Ðường phố Hà Nội sáng 15-12, ngày đầu thực hiện quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm (MBH) đổi khác đến bất ngờ. Dòng người và phương tiện lưu thông trên các đường phố Hà Nội trông vui mắt hơn bởi mầu sắc rực rỡ của những chiếc MBH.
Trước cửa Cung thiếu nhi Hà Nội, Trung tâm Anh ngữ London... từ các vị phụ huynh, các em học sinh, cho đến giáo viên trong nước và nước ngoài đều đội MBH. Các chợ lớn trong nội thành, các khu trông giữ xe máy chưa mở dịch vụ trông MBH, khiến cho các bà, các chị lích kích túi thịt, túi rau, còn lủng lẳng thêm chiếc mũ...
Từ 6 giờ 30 phút sáng hôm qua, hơn 400 cảnh sát giao thông phối hợp 80 cảnh sát trật tự, hàng chục thanh tra giao thông công chính đã tổ chức trực và tuần tra tại 110 chốt và 105 tuyến phố trên địa bàn để xử lý các trường hợp vi phạm. Có mặt tại nút giao thông phía nam cầu Chương Dương, chúng tôi ghi nhận phần lớn người tham gia giao thông bằng xe máy đều tự giác đội MBH, hiếm hoi lắm mới bắt gặp trường hợp để "đầu không" khi đi xe máy.
Ðội phó Ðội CSGT số 5 Dương Ðình Triều đang làm nhiệm vụ tại ngã tư đường Nguyễn Văn Cừ-Nguyễn Sơn cho biết: Sau hơn ba giờ triển khai đã xử lý 141 trường hợp trong đó có 121 người không đội MBH, tạm giữ mười xe máy vì không mang theo giấy tờ.
Trong khu vực nội thành, tại các nút giao thông trên các tuyến đường chính như Tràng Thi, Hàng Bài, Ðiện Biên Phủ..., các chiến sĩ CSGT cùng thanh tra giao thông thường xuyên có mặt xử lý vi phạm. Ðến 10 giờ, 15 chốt ứng trực của Ðội CSGT số 1 trên địa bàn quận Hoàn Kiếm đã lập biên bản 80 trường hợp vi phạm. Ngoài lực lượng trên, công an mỗi phường trong nội thành cũng bố trí lực lượng ứng trực, xử lý các trường hợp vi phạm tại các nút giao thông trên địa bàn.
Tại ngã ba phố Hàng Trống-Nhà Thờ, đồng chí Ðào Quang Vinh (Công an phường Hàng Trống) cho biết: Nhìn chung ý thức chấp hành của người dân khá tốt. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều trường hợp cố tình không chấp hành quy định. Ðến 15 giờ 30 phút, chốt này đã xử lý hơn 20 trường hợp vi phạm.
Phần lớn các trường hợp vi phạm đều đưa ra những lý do như: "là người đi nhờ xe", "nhà gần đây chạy ù ra chợ mua thức ăn", hay "tưởng ngồi sau không phải đội"... Anh Lưu Tiến Lợi, nhà ở đầu phố Hàng Trống trên đường đi sang phố Nhà Thờ bị xử phạt tại ngã ba Hàng Trống-Nhà Thờ, cho biết: "Nhà tôi có hai chiếc MBH nhưng quên không đội".
Tuy mới là ngày đầu ra quân, nhưng theo đánh giá của Phòng Cảnh sát giao thông (Công an TP Hà Nội), sự chấp hành của người dân khá nghiêm túc, tỷ lệ người đi xe máy đội MBH đã đạt 98-99%. Ðến 18 giờ, Hà Nội có hơn 3.000 trường hợp vi phạm không đội MBH bị xử lý.
* Một điều đáng lưu ý trong ngày đầu thực hiện Nghị quyết 32/CP của Chính phủ về bắt buộc đội mũ bảo hiểm (MBH) khi đi xe máy, xe mô-tô trên tất cả các tuyến đường là có một số ít người đội MBH theo kiểu đối phó. Nghĩa là, không cài quai MBH.
