Quyết định số 71/QĐ-UBND ngày 09/01/2009 của UBND tỉnh Vĩnh Long, quy định quản lý xe cơ giới, xe thô sơ ba bánh bốn bánh, xe máy kéo phục vụ nông nghiệp, xe thu gôm rác, xe dùng cho người khuyết tật trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long, cụ thể như sau:
- Những loại xe phải ngưng và không được tiếp tục hoạt động: Xe lôi chở khách (chở người), xe ba gác máy không đăng ký, không có biển số, không kiểm tra an toàn kỹ thuật.
- Những loại xe sau đây được tiếp tục hoạt động nhưng phải tuân thủ các quy định sau: Xe máy kéo phục vụ nông nghiệp, chỉ được phép hoạt động trong nội bộ công trình; trong nội bộ xí nghiệp, trong nội đồng. Tuyệt đối không được lưu thông trên các Quốc lộ̣; Xe ba gác máy chở hàng hóa đã đăng ký biển số, có giấy chứng nhận kiểm tra an toàn kỹ thuật thùng xe ba gác được tiếp tục hoạt động theo phạm vi và thời gian:
+ Được phép hoạt động trên các tuyến đường trong nội thị thị xã trừ các giờ cao điểm như: Sáng từ 6 giờ đến 8 giờ, trưa từ 10 giờ đến 14 giờ, chiều từ 16 giờ đến 18 giờ.
+ Cấm lưu thông trên Quốc lộ 1; các quốc lộ còn lại và đường tỉnh, đường huyện được phép lưu thông.
Tất cả các chủ phương tiện nên có hướng thay thế loại phương tiện này, để tiến tới chấm dứt hoạt động của các loại xe ba gác máy, loại xe ba bánh, bốn bánh khi có phương tiện khác thay thế.
- Xe dùng cho người tàn tật: Phải đăng ký cấp biển số xe và tuyệt đối không được chở người và hàng hóa.
- Xe lôi đạp chở khách (người): Phải đăng ký cấp biển số xe và bảo đảm các điều kiện an toàn kỹ thuật, mỹ quan.
- Xe lôi đạp chở hàng phải đăng ký cấp biển số và bảo đảm các điều kiện an toàn kỹ thuật.
- Xe thô sơ thu gôm rác phải đăng ký cấp biển số và bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh môi trường.
Đồng thời giao Sở Giao thông vận tải tổ chức hướng dẫn đăng ký cấp biển số, kiểm tra an toàn kỹ thuật cho xe ba gác máy, xe máy ba bánh, bốn bánh chở hàng hóa và xe dùng cho người tàn tật, xe lôi đạp chở người phục vụ du lịch, chở hàng hóa, xe thu gôm rác đúng quy định. Các quy định về phạm vi, tuyến đường và thời gian hoạt động phải được lắp biển báo và công bố rộng rãi trên các phương tiện truyền thông, thông tin đại chúng. Chỉ đạo Thanh tra Giao thông vận tải phối hợp với lực lượng Cảnh sát giao thông đường bộ thực hiện nhiệm vụ được giao. Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp và cá nhân có phương án thay thế phương tiện vận chuyển khác; Giao Ủy ban nhân dân huyện, thị xã: Tổ chức và kiểm tra việc thực hiện ở địa phương theo quy định của Luật giao thông đường bộ; thông báo đến các tổ chức cá nhân có phương tiện nêu trên biết để thực hiện; Giao Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn phối hợp với các tổ chức, đoàn thể vận động tuyên truyền cho những cá nhân sử dụng xe ba gác máy, xe máy ba, bốn bánh chở hàng hóa, xe dùng cho người tàn tật, xe lôi đạp chở người phục vụ du lịch, chở hàng hóa, xe thu gôm rác phải đăng ký, cấp biển số và kiểm định đúng theo quy định mới được lưu hành; Giao Sở Văn hóa Thể thao và du lịch, Sở Thông tin và Truyền thông: Phối hợp với các huyện, thị, Báo, Đài phát thanh truyền hình, Mặt trận tổ quốc tỉnh, và các Đoàn thể chính trị xã hội trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật; Giao Công an tỉnh: Chỉ đạo lực lượng Cảnh sát giao thông đường bộ, Công an huyện, thị xã, Công an xã, phường, thị trấn thường xuyên tuần tra, kiểm soát hoạt động của xe ba gác máy, xe máy ba, bốn bánh chở hàng hóa, xe dùng cho người tàn tật, xe lôi đạp chở người du lịch, chở hàng hóa, xe thu gôm rác; kiên quyết xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật đối với các trường hợp vi phạm. Các Phòng nghiệp vụ, chức năng Công an tỉnh, Công an các huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn phối hợp với các ngành liên quan tuyên truyền, vận động, thường xuyên kiểm tra việc thực hiện đúng quy định này.
Lê Dũng (Sở GTVT Vĩnh Long)