Mới đây, ngày 04/3/2008, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 259/ QĐ - TTg về việc phê duyệt Đề án tăng cường bảo đảm trật tự ATGT Quốc gia đến năm 2010. Theo đó, với số tiền 900 tỷ đồng được dành cho dự án nâng cao an toàn bến khách ngang sông sẽ góp phần hạn chế đẩy lùi tai nạn giao thông đường thủy. Đồng thời, từng bước cải thiện nâng cấp điều kiện phục vụ của các bến phù hợp với mạng lưới đường giao thông nông thôn và hệ thống giao thông vận tải của các địa phương.
Hiện trạng "nhiều không"
Theo thống kê trên địa bàn cả nước hiện có khoảng 2469 bến khách ngang sông, với 5396 phương tiện đang hoạt động nằm trên địa bàn 52 tỉnh. Chỉ tính riêng trên các tuyến sông đồng bằng Bắc Bộ có tổng số 890 bến, mới chỉ có 576 bến có giấy phép hoạt động mở bến, chiếm 64,7%; đăng ký phương tiện hoạt động là 772 chiếc, chiếm 71,7%; mới có 712 người trên tổng số 1036 người được cấp chứng chỉ chuyên môn của người điều khiển phương tiện, đạt 68,7%. Đặc biệt, ở đồng bằng Nam Bộ với 983 bến và 2686 phương tiện hoạt động; thế nhưng mới chỉ có 369 bến có giấy phép hoạt động mở bến, chiếm 37,5% và 1894 chiếc được đăng ký hoạt động. Ngoài ra, mới chỉ có 1981 người điều khiển trên tổng số 2955 người có chứng chỉ chuyên môn, đạt 67%.
Không những đang ở trong tình trạng "nhiều không", thực trạng hiện nay đối với các bến khách ngang sông còn nhiều tồn tại và bất cập. Đối với các bến khách nhỏ lẻ, phần lớn nằm trên trục đường liên xã, đường giao nông thôn. Các bến dạng này đa phần được hình thành tự phát, sự phân bố mang tính tùy tiện, mọi hoạt động không có sự quản lý của các cơ quan chuyên ngành cũng như của chính quyền địa phương. Tại một số địa phương, các bến khách nhỏ lẻ có mật độ dày đặc, nhiều vị trí bất hợp lý gây cản trở cho vận tải thủy nội địa và là một trong những nguyên nhân gây ra nhiều vụ tai nạn giao thông ĐTNĐ.
Cơ sở hạ tầng thiếu, công tác quản lý bị buông lỏng
Hầu hết các bến đều chưa có bến cập, biển báo hiệu chỉ dẫn và đèn chiếu sáng, các bến chưa có nhà chờ hoặc có nhưng rất tạm bợ. Đường lên xuống bến và bến đậu chủ yếu là tận dụng điều kiện tự nhiên. Một số bến tuy có được đầu tư xây dựng, song không được duy tu sửa chữa thường xuyên, kịp thời nên đã gây khó khăn và mất an toàn cho hành khách và phương tiện cá nhân đi lại. Phương tiện vận tải khách phần lớn chưa được đăng kiểm, đăng ký, nhiều phương tiện được tận dụng khai thác, không đúng mục đích vận tải khách, chưa kể đến việc đã quá niên hạn sử dụng, không đảm bảo an toàn khi vận hành khai thác.
Trang thiết bị an toàn cho người và phương tiện thiếu và không được coi trọng. Trình độ nhận thức và ý thức chấp hành Luật Giao thông đường thủy nội địa của người vận hành phương tiện và hành khách chưa cao. Đa số người điều khiển phương tiện không có bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn hoặc chưa qua tập huấn về Luật Giao thông đường thủy nội địa.
Đặc biệt ở nhiều cấp địa phương còn buông lỏng quản lý hoạt động khai thác, cho đấu thầu khai thác bến mang tính chất khoán trắng. Đồng thời, các địa phương tại hai bờ sông của cùng một bến không có sự phối hợp trong công tác quản lý bến; chưa có sự phối hợp của chính quyền địa phương với cơ quan quản lý chuyên ngành ĐTNĐ trong việc quản lý an toàn giao thông thủy đối với hoạt động của bến. Bởi vậy, nhiều phương tiện dời bến trong tình trạng quá tải, hành khách chen lấn đã dẫn đến những tai nạn đáng tiếc xảy ra. Việc xử lý những trường hợp vi phạm chưa nghiêm và chưa có biện pháp mạnh như tạm giữ phương tiện. Tuy nhiên, đa số những bến nhỏ lẻ, hình thái tự phát, chủ phương tiện là những người nghèo, có hoàn cảnh kinh tế khó khăn không có đủ kinh phí đầu tư bến bãi cũng như phương tiện đáp ứng được các yêu cầu của quy định.
Hiện nay, tại hầu hết các địa phương đã và đang diễn ra tình trạng mở bến tràn lan, tùy tiện, không quan tâm đến yếu tố vị trí mở bến có đủ điều kiện an toàn hay không. Việc chấp hành các quy định về bảo đảm an toàn kỹ thuật, người điều khiển phương tiện bắt buộc phải có chứng chỉ chuyên môn, bến phải đảm bảo điều kiện an toàn, được cấp phép,… hầu như chưa được coi trọng.
Thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT đã có Văn bản 2071/BGTVT-VT ngày 02/4/2008 ban hành kế hoạch triển khai Quyết định số 259/QĐ-TTg. Theo đó dự án nâng cao an toàn bến khách ngang sông được giao cho Cục Đường sông Việt Nam chủ trì và trình Bộ vào đầu quý III năm 2008.
Đ.T