Xuất phát từ thực tiễn phát sinh trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) đường thủy những năm qua, đồng thời nhằm hoàn thiện hệ thống văn bản, chính sách pháp luật tạo điều kiện cho hoạt động giữ gìn, bảo đảm TTATGT đường thủy, lực lượng CSGT đường thủy đã tham mưu cho Bộ Công an đề xuất với Ðảng, Nhà nước ban hành nhiều văn bản quan trọng về công tác này, như Chỉ thị số 22 của Ban Bí thư T.Ư Ðảng, Nghị quyết 13, 32 CP của Chính phủ về các giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế tai nạn giao thông và hạn chế ùn tắc giao thông, Chỉ thị 31/TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác bảo đảm TTATGT đường thủy nội địa...
Nhằm thực hiện tốt các chỉ thị, nghị quyết nói trên, Cục tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt các biện pháp bảo đảm TTATGT đường thủy nội địa với mục tiêu đem lại chất lượng, hiệu quả công tác cao. Trong năm năm qua, số vụ tai nạn giao thông, số người chết và người bị thương do tai nạn giao thông đường thủy đã được kiềm chế, trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa cơ bản được bảo đảm.
Cùng với tuần tra kiểm soát, lực lượng CSGT đường thủy thường xuyên tiến công, trấn áp mạnh mẽ các loại tội phạm hoạt động trên đường thủy, đặc biệt là địa bàn trọng điểm ở khu vực đồng bằng Bắc Bộ và đồng bằng sông Cửu Long góp phần bảo vệ tuyệt đối an toàn các sự kiện quan trọng, ngày lễ lớn của Nhà nước, Tết Nguyên đán.
Năm qua, từ các hoạt động nghiệp vụ, lực lượng CSGT đường thủy phát hiện, bắt giữ 306 vụ, 410 đối tượng phạm tội các loại, lập hồ sơ giao cho các cơ quan điều tra xử lý hơn 300 vụ án phạm pháp hình sự, gian lận thương mại, ma túy.
Nhằm kiềm chế sự gia tăng của tai nạn giao thông đường thủy, nâng cao ý thức của người tham gia giao thông đóng góp vai trò rất quan trọng. Những năm qua, công tác phòng ngừa TNGT được đẩy mạnh, triển khai rộng khắp các địa phương bằng nhiều hình thức phong phú như tổ chức cho thuyền viên, người lái phương tiện ký cam kết không vi phạm, phổ biến kiến thức pháp luật cho gần sáu triệu lượt người tham gia giao thông, phát động phong trào quần chúng tham gia bảo vệ TTATGT đường thủy.
Việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật về giao thông đường thủy nội địa còn được duy trì thường xuyên trên các phương tiện thông tin đại chúng; 70 cuộc thi tìm hiểu pháp luật về giao thông đường thủy nội địa được tổ chức, thu hút hàng triệu lượt người tham gia. Ðến nay, đã xây dựng được 820 cảng, bến; 128 đoàn tàu an toàn, 455 "tổ, nhóm tự quản", 119 "cụm tác chiến liên phường, xã".
Thông qua phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc; các tổ, nhóm tự quản đã cung cấp cho lực lượng CSGT đường thủy hàng nghìn tin báo giá trị, từ đó kịp thời xử lý vi phạm pháp luật trên đường thủy. Hiệu quả tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm năm sau cao hơn nhiều so với năm trước. Trong năm năm (2002-2007) lực lượng CSGT đường thủy đã xử lý 658.774 trường hợp vi phạm, cảnh cáo 46.457 trường hợp, phạt tiền 621.881 trường hợp, nộp kho bạc Nhà nước hơn 184 tỷ đồng.
Các đợt bão lũ, nhiều chiến sĩ CSGT đường thủy đã tham gia di dời 17.328 người, đưa hàng nghìn tấn lương thực, thực phẩm tiếp tế cho nhân dân, cứu giúp 1.568 người đang bị nước lũ cuốn trôi khắc phục kịp thời thiệt hại do thiên tai. Hình ảnh những người chiến sĩ CSGT đường thủy tận tụy gắn bó với nhân dân trong những lúc gian khó nhất đã khắc họa nên hình ảnh cao đẹp về người chiến sĩ Công an nhân dân.
