Phản biện từ chuyên gia Việt Nam về Dự án nghiên cứu quy hoạch tổng thể ATGT đường bộ Việt Nam

Thứ ba, 29/07/2008 00:00 GMT+7
Vừa qua, tại Hà Nội, Uỷ ban ATGT Quốc gia đã tổ chức hội nghị báo cáo giữa  kỳ về Dự án nghiên cứu quy hoạch tổng thể ATGT đường bộ Việt Nam do Tổ chức JICA tài trợ. Dự án do các chuyên gia Nhật Bản thực hiện đã thu hút rất đông các chuyên gia ATGT trong nước và quốc tế.
Vừa qua, tại Hà Nội, Uỷ ban ATGT Quốc gia đã tổ chức hội nghị báo cáo giữa  kỳ về Dự án nghiên cứu quy hoạch tổng thể ATGT đường bộ Việt Nam do Tổ chức JICA tài trợ. Dự án do các chuyên gia Nhật Bản thực hiện đã thu hút rất đông các chuyên gia ATGT trong nước và quốc tế.
 
 

Nút giao thông Đại Cồ Việt, Hà Nội Ảnh: Lan Anh


8 chiến lược hành động ATGT bền vững
 
Dù mới đi được nửa chặng đường của dự án với bản dự thảo báo cáo giữa kỳ, nhưng những gì các chuyên gia thể hiện cho thấy, trên lĩnh vực ATGT Nhật Bản có nhiều bài học kinh nghiệm sau gần 5 thập kỷ kiên trì triển khai thực hiện các giải pháp kiềm chế TNGT. Và kinh nghiệm này sẽ là những bài học quý báu cho nỗ lực giảm thiểu TNGT ở Việt Nam trong tương lai sau khi dự án mà tổ chức JICA tài trợ hoàn thiện.
 
Ông Takagi Michimasa, Tư vấn trưởng dự án cho biết: "Quy hoạch tổng thể ATGT đường bộ Việt Nam (đến năm 2020) là quy hoạch đầu tiên về ATGT đường bộ tại Việt Nam và chương trình hành động (năm 2008 đến 2012) sẽ cụ thể hóa chương trình 5 năm đầu tiên về ATGT đường bộ. Quy hoạch tổng thể và chương trình hành động sẽ được xem xét và cập nhật như là kế hoạch quốc gia được thực hiện theo từng giai đoạn. Quy hoạch sẽ bao gồm các chính sách, các nguyên tắc và mục tiêu cơ bản về phát triển ATGT bền vững".
 
Theo tinh thần đó, dự thảo nghiên cứu quy hoạch phác thảo 8 chiến lược ATGT, bao gồm: phát triển công trình an toàn; phát triển hoạt động vận tải; cưỡng chế; giáo dục; phát triển văn hoá giao thông; phát triển hệ thống cấp cứu y tế và nâng cao thể chế. Mỗi chiến lược là một loạt vấn đề liên quan đến hành động ATGT tổng thể, dựa trên cơ sở phân tích các dữ liệu về tình hình phát triển KT-XH và thực trạng giao thông.
 
Đơn cử, như chiến lược phát triển công trình an toàn, quy hoạch tổng thể sẽ tiến hành nghiên cứu hàng loạt vấn đề liên quan như: xem xét  các chỉ số phát triển; môi trường an toàn đường bộ; các biện pháp đối phó đối với vấn đề lấn chiếm đường bộ; phát triển chiến lược cải tạo "điểm đen"; phát triển hệ thống thẩm định ATGT đường bộ; các biện pháp ATGT trong phát triển mạng lưới đường bộ; hệ thống quản lý và kiểm soát giao thông đô thị để đảm bảo giao thông an toàn; tiêu chuẩn thiết kế và tài liệu hướng dẫn về các công trình ATGT; yêu cầu đầu tư và nguồn tài chính trong ngành; hoàn thiện cơ cấu tổ chức và phát triển nguồn nhân lực và xem xét các chiến lược thực hiện...
 
Để quy hoạch có tính thực tiễn cao, các chuyên gia Nhật Bản cũng đã xây dựng chương trình hành động ATGT quốc gia 5 năm (2008 - 2012). Đó là tập trung thực hiện các giải pháp ATGT liên quan đến 4 lĩnh vực: kỹ thuật hạ tầng, cưỡng chế, giáo dục và  cấp cứu y tế.
 