Ðội như vậy là không đúng cách; MBH không có tác dụng khi xe bị va chạm. Ðó là những người điều khiển xe máy biển số 29P1-2812; 29 U6-4340; 29P5-8668... trên đường Giải Phóng, phố Huế (Hà Nội) vào khoảng từ 13 giờ đến 14 giờ ngày 15-12. Mong rằng, mọi người đã ngồi lên xe gắn máy là đội MBH đúng cách.
* 6 giờ sáng các đường phố ở TP Hồ Chí Minh bắt đầu đông người qua lại. Quan sát trên nhiều tuyến phố như Biện Biên Phủ, Xô-viết Nghệ Tĩnh, Võ Thị Sáu, 3-2, Lý Chính Thắng, Nguyễn Văn Trỗi... người đi xe máy đều đội mũ bảo hiểm.
Sau nhiều vòng tuần tra trên đường, Thiếu úy Nguyễn Anh Dũng, Ðội tuần tra giao thông Công an thành phố, cho biết: Hơn ba giờ đồng hồ làm nhiệm vụ, nhóm tuần tra chúng tôi chỉ phải xử lý có hai trường hợp không đội mũ bảo hiểm. Cả hai trường hợp đều là người tỉnh khác mới về thành phố. Với những vi phạm như vậy chúng tôi lập biên bản, xử phạt theo quy định đồng thời yêu cầu họ đến cửa hàng gần nhất mua mũ.
Thực hiện chỉ đạo của Ban Giám đốc Công an thành phố, ngày 15-12, Phòng Cảnh sát giao thông Công an TP Hồ Chí Minh đã huy động 100% số cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ. Ngoài lực lượng các đội phụ trách địa bàn, Ðội tuần tra giao thông huy động gần 100 xe mô-tô cảnh sát, chia bốn ca phối hợp lực lượng cảnh sát cơ động tuần tra liên tục trên đường phố cả ngày và đêm.
Sau ca tuần tra buổi sáng, Thiếu tá Nguyễn Văn Hải phấn khởi nhận xét: Tỷ lệ người đội mũ khi đi xe máy đạt hơn 99%. Nhiều xe chở hai người lớn, một trẻ em thì cả ba đều đội mũ. Ðiều đó chứng tỏ Nghị định 32 được đại đa số nhân dân đồng tình ủng hộ.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều trường hợp người tham gia giao thông bằng xe gắn máy không chịu đội mũ bảo hiểm, khi bị xử phạt còn có thái độ chống đối. Lúc 8 giờ 30 phút, tại khu vực vòng xoay Hàng Xanh, quận Bình Thạnh, một thanh niên điều khiển xe biển số 53S8-8326 không đội mũ, bị các chiến sĩ Ðội cảnh sát giao thông số 4 xử phạt đã chống đối quyết liệt, không chịu xuất trình giấy tờ tùy thân, hành vi đó bị những người đi đường và nhân dân chung quanh phê phán mạnh mẽ.
Lúc 7 giờ 30 phút, trên đường Nguyễn Huệ, quận 1, ông Phạm Ðức Oánh, tự xưng là thẩm phán, điều khiển xe biển số 80A-0142, không đội mũ bảo hiểm, khi bị Ðội tuần tra giao thông xử lý cũng có thái độ phản ứng gay gắt rồi bỏ xe, bỏ biên bản xử phạt đi bộ về nhà.
Ðến 11 giờ 30 phút ngày 15-12, toàn thành phố có 804 trường hợp người đi xe máy không đội mũ bảo hiểm phải xử lý. Các tuyến đường thuộc địa bàn các quận 5, 6, 1, 3, Tân Bình, Phú Nhuận, Bình Thạnh có số người vi phạm nhiều.
* Ngày 15-12, Công an TP Ðà Nẵng đã huy động các lực lượng với hơn 300 cán bộ, chiến sĩ cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông, đồng loạt ra quân kiểm tra thực hiện việc đội mũ bảo hiểm khi đi mô-tô, xe máy trên tất cả các tuyến đường. Công an TP Ðà Nẵng bố trí 38 điểm kiểm tra xử phạt, Thành đoàn Ðà Nẵng cũng tổ chức ra quân diễu hành hưởng ứng, cổ động đoàn viên, thanh niên tham gia, trao tặng hơn 400 chiếc mũ bảo hiểm cho lực lượng thanh niên tình nguyện.
