Là một đô thị có số dân đông nhất nước, TP Hồ Chí Minh thường được người ta biết đến như một điển hình về hệ thống giao thông đường bộ dày đặc, với lưu lượng xe nhiều đến nỗi việc ùn tắc giao thông đã trở nên "quen thuộc".
Chính vì thế, nhiều người đã quên rằng thành phố này còn có một hệ thống giao thông đường thủy đầy tiềm năng nhưng cũng nhiều tiềm ẩn.
Rộng mở bốn phương, kết nối thành phố
Mạng lưới giao thông đường thủy ở TP Hồ Chí Minh trải rộng khắp địa bàn và có tới 975 km có thể khai thác vận tải, đạt mật độ 0,465km/km2, cao hơn đồng bằng sông Cửu Long 2,65 lần. Ưu thế của hệ thống giao thông thủy ở đây là có thể "tung hoành" theo bốn hướng.
Với tấm bản đồ đường thủy TP Hồ Chí Minh trải rộng trên bàn, ông Phan Hoàng Trí, Phó Giám đốc Khu Đường sông (Sở Giao thông công chính TP Hồ Chí Minh) phác họa cho chúng tôi những đường hướng về sông nước thành phố. Hướng đông xuất phát từ Ngã ba đèn đỏ (quận 7) ngược theo sông Đồng Nai đến TP Biên Hòa và tỉnh Đồng Nai. Hướng bắc: ngược theo sông Sài Gòn lên TX Thủ Dầu Một (Bình Dương) rồi theo kênh Thầy Cai (huyện Củ Chi) ra sông Vàm Cỏ Đông lên Bến Kéo (Tây Ninh). Hướng tây - nam: xuất phát từ kênh Tẻ theo rạch ông Lớn, kênh Cây Khô, rạch Bà Lào (TP Hồ Chí Minh) ra kênh Nước Mặn hòa vào sông Vàm Cỏ... đi các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.
Hướng tây: từ kênh Tẻ ra kênh Đôi vào sông Chợ Đệm qua vùng Đồng Tháp Mười đi về phía tỉnh An Giang và tỉnh Kiên Giang. Hướng nam: theo các con sông Sài Gòn, Đồng Nai, Nhà Bè, Xoài Rạp, Vũng Tàu, Mũi Nai, Đồng Tranh, Ngã Bảy đi ra Biển Đông. Kết nối các khu vực trong thành phố lại với nhau là một loạt kênh, rạch lớn, bé. Đó là các kênh: Đôi, Tẻ, Ngang, Nhiêu Lộc và các rạch: Bến Nghé, Văn Thánh, Tân Hóa, Lò Gốm, Thị Nghè...
Nhờ có hệ thống sông ngòi, kênh, rạch phong phú như thế, giao thông đường thủy ở TP Hồ Chí Minh phát triển khá đa dạng, phục vụ nhiều loại phương tiện vận tải thủy khác nhau: từ ghe thuyền, sà-lan, tàu nhỏ, đến những tàu hàng hải có sức chở hàng chục nghìn tấn, kết nối nội ô, vùng lân cận, liên tỉnh và quốc tế. Hệ thống giao thông đường thủy ở đây có ý nghĩa quan trọng trong việc vận tải nông sản (nhất là gạo) từ các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long về các cảng biển trên sông Sài Gòn để đưa lên tàu xuất khẩu ra nước ngoài và chở hàng hóa (nhất là phân bón) từ khu vực cảng này ngược về miền Tây Nam Bộ phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Bên cạnh đó, hệ thống sông ngòi, kênh rạch ở TP Hồ Chí Minh còn có tiềm năng lớn về du lịch trên sông và thực hiện chức năng cung cấp nước cho các nhà máy nước cũng như thoát nước đô thị.
Tuy nhiên, theo điều tra gần đây của Trung tâm nghiên cứu phát triển giao thông vận tải thuộc Viện Chiến lược và phát triển giao thông vận tải, luồng tuyến vận tải thủy TP Hồ Chí Minh đang ở trong tình trạng báo động. Mạng lưới đường thủy đang xuống cấp trầm trọng. Nhiều đoạn kênh và tuyến kênh đã bị cạn và bít luồng như các tuyến kênh: Tàu Hũ - Lò Gốm - Bến Nghé - Rạch Bà Tàng - Kinh Văn Thánh...