Tuy nhiên, bên cạnh những chuyển biến đáng mừng sau hơn ba năm kể từ khi Luật Giao thông ÐTNÐ có hiệu lực, đi vào cuộc sống, công tác bảo đảm, giữ gìn TTATGT vẫn còn một số hạn chế, bất cập cần khắc phục. Công tác quản lý nhà nước về TTATGT đường thủy còn bị buông lỏng, nhiều vấn đề bức xúc chưa được các ngành, chính quyền các cấp quan tâm giải quyết, tình trạng phương tiện không đăng ký, đăng kiểm; người điều khiển phương tiện không bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn; không bảo đảm điều kiện an toàn đối với phương tiện và bến chở khách ngang sông đang diễn ra phổ biến ở hầu hết các địa phương trong toàn quốc.
Qua tổng kiểm tra cảng, bến thủy nội địa chở khách cho thấy, chỉ có hơn một nửa cảng, bến không đủ điều kiện hoạt động. Tính đến tháng 5-2007, toàn quốc có 806.775 phương tiện thủy nội địa, tuy nhiên thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa bắt buộc phải có bằng, chứng chỉ chuyên môn theo quy định chiếm tỷ lệ rất thấp, khoảng 3%.
Các hành vi vi phạm TTATGT đường thủy như phương tiện chở quá vạch mớn nước an toàn, lấn chiếm luồng và hành lang bảo vệ luồng gây cản trở đến hoạt động GTÐT nội địa; nuôi trồng đánh bắt thủy sản và khai thác cát, sỏi trái phép gây mất TTATGT, sụt lở nhiều đê điều, nhà cửa, công trình ven sông, kênh diễn ra phổ biến ở các địa phương; là nguy cơ tiềm ẩn TNGT đường thủy bất cứ lúc nào.
Trong năm 2007, đã xảy ra 230 vụ TNGT đường thủy, làm chết 171 người, bị thương 35 người, chìm 174 phương tiện, thiệt hại về tài sản ước tính khoảng 18 tỷ đồng. So với năm 2006, tăng 7 vụ nhưng giảm 42 người chết, tăng 21 người bị thương.
Trong thời gian tới, lực lượng CSGT đường thủy tiếp tục đổi mới toàn diện các mặt công tác mà trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính và tiếp tục tham mưu cho lãnh đạo Bộ Công an, Tổng cục Cảnh sát đề xuất với Ðảng, Nhà nước các chủ trương, giải pháp lớn về công tác bảo đảm TTATGT và chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Luật Giao thông đường thủy nội địa và Chỉ thị số 31/2005/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác bảo đảm TTATGT đường thủy nội địa, Nghị quyết số 32 của Chính phủ về một số giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông là nhiệm vụ trọng tâm thường xuyên của Công an các đơn vị, địa phương, mà nòng cốt là lực lượng CSGT đường thủy để bảo đảm TTATGT, kiềm chế tai nạn giao thông và giảm số người chết do tai nạn giao thông trên đường thủy.
Phối hợp với các ngành tổng rà soát, hoàn chỉnh hệ thống các văn bản pháp luật về giao thông đường thủy nội địa làm cơ sở pháp lý cho các cấp, các ngành thực hiện nhằm nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về TTATGT đường thủy nội địa, từng bước xóa bỏ tình trạng không đăng ký, không đăng kiểm phương tiện, không bằng, chứng chỉ chuyên môn lái phương tiện, không đủ các điều kiện an toàn đối với phương tiện, bến chở khách ngang sông, đưa Luật Giao thông đường thủy và các quy định khác của Nhà nước có liên quan đến đường thủy đi vào cuộc sống.
Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ từ Cục đến địa phương và từng bước hiện đại hóa về trang, thiết bị, phương tiện theo tiêu chuẩn định mức cho lực lượng CSGT đường thủy đủ sức hoàn thành tốt nhiệm vụ trong tình hình mới.