Trong khuôn khổ bài viết này, tôi không muốn đề cập đến những vấn đề to tát như quy hoạch đô thị, xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông trong tương lai hay quy hoạch luồng, tuyến hiện nay mà tôi chỉ đề cập đến những việc trong tầm tay có thể làm ngay được để đảm bảo điều kiện giao thông hiện có an toàn hơn, miễn là có được sự cam kết ATGT nhất quán của chính quyền và các cơ quan ban ngành liên quan.
Ai cũng biết việc sửa chữa đường sá (kể cả các công trình liên qua nnhư điện, cấp thoát nước, điện thoại) đã là nguyên nhân gây ra không ít TNGT. Nhưng thử hỏi có quá khó không để đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông? Câu trả lời là không, nếu các cấp có trách nhiệm thì họ sẽ yêu cầu các đơn vị sửa chữa có biện pháp đảm bảo an toàn trong suốt quá trình sửa chữa. Mà biện pháp đảm bảo an toàn ở đây cũng chỉ là hệ thống biển cảnh báo, biển chỉ dẫn, rào chắn bổ sung,… không quá khả năng đầu tư của các đơn vị chuyên sửa chữa các công trình giao thông.
Không phải chỉ ở ta mới có sửa chữa đường sá khi đang lưu thông, đến một nước phát triển như Mỹ đi nữa thì họ cũng phải thường xuyên sửa chữa đường sá. Tất nhiên là không phải cứ điệp khúc “lấp xuống rồi lại đào lên” như ở ta nhưng cái chính là họ có được một hệ thống cảnh báo đầy đủ, rõ ràng và từ xa cho người tham gia giao thông. Việc khôi phục lại mặt đường sau khi thi công công trình ngầm để đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông thì cũng chẳng phải quá tầm tay chúng ta. Đối với các hư hỏng nhỏ trên đường có nguy cơ gây ra TNGT thì chỉ cần thông báo các số điện thoại (thậm chí có thể dùng một số điện thoại miễn phí) của đơn vị phụ trách để mọi người có thể thông báo kịp thời. Đơn vị quản lý có thể lập các tổ cơ động để xử lý kịp thời các hỏng hóc nhỏ đó chắc kinh phí cũng không quá tốn kém.
Một vấn đề khác là các biển báo giao thông trên đường ở nước ta còn quá nhiều bất cập. Lấy thí dụ cùng là biển cấm đi ngược chiều, ở Mỹ người ta còn viết thêm trên đó mấy chữ “Không được đi vào” (Do not enter) và cạnh biển đó lại dựng thêm hai biển lớn khác hai bên đường để báo “Đi nhầm đường rồi!” (Wrong way!). Nếu so sánh với những khẩu hiệu trên đường ở ta kiểu như: “Nghiêm chỉnh chấp hành luật lệ giao thông” hay “Nghiêm chỉnh chấp hành nghị định số XY/CP” thì rõ ràng không thể nói vì mặt bằng dân trí của Mỹ thấp hơn của ta nên họ mới phải ghi chi tiết như vậy. Tôi đặc biệt ấn tượng với việc sử dụng rất phổ biến biển báo “STOP” (Dừng lại) ở Mỹ. Tôi nghĩ rằng biển báo này có tác dụng rất lớn trong việc hình thành nên thói quen tốt về ATGT: hãy biết dừng lại.
Tôi cũng nghĩ rằng người Việt chúng ta nên tập thói quen “Dừng lại” khi tham gia giao thông nói riêng cũng như trong cuộc sống nói chung. Trên các đường phụ (đường giao thông công cộng hay chỉ là đường ra vào một cơ quan, xí nghiệp) trước khi gặp đường chính (đường ưu tiên) mà không có đèn tín hiệu giao thông người ta đều sử dụng biển “STOP”. Ngoài ra, biển báo “STOP” còn được sử dụng rất hữu hiệu để điều phối giao thông thay cho đèn tín hiệu giao thông ở các ngã ba, ngã tư mà tốc độ và mật độ lưu thông không cao. Thay vì dùng hệ thống đèn tín hiệu giao thông tốn kém ở các nút giao thông loại này người ta chỉ cần đặt biển “STOP” ở tất cả các hướng và lái xe theo nguyên tắc hướng nào dừng trước thì đi trước.
Lê Đình (Bà Rịa - Vũng Tàu)