Tình trạng nhà cửa xây cất lấn chiếm sông rạch, đăng đáy cá lấn chiếm luồng chạy tàu, sạt lở bờ sông và ô nhiễm dòng nước có xu hướng tăng lên. Hệ thống cầu có độ tĩnh không thấp và khẩu độ nhỏ, cản trở sự phát triển giao thông thủy. Ngoài một số cảng biển phục vụ tàu quốc tế được đầu tư bài bản, hầu hết hơn 230 cảng và bến bãi nội ô khác đều nhỏ và yếu kém về hạ tầng kỹ thuật. Toàn thành phố có gần 60 bến đò ngang nhưng đều ở dạng hết sức thô sơ, chật hẹp. Đặc biệt ở đây có rất ít cảng khách đường thủy.
Để khai thác hiệu quả hơn nữa tiềm năng đường thủy ở đô thị lớn nhất nước này, các chuyên gia giao thông đưa ra một quy hoạch phát triển luồng tuyến khá "hoành tráng" bao gồm sáu hướng: liên tỉnh; liên thông đường biển; vành đai ngoài nối các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long với Vũng Tàu, Thị Vải; kết nối nội thành với cảng biển mới và vành đai nội thị. Ở hướng liên tỉnh, có ba tuyến kết nối với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, hai tuyến kết nối các tỉnh miền Đông Nam Bộ, một tuyến nối với tỉnh Tây Ninh.
Hướng liên thông với Biển Đông dùng để giao lưu đối ngoại xuất phát từ sông Sài Gòn ra sông Nhà Bè theo sông Lòng Tàu thoát ra cửa sông Ngã Bảy với chiều dài 95km. Thành phố đang nghiên cứu mở thêm tuyến mới từ sông Sài Gòn theo sông Nhà Bè, sông Xoài Rạp rồi ra Biển Đông. Các hướng vành đai ngoài, vành đai trong, hướng xuống Vũng Tàu, Thị Vải và các cảng biển là nhằm kết nối các khu công nghiệp, đô thị và các cảng biển lớn trong khu vực lại với nhau. Tuy nhiên, để biến quy hoạch này thành hiện thực, đòi hỏi vốn đầu tư khá lớn và quỹ thời gian không ít.
Nhiều hành vi vi phạm ATGT đường thủy
Trong mấy năm gần đây mật độ tàu, thuyền lưu thông trên hệ thống giao thông đường thủy ở TP Hồ Chí Minh trở nên tấp nập trên các con sông: Sài Gòn, Đồng Nai, Nhà Bè, Xoài Rạp, Lòng Tàu... nhất là từ khu vực Tân Cảng theo luồng hàng hải ra Biển Đông. Luồng lưu thông này bao gồm nhiều loại phương tiện: tàu biển cuốc, tàu chở hàng đường sông, sà-lan, tàu khách cánh ngầm, ghe thuyền của người dân, các chuyến đò ngang.
Trên tuyến lưu thông ra biển, lắp đặt các biển báo giao thông hàng hải. Trong khi đó, nhiều người lái tàu, thuyền không hiểu được các ký hiệu biển báo. Điều này dẫn đến tình trạng lộn xộn, mất trật tự trong giao thông; nhiều tàu, thuyền không theo chỉ dẫn, chạy quá tốc độ, chở quá tải, chạy ngang cắt mặt gây ra tai nạn giao thông, làm thiệt hại về người và của, gây ô nhiễm môi trường.
Theo báo cáo của Phòng Cảnh sát giao thông đường thủy (CSGTĐT) TP Hồ Chí Minh, trong vòng bốn năm rưỡi (từ tháng 1-2003 đến 6-2007), có 124 vụ tai nạn giao thông đường thủy xảy ra trên địa bàn thành phố, làm chết 34 người, làm bị thương ba người, gây thiệt hại vật chất gần 44 tỷ đồng. Nếu tính từ đầu năm 2007 đến ngày 10-10-2007, đã có 12 vụ tai nạn giao thông đường thủy, làm chết tám người, làm bị thương một người.
Nghiêm trọng nhất là vụ tàu hàng hải Shang Hai đâm vào tàu Hoàng Đạt 36 ngày 19-5 tại cảng Hoa Sen làm tàu chìm và tám người chết. Vụ tàu cánh ngầm Petro BV-0225 va đụng và làm chìm chiếc ghe LA 00646 rồi tiếp tục đụng vào gây hư hại chiếc ghe HG 1222 ngày 23-9 tại khu vực cảng Bến Nghé cũng là một cảnh báo về tai nạn đường sông. Vụ sà-lan Xuân Việt 09 chở 16 công-ten-nơ từ Tân Cảng ra bị nghiêng lệch và tự chìm trên sông Sài Gòn ngày 20-7 gây thiệt hại khá nhiều về tài sản.
