LTS: Hiện nay cả nước đang tích cực triển khai Tháng ATGT. Nhân dịp này đồng chí Hồ Nghĩa Dũng, Bộ trưởng Bộ GTVT, Chủ tịch ủy ban ATGT Quốc gia đã có bài trả lời phỏng vấn Báo GTVT.Tòa soạn xin trân trọng giới thiệu nội dung cuộc phỏng vấn nói trên.
Phóng viên (PV): Thưa Bộ trưởng, mặc dù công tác bảo đảm trật tự ATGT trên phạm vi cả nước trong thời gian qua có nhiều chuyển biến tích cực, với việc giảm cả 3 tiêu chí về TNGT. Tuy nhiên vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất ATGT. Xin Bộ trưởng cho biết đâu là những hạn chế, tồn tại cần khắc phục?
Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng: Mặc dù trong 8 tháng đầu năm 2008, TNGT trên phạm vi cả nước đã giảm được 14,31% về số vụ, giảm 13,47% số người chết và giảm 26,86% số người bị thương, qua đó khẳng định những nỗ lực quyết tâm của cả hệ thống chính trị trong công tác bảo đảm trật tự ATGT. Tuy nhiên, sự chuyển biến đó chưa thực sự vững chắc. Vẫn còn xảy ra nhiều vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng, nhất là tai nạn giao thông liên quan đến xe ô tô chở khách, đò ngang chở khách...
Nguyên nhân của tình hình trên là do ý thức chấp hành của một bộ phận người tham gia giao thông chưa tốt, điều khiển phương tiện chạy quá tốc độ quy định, chở quá tải, quá số người quy định, vi phạm các quy tắc tránh vượt, không đội MBH, sử dụng xe quá niên hạn, không bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật. Trong khi đó phương tiện giao thông cơ giới đường bộ tăng nhanh so với cùng kỳ năm 2007 (ôtô tăng 10,7%; môtô tăng 7,8%). Ngoài ra, những yếu kém, bất cập trong công tác quản lý Nhà nước về TTATGT chưa được khắc phục triệt để ở các lĩnh vực: đăng kiểm, đăng ký phương tiện, đào tạo sát hạch cấp giấy phép lái xe, tuần tra kiểm soát, quản lý vận tải và giáo dục đạo đức nghề nghiệp, quản lý đội ngũ lái xe. Công tác tuyên truyền chưa đổi mới, sáng tạo nên hiệu quả còn thấp; chưa có cơ chế, chính sách hỗ trợ kịp thời để thực hiện, nhất là trong việc triển khai thực hiện chủ trương đình chỉ lưu hành phương tiện tự chế 3, 4 bánh...
Tình trạng ùn tắc giao thông tại TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh chậm được khắc phục, còn xảy ra nhiều vụ ùn tắc giao thông kéo dài. Cơ sở hạ tầng giao thông chưa đáp ứng được yêu cầu, vẫn còn những điểm đen mất ATGT. Việc triển khai giai đoạn 1 của Quyết định 1856/QĐ-TTg về lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ, đường sắt tuy đã được kết quả bước đầu nhưng hành lang ATGT vẫn bị lấn chiếm nghiêm trọng, gây mất ATGT.
PV: Có ý kiến cho rằng, tháng 9 được coi là tháng "bản lề" trong công tác bảo đảm trật tự ATGT những tháng cuối năm. Bộ trưởng đánh giá như thế nào về việc triển khai Tháng ATGT năm 2008?
Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng: Tháng 9 hàng năm được chọn là “Tháng ATGT”, đây là thời gian có nhiều yếu tố tác động xấu đến trật tự ATGT do mưa bão nhiều, học sinh các cấp và sinh viên tựu trường..., vì vậy đòi hỏi các cấp, các ngành cần đẩy mạnh công tác bảo đảm trật tự ATGT quyết liệt hơn.
Có thể nói, Tháng ATGT năm nay đã được các Bộ, ngành, đoàn thể, các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương hưởng ứng mạnh mẽ. Bộ Công an đã có Công điện yêu cầu toàn ngành Công an phối hợp với các lực lượng, các ngành liên quan triển khai nghiêm túc, có hiệu quả Tháng ATGT, tổng kiểm tra, xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông trên toàn quốc và tiến hành việc kiểm tra, xử lý vi phạm trật tự ATGT theo chuyên đề.
