này do UBND thành phố thanh toán.
Tuyến huyện phải vào cuộc
Cũng theo Tiến sĩ Nguyễn Huy An, với số lượng các ca cấp cứu do TNGT ngày càng gia tăng, hầu hết các bệnh viện chấn thương đều trong tình trạng quá tải. Bệnh viện trung ương và bệnh viện tỉnh chỉ đủ khả năng tiếp nhận 10-20 nạn nhân cùng một lúc, nếu lớn hơn 50 ca sẽ quá tải nghiêm trọng.
Hơn nữa, các vụ TNGT lại thường xuyên xảy ra ở các nơi xa trung tâm thành phố, trong khi hệ thống cấp cứu 115 lại chưa phát huy được hiệu quả nên điều cấp thiết nhất hiện nay là các bệnh viện huyện phải vào cuộc. Với 550 bệnh viện tuyến huyện, nếu được nâng cấp trang thiết bị và đào tạo, bổ túc nghiệp vụ, kỹ năng sơ cấp cứu chắc chắn các bệnh viện này sẽ góp sức rất lớn trong việc cấp cứu các nạn nhân TNGT và giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên.
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)