Nhìn chung, mấy năm gần đây và nhất là năm nay, tai nạn giao thông đường thủy có xu hướng tăng cả về số vụ lẫn mức độ nghiêm trọng của tai nạn.
Phân tích nguyên nhân dẫn đến tai nạn, ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó trưởng phòng CSGTĐT thành phố Hồ Chí Minh nhận định: Chủ yếu là do tình trạng xuống cấp của hạ tầng luồng tuyến và việc không nghiêm túc chấp hành Luật Giao thông đường thủy nội địa. Tình trạng không đăng ký hoạt động kinh doanh, tự mở bến bãi hoạt động không xin phép, vận hành tàu không đăng ký, người điều khiển phương tiện không có bằng cấp, chứng chỉ theo quy định là khá phổ biến. Nhiều phương tiện vận tải thủy vi phạm các quy định về an toàn giao thông đường thủy như: không có hoặc thiếu áo phao cứu sinh; chạy tàu với tốc độ cao ở những cung đoạn cấm chạy nhanh; chở hàng, chở khách vượt mức cho phép...
Ông Nguyễn Minh Dũng, Phó Giám đốc Sở Giao thông công chính (GTCC) thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Chấp hành Nghị quyết 32/2007/NQ-CP ra ngày 29-6-2007 của Chính phủ "về một số giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông" trong đó nêu rõ "Từ ngày 1-1-2009, đình chỉ hoạt động các phương tiện thủy nội địa không đăng ký, không đăng kiểm an toàn kỹ thuật theo quy định của pháp luật", Sở GTCC thành phố Hồ Chí Minh đang ráo riết triển khai công tác đăng ký, đăng kiểm an toàn kỹ thuật các phương tiện thủy nội địa.
Chỉ trong chín tháng đầu năm 2007, Cảng vụ đường thủy nội địa đã thực hiện đăng ký 652 lượt phương tiện thủy, đăng kiểm 746 lượt phương tiện. Tuy nhiên, hiện nay, trên các tuyến đường thủy nội địa, có tới gần 1.000 phương tiện chưa được đăng ký và gần bằng ngần ấy phương tiện chưa đăng kiểm. Vì vậy, để bảo đảm từ ngày 1-1-2009 trở đi, 100% số phương tiện hoạt động trên hệ thống giao thông đường thủy TP Hồ Chí Minh đều đã được đăng ký, đăng kiểm, là một thách thức không nhỏ đối với ngành GTCC thành phố Hồ Chí Minh.
Sở GTCC còn phối hợp Phòng CSGTĐT thành phố Hồ Chí Minh tăng cường tuần tra, kiểm tra xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông đường thủy. Trong năm năm gần đây, Phòng CSGTĐT thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức hơn 14 nghìn phiên vụ tuần tra, kiểm soát, ra hơn 113 nghìn quyết định phạt tiền, nộp kho bạc Nhà nước hơn 18,5 tỷ đồng.
Chín tháng đầu năm 2007, Thanh tra Sở GTCC thành phố Hồ Chí Minh đã kiểm tra, lập biên bản xử phạt 432 trường hợp vi phạm an toàn giao thông thủy với tổng số tiền gần 600 triệu đồng. Ngoài ra, Sở GTCC còn kiểm tra, xử lý kịp thời, loại bỏ các vật cản trên luồng tuyến; trang bị lắp đặt đầy đủ các phao trên luồng, báo hiệu đường thủy nội địa tại các công trình vượt sông, ngã ba, ngã tư trên tuyến thủy nội địa, tuyên truyền vận động "Người đi đò mặc áo phao"...
Nhìn chung việc khai thác tiềm năng hệ thống giao thông đường thủy ở TP Hồ Chí Minh còn nhiều hạn chế, chưa tương xứng tầm vóc một đô thị lớn và còn quá nhỏ bé so với hệ thống giao thông đường bộ. Nếu có quy hoạch tốt và được đầu tư thích đáng, nhất là về vận tải khách và du lịch đường thủy, hệ thống giao thông này sẽ chia sẻ bớt gánh nặng quá tải của đường bộ, đồng thời làm cho cảnh quan thành phố nên thơ hơn, môi trường đỡ ô nhiễm hơn.
Công tác an toàn giao thông đường thủy cần được chú trọng đúng mức. Các ngành chức năng phải siết chặt hơn nữa kỷ cương trên hệ thống giao thông này. Các biện pháp ngăn ngừa tai nạn giao thông đường thủy cần được thực hiện triệt để. Bởi lẽ tai nạn đường thủy là một tiềm ẩn, luôn giấu mình và rình rập trong dòng nước hiền hòa.