Đặc biệt đã có nhiều địa phương tích cực triển khai thực hiện tháng cao điểm về trật tự an toàn giao thông nhằm tạo bước chuyển biến tích cực về tình hình ATGT. Tiêu biểu như TP Hồ Chí Minh đã phát động Tháng ATGT năm 2008, nhằm đẩy mạnh công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, nâng cao ý thức chấp hành nghiêm pháp luật giao thông, gắn với thực hiện kế hoạch “Năm 2008 - Năm thực hiện nếp sống văn minh đô thị” trên địa bàn thành phố. Năm học 2008-2009, TP Hồ Chí Minh sẽ đưa giáo dục ATGT vào chương trình học tập tại các trường trên địa bàn. Ngày khai giảng năm học mới (5/9/2008) được chọn là ngày phát động “Tháng ATGT năm 2008”, đưa giáo dục Luật Giao thông là điều kiện bắt buộc trong các buổi chào cờ và sinh hoạt đầu tuần. TP Hà Nội cũng đã tổ chức lễ phát động Tháng ATGT, phát động phong trào toàn dân tham gia bảo đảm trật tự ATGT; tăng cường công tác tổ chức giao thông, cải tạo hạ tầng, nhất là các tuyến trọng điểm, thường xuyên xảy ra ùn tắc và TNGT. Hay như ở TP Đà Nẵng, trong Tháng ATGT với chủ đề “Thanh niên, thiếu niên trường học nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông”, các trường học trên địa bàn kiên quyết xử lý học sinh đi học bằng môtô, xe gắn máy. Tất cả học sinh đi học bằng xe máy điện, xe đạp điện đều phải đội mũ bảo hiểm. Nhiều địa phương khác trong cả nước cũng có những biện pháp sáng tạo trong việc triển khai thực hiện Tháng ATGT.
PV: Cùng với việc triển khai thực hiện tốt Tháng ATGT 2008, xin Bộ trưởng cho biết để kéo giảm TNGT, từ nay đến cuối năm sẽ tập trung giải quyết những vấn đề gì?
Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng: Để phát huy những kết quả đạt được, phấn đấu giảm được tai nạn giao thông trong những tháng còn lại của năm 2008, các Bộ, ngành và địa phương cần khắc phục những hạn chế, tồn tại, đồng thời tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp của Nghị quyết 32/2007/NQ-CP, Nghị quyết 05/2008/NQ-CP của Chính phủ. ủy ban ATGT Quốc gia đã đề ra 9 nhiệm vụ trọng tâm nhằm kéo giảm TNGT từ nay đến cuối năm 2008. Theo đó, sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông, cao điểm là Tháng ATGT (tháng 9/2008). Kiên trì tuyên truyền kết hợp với cưỡng chế thực hiện quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe gắn máy, chú trọng đến vùng nông thôn; tuyên truyền đội mũ bảo hiểm đúng cách, trẻ em dưới 14 tuổi phải đội mũ bảo hiểm, bảo đảm chất lượng mũ bảo hiểm; duy trì kết quả về đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe gắn máy.
Ngoài ra, cần tăng cường tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm đối với người điều khiển xe ô tô chở khách, xe mô tô vi phạm Luật Giao thông là nguyên nhân trực tiếp gây TNGT như: chạy quá tốc độ quy định, tránh vượt không đúng quy định, chở quá số người quy định, quá tải; sử dụng xe hết niên hạn hoặc không đảm bảo an toàn kỹ thuật; không giấy phép lái xe, sau khi sử dụng bia rượu điều khiển phương tiện, đua xe trái phép, lạng lách, đánh võng, đuổi nhau trên đường gây mất TTATGT.
Tổ chức các đợt tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm về TTATGT theo chuyên đề đối với xe ô tô chở khách; xe ô tô vi phạm tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật, hết niên hạn sử dụng; kiểm tra và xử lý nghiêm xe 3, 4 bánh tự chế không phải là xe của thương binh, người tàn tật; kiên quyết đình chỉ lưu hành đối với các trường hợp vi phạm tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật, xóa sổ đối với phương tiện hết niên hạn sử dụng; hạ tải, xuống khách đối với các trường hợp quá tải, quá số người quy định. Triển khai mạnh mẽ, đồng bộ giai đoạn 2 kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ, đường sắt theo Quyết định 1856/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông ở Hà Nội và TP.HCM cần quan tâm chỉ đạo, giải quyết vướng mắc về đẩy nhanh tiến độ, hiệu quả các dự án công trình giao thông; tổ chức điều chỉnh phân luồng giao thông hợp lý. Tăng cường công tác kiểm tra trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa, nhất là trong mùa mưa lũ; kiên quyết đình chỉ hoạt động các bến khách, phương tiện thủy không bảo đảm quy định về điều kiện an toàn, quy tắc giao thông; tiếp tục thực hiện cuộc vận động “người đi đò sử dụng áo phao”.
Đồng thời, cần đánh giá sơ kết 1 năm triển khai thực hiện huy động lực lượng công an xã tham gia công tác bảo đảm TTATGT. Trên cơ sở đó rút kinh nghiệm và đề xuất tiếp tục triển khai huy động các lực lượng khác cùng tham gia công tác bảo đảm TTATGT. Sửa đổi, bổ sung Luật Giao thông đường bộ theo đúng tiến độ; tiếp tục hoàn thiện các văn bản pháp quy để triển khai thực hiện Nghị quyết 32/2007/NQ-CP. Ngoài ra, cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các đề án, dự án về công tác bảo đảm TTATGT, nhằm tăng cường năng lực cho lực lượng làm nhiệm vụ bảo đảm TTATGT và nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm TTATGT.
Với sự nỗ lực của các cấp, các ngành, được sự đồng thuận ủng hộ của nhân dân chúng ta tin tưởng tình hình trật tự ATGT những tháng cuối năm sẽ tiếp tục có chuyển biến tích cực.
PV: Xin chân thành cảm ơn Bộ trưởng, Chủ tịch.
Đỗ Thi - Báo GTVT (Thực hiện)