Trong bối cảnh tình hình trật tự ATGT và TNGT hiện nay diễn biến hết sức phức tạp thì những thông tin kịp thời, có định hướng là điều rất quan trọng bởi báo chí không chỉ mang tính truyền thông đơn thuần mà ở một góc độ nào đó còn giữ vai trò quyết định trong việc hướng dẫn và định hướng dư luận. Tuy nhiên, để cải thiện ATGT, kéo giảm TNGT thì báo chí, các cơ quan truyền thông đại chúng cần có sự đồng thuận và một tiếng nói chung...
Cho đến thời điểm hiện nay, chứng kiến người nào người nấy đều đội MBH khi ra đường tham gia giao thông bằng xe máy, những người làm báo trong ngành GTVT chúng tôi quả thật không giấu được niềm vui. Bởi trong suốt những năm qua, Báo GTVT đã kiên định góp tiếng nói của mình bằng nhiều bài viết tuyên truyền việc triển khai quy định bắt buộc đội MBH trên tất cả các tuyến đường. Niềm vui đó còn được nhân lên nhiều lần khi việc đội MBH đã dần trở thành thói quen, một nét văn hóa của người dân cả nước và số người chết do TNGT liên tiếp giảm trong những tháng gần đây.
Nhớ lại thời điểm cách đây vài năm. Những ngày đó, Chính phủ bắt đầu rậm rịch có quy định bắt buộc đội MBH trên tất cả các tuyến đường, rất nhiều tờ báo đưa những bài phê phán, tạo nên luồng dư luận trái chiều dẫn đến tâm lý dao động của người dân. Thậm chí thời điểm năm 2006 và những tháng đầu năm 2007, khi Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 32 và đề ra lộ trình bắt buộc đội MBH trên tất cả các tuyến đường, nhiều tờ báo vẫn đưa những bài báo hết sức phản cảm. Đơn cử như việc từ đầu tháng 6/2007, Bộ GTVT và Liên hiệp các Công đoàn ngành GTVT Việt Nam phát động CBCNVC-LĐ trong toàn ngành đội MBH không phân biệt các tuyến đường vẫn có tờ báo nhận định đó là việc làm “Duy ý chí” và vụ lợi!?
Việc chưa có sự đồng thuận và tiếng nói chung của một số cơ quan báo chí gần như lại một lần nữa lặp lại trong tuyên truyền vấn đề cấm xe công nông và xe tự chế ba, bốn bánh. Đây là một quy định đúng đắn của Chính phủ để loại bỏ các phương tiện không bảo đảm chất lượng lưu thông trên đường, hạn chế TNGT và đã đưa ra lộ trình từ năm 2004 nhưng hiện nay vẫn còn rất nhiều bài báo tuyên truyền theo hướng ngược lại, thậm chí đả kích. Chính vì việc tuyên truyền như vậy đã gây kích động trong một bộ phận người dân biểu tình, cố tình không chấp hành và trong suốt những tháng vừa qua, công việc loại bỏ gặp rất nhiều trở ngại.
Dẫn ra những điều đó để minh chứng cho sự đồng thuận, chung một tiếng nói của các cơ quan báo chí có vai trò quan trọng và quyết định như thế nào tới hiệu quả của công tác tuyên truyền trong lĩnh vực ATGT.
Biến một chiều thành… hai chiều
Hiện nay, trong công tác tuyên truyền ATGT nói chung của nước ta đang tồn tại một nghịch lý là mặc dù các phương tiện thông tin đại chúng đã đẩy mạnh tuyên truyền ATGT hơn rất nhiều so với các năm trước đó nhưng tình hình trật tự ATGT vẫn chưa được cải thiện được là bao. Dưới góc độ tuyên truyền, nói quá nhiều, người nói cứ nói mà không có chuyển biến tích cực thì tuyên truyền sẽ nhạt, tạo ra sự thờ ơ, vô cảm cho người tiếp nhận. Rất nhiều tờ báo đã thông tin liên tục các vụ TNGT thảm khốc nhưng nhận thức của người dân không thay đổi.
Điều này cho thấy phương pháp và cách thức tuyên truyền chưa thực sự phù hợp, thậm chí mất cân bằng. Thực trạng phổ biến của hầu hết các tờ báo là tuyên truyền theo cách “từ trên xuống”, rất ít có sự giao tiếp hai chiều, tương tác hay phản hồi tích cực. Các cơ quan báo chí chỉ quan tâm tới việc phổ biến và kêu gọi mà chưa để ý tới phản hồi của người tiếp nhận những thông tin đó như thế nào. Theo rất nhiều chuyên gia trong lĩnh vực ATGT của các nước phát triển, ý thức người tham gia giao thông kém không phải do tính cách con người mà chính là do sự mất cân bằng của giao thông, trong đó có mất cân bằng trong vấn đề và tuyên truyền ATGT. Thực tế chứng minh, mặc dù ở trong nước ý thức của một số người Việt Nam rất kém, nhưng khi ra nước ngoài họ lại tuân thủ rất nghiêm Luật Giao thông của nước sở tại và rất ít khi thấy họ vi phạm.
Do vậy, để khắc phục tình trạng này, báo chí cũng cần có sự thay đổi căn bản trong cách thức tuyên truyền. Sự tương tác và phản hồi hai chiều giữa nhà báo và người dân cần được đề cao. Tuyên truyền không thể chỉ dừng lại ở việc người nói cứ nói mà không quan tâm gì tới cảm nhân của người nghe. Việc phản hồi thông qua đối thoại và giao tiếp là hết sức quan trọng để không dẫn tới nhàm chán. Ngoài ra, việc tuyên truyền về quy định của pháp luật về ATGT cần đưa ra nội dung cụ thể, xác định đúng đối tượng để tuyên truyền phù hợp hướng dẫn dư luận trong toàn xã hội, tạo ra sự chuyển biến rõ rệt. Công tác tuyên truyền nếu chỉ đưa thực trạng sẽ nảy sinh vấn đề “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”.
Đức Nguyễn