Phản biện nâng cao giá trị thực tiễn
 
Trên trang Web của ủy ban ATGT Quốc gia, thay mặt nhóm nghiên cứu thực hiện quy hoạch tổng thể ATGT đường bộ Việt Nam, Tư vấn trưởng Takagi Michimasa viết: "Trong các giải pháp đưa ra có nhiều vấn đề mang tính xã hội rộng rãi. Nhóm nghiên cứu đã trình bày trong một số cuộc họp và nhận được những ý kiến đóng góp quan trọng. Chúng tôi đánh giá cao và xin cảm ơn các đóng góp này. Để tiếp tục hoàn thiện, nhóm nhiên cứu mong muốn có nhiều nhận xét, góp ý hơn nữa".
 
Theo Chánh văn phòng ủy ban ATGT Quốc gia Bùi Huynh Long: "Để dự án phát huy hiệu quả khi triển khai thực hiện cần phù hợp với thực tiễn KT-XH, nhất là giao thông đường bộ Việt Nam. Đây cũng là lý do Ủy ban ATGT Quốc gia yêu cầu các chuyên gia Nhật Bản cần sự phản biện, đánh giá của người dân, trước hết là các chuyên gia và những người đang trực tiếp tham gia công tác bảo đảm trật tự ATGT của Việt Nam".
 
Do đó, tại Hội nghị báo cáo giữa kỳ, hàng loạt vấn đề thực tiễn ATGT mang đặc thù Việt Nam được các chuyên gia, nhà quản lý giao thông Việt Nam nêu ra như những gợi mở. Đó là, thực tế TNGT xe máy chiếm tỷ lệ lớn và hiện vẫn tiếp tục tăng cao; tình trạng lấn chiếm hành lang đường bộ rất phổ biến; bất cập trong quản lý phương tiện người lái; quản lý vận tải; xã hội hóa hoạt động ATGT; thẩm định, kiểm toán ATGT; nâng cao hiệu quả, chống tiêu cực trong lực lượng TTKS, xử lý vi phạm giao thông... Đây là những vấn đề ATGT bức xúc hiện nay, không dễ có thể giải quyết một sớm một chiều, cần được những người lập quy hoạch đề xuất giải pháp khắc phục hiệu quả.
 
Cụ thể hơn, từ phân tích thực tiễn TNGT trên đoạn QL3 qua Tp. Thái Nguyên, ông Lê Đình Thi - Giám đốc Sở GTVT Thái Nguyên đã lưu ý các chuyên gia Nhật Bản: "Cần có giải pháp tách làn phương tiện và lắp đặt dải phân cách hợp lý trên các quốc lộ". Tương tự, ông Nguyễn Ngọc Thái - Ban ATGT Bắc Ninh cho biết: "Vấn đề kiện toàn bộ máy Ban ATGT đã nhiều lần đặt ra nhưng chưa hiệu quả, cần đưa vấn đề này vào quy hoạch tổng thể".
 
Còn Ts. Nguyễn Tiến Trọng - Phó tổng giám đốc Ban Quản lý dự án ATGT cho rằng: "Cần có sự phối hợp giữa các tổ chức quốc tế đang giúp Việt Nam triển khai thực hiện các dự án liên quan đến ATGT như: JBIC, WB, ADB... Góp ý chi tiết đối với quy hoạch tổng thể, cần thống nhất đề mục, cũng như sử dụng thuật ngữ chính xác để tránh hiểu lầm".
 
Với thái độ cầu thị, ông Takagi Michimasa cho biết, không thể đưa một số vấn đề quá cụ thể, chi tiết vào dự án quy hoạch tổng thể. Tuy nhiên, để phù hợp với đặc trưng vùng miền và thực tiễn giao thông tại Việt Nam, những người thực hiện dự án sẽ nghiên cứu các ý kiến phản biện của các bạn Việt Nam để đưa vào các chương trình hành động cụ thể, bảo đảm quy hoạch toàn diện, bền vững.
 
                 Hương Nguyên - Báo Bạn đường
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)