Mặc dù tình hình TTATGT 8 tháng đầu năm trên địa bàn cả nước có chuyển biến tích cực, TNGT giảm cả 3 mặt so với thời gian cùng kỳ 2007. Tuy nhiên, tình hình TTATGT vẫn còn diễn biến phức tạp, luôn tiềm ẩn những nguy cơ gây TNGT, số người chết do TNGT vẫn ở mức cao, số vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng còn xảy ra nhiều... Vừa qua, Bộ Công an đã xây dựng kế hoạch thực hiện tháng ATGT (tháng 9/2008) và tổng kiểm tra, xử lý vi phạm TTATGT theo chuyên đề từ 1/9/2008 đến 31/10/2008) qua đó kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm trật tự ATGT.
9 nhóm công tác trọng tâm
Bộ Công an đề ra 9 nhóm công tác trọng tâm và biện pháp thực hiện Tháng ATGT và tổng kiểm tra, xử lý vi phạm trật tự ATGT. Thứ nhất, Tổng cục Cảnh sát và Giám đốc Công an các địa phương chỉ đạo tăng cường tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm theo từng tuyến, địa bàn, tập trung các tuyến, địa bàn TNGT tăng, tình hình vi phạm các quy định về TTATGT phức tạp, phổ biến.
Thứ 2 là phối hợp các cơ quan chức năng, các cơ quan thông tin đại chúng tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền dưới nhiều hình thức phong phú, nội dung phù hợp, thiết thực; tổ chức vận động nhân dân tích cực tham gia công tác bảo đảm TTATGT, tập trung vào đối tượng là thanh niên, học sinh, sinh viên và người trực tiếp điều khiển phương tiện giao thông, nhất là đội ngũ lái xe ô tô khách.
Thứ 3, phối hợp với các lực lượng triển khai phương án phòng chống đua xe trái phép; ngăn chặn kịp thời tình trạng tụ tập mô tô chạy tốc độ cao, lạng lách, gây mất TTATGT, trật tự công cộng; kiên quyết ngăn chặn và xử lý nghiêm hành vi đua xe trái phép nhất là tại các thành phố lớn.
Thứ 4, phối hợp với các lực lượng chức năng như Quân đội, các đơn vị ngành Giao thông... bảo đảm TTATGT trong mùa mưa lũ, kịp thời khắc phục, giải tỏa, điều tiết, hướng dẫn, phân luồng giao thông không để ách tắc giao thông kéo dài trên diện rộng.
Thứ 5, Công an các địa phương phối hợp với các Khu quản lý đường bộ, Sở Giao thông vận tải triển khai thực hiện Quyết định 1856/QĐ-TTg ngày 27/12/2007 của Thủ tướng phê duyệt kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn giao thông đường bộ - đường sắt. Khảo sát, rà soát, phát hiện và kiến nghị biện pháp khắc phục các điểm đen về TNGT, các bất hợp lý về tổ chức giao thông.
Thứ 6, kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm ở các điểm giao thông tĩnh, vi phạm trật tự công cộng như: buôn bán lấn chiếm lòng, lề đường, đặt mái che, mái vẩy, dựng lều quán, biển hiệu vi phạm hành lang ATGT, họp chợ, đậu đỗ phương tiện, đổ vật liệu xây dựng... không đúng quy định.
Thứ 7, Công an Hà Nội và Công an thành phố Hồ Chí Minh cần chủ động phối hợp với các ngành liên quan thực hiện tốt Nghị quyết số 16/2008/NQ-CP ngày 31/7/2008 của Chính phủ về từng bước khắc phục ùn tắc giao thông tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.
Thứ 8, chỉ đạo lực lượng Cảnh sát giao thông phối hợp chặt chẽ với lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về TTAT XH khẩn trương điều tra, đề nghị truy tố các vụ TNGT nghiêm trọng, các vụ xâm hại công trình giao thông, cản trở giao thông nghiêm trọng.
Thứ 9, lãnh đạo các đơn vị tăng cường kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn cán bộ chiến sỹ nhằm nâng cao hiệu quả công tác; chấn chỉnh hoạt động của các lực lượng tham gia công tác bảo đảm trật tự ATGT.
Kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm trật tự ATGT
Theo kế hoạch đề ra, lực lượng CSGT phối hợp với lực lượng Thanh tra giao thông và các lực lượng liên quan có kế hoạch cụ thể tăng cường lực lượng, phương tiện, công cụ hỗ trợ tổ chức tổng kiểm tra xử lý vi phạm TTATGT trên đường bộ tập trung xe ô tô khách hoạt động liên tuyến, liên tỉnh, nhất là xe chở khách Bắc - Nam; xe container, xe tải chở đất đá, vật liệu xây dựng trên quốc lộ, tập trung tuyến QL1A, 5, 18, 51 và những nơi phức tạp về hoạt động của các loại phương tiện này, chú ý vào những hành vi vi phạm: Chạy quá tốc độ quy định, tránh vượt không đúng quy định, đi không đúng phần đường, làn đường, chở quá số người quy định, dừng đỗ không đúng nơi quy định. Xe ô tô gắn biển số không đúng quy định, xe mua bán không làm thủ tục chuyển quyền sở hữu theo quy định. Xe ô tô hết niên hạn sử dụng; xe 3 - 4 bánh tự chế, xử lý nghiêm và đình chỉ lưu hành các đối tượng không phải là thương binh và người tàn tật; xe không có giấy phép lưu hành. Các trường hợp người đi xe mô tô, xe gắn máy không đội mũ bảo hiểm hoặc đội không cài quai, không chấp hành hiệu lệnh của CSGT.
Trên đường thủy nội địa: kiểm tra, xử lý phương tiện vi phạm quy định về trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa, tập trung vào các hành vi vi phạm: Phương tiện thủy không đăng ký, đăng kiểm kỹ thuật, chở quá tải, quá số người quy định, phương tiện cũ nát, thiết bị không an toàn, người điều khiển phương tiện không có bằng lái, chứng chỉ chuyên môn, phương tiện chở khách sang sông không đảm bảo các điều kiện an toàn, không trang bị phao cứu sinh theo quy định.
Về trật tự an toàn giao thông đô thị: Lực lượng CSGT phối hợp với ngành Giao thông vận tải rà soát, điều chỉnh, bổ sung hệ thống biển báo dừng xe, đỗ xe và biển cấm dừng, đỗ xe... đảm bảo lưu thông hợp lý, an toàn, hạn chế ùn tắc giao thông. Chỉ đạo lực lượng Cảnh sát trật tự, Cảnh sát phản ứng nhanh, Cảnh sát khu vực, Công an phụ trách xã tăng cường lực lượng, phương tiện tuần tra kiểm soát phối hợp với Thanh tra giao thông, các lực lượng liên quan... xử lý nghiêm các vi phạm: Xe máy dừng đỗ không đúng nơi quy định; lập bến xe, nơi trông giữ xe và thu phí trông giữ xe trái phép, kiên quyết cưỡng chế đối với các trường hợp chây ì, chống đối...
Ngoài ra, Công an các địa phương căn cứ tình hình thực tế phức tạp nổi lên tại địa phương để chỉ đạo xử lý theo chuyên đề để nâng cao hiệu quả xử lý, góp phần tạo chuyển biến tích cực tình hình TTATGT và kiềm chế, làm giảm TNGT.
P.V