Hầu hết trên các tuyến đường trung tâm TP Ðà Nẵng có tới 99% số người đi mô-tô, xe máy đã đội mũ bảo hiểm. Lúc 9 giờ, tại điểm kiểm tra, xử phạt ngã ba Ðiện Biên Phủ - Lê Ðộ, Trung tá Phạm Tập cho biết: Sau hai giờ đã lập biên bản, giữ giấy tờ xe hơn 20 trường hợp không đội mũ bảo hiểm, phần lớn số người vi phạm ở tuổi thanh niên.
Chiều 15-12, các cửa hàng bán mũ bảo hiểm ở đường Hùng Vương đông khách mua mũ bảo hiểm. Các điểm như siêu thị Ðà Nẵng, Bệnh viện Ðà Nẵng, Bệnh viện Hoàn Mỹ, chợ Hàn, Trung tâm thương nghiệp... tổ chức giữ xe và giữ mũ bảo hiểm cho người đi mô-tô, xe máy, tạo điều kiện thuận lợi và tâm lý thoải mái cho người dân.
Nhìn chung, ngày đầu thực hiện đội mũ bảo hiểm người dân thực hiện nghiêm túc, các lực lượng làm nhiệm vụ xử lý kiên quyết các trường hợp vi phạm theo quy định. Trong ngày, quận Hải Châu lập biên bản 96 trường hợp, tạm giữ 20 xe mô-tô, huyện Hòa Vang lập biên bản 67 trường hợp, tạm giữ 17 xe mô-tô.
* Tại Nam Ðịnh, nhiều người dân chấp hành nghiêm quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm: 6 giờ 15 phút ngày 15-12, các lực lượng chức năng làm công tác bảo đảm giao thông thành phố Nam Ðịnh đã đồng loạt triển khai giám sát chấp hành đội mũ bảo hiểm khi điều khiển mô-tô, xe gắn máy của người dân. Ngoài lực lượng chủ công là cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông, thành phố còn yêu cầu công an 25 phường, xã trên địa bàn cùng vào cuộc.
Tại hai khu công nghiệp lớn của tỉnh Nam Ðịnh là Hòa Xá và Mỹ Trung, hàng nghìn công nhân lao động sáng 15-12 khi đi làm việc bằng phương tiện mô-tô, xe gắn máy đều nghiêm chỉnh thực hiện quy định đội mũ bảo hiểm.
Các chủ doanh nghiệp ở đây cho biết: "Vấn đề này đã được phổ biến tuyên truyền sâu rộng tới từng công nhân lao động từ vài tháng nay. Theo quy định ai đi làm việc bằng xe máy không đội mũ bảo hiểm sẽ không được vào công ty, đồng thời bị trừ tiền thưởng.
Thượng tá Phạm Ngọc Ruyến, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt - Công an tỉnh, cho biết: Ðến 11 giờ 30 phút ngày 15-12, lực lượng cảnh sát giao thông tỉnh mới xử lý 27 trường hợp không đội mũ bảo hiểm khi đi mô-tô, xe gắn máy.
* Tại Bắc Giang, sáng 15-12, Ban ATGT tỉnh phối hợp Phòng Cảnh sát giao thông, công an các địa phương ra quân tuần tra kiểm soát trên tất cả các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ và đường liên xã. Ðến
15 giờ, toàn tỉnh đã xử lý hơn 150 vụ vi phạm không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông.
* Tại Tây Ninh, sáng 15-12, lực lượng CSGT toàn tỉnh Tây Ninh đã đồng loạt ra quân tuần tra khắp chín huyện, thị xã. Nhìn chung, hầu hết người dân khi đi mô-tô, xe gắn máy ra đường đều chấp hành đội mũ bảo hiểm theo quy định. Xe cổ động, tuyên truyền của ngành văn hóa - thông tin mang theo nhiều áp-phích, loa phóng thanh kêu gọi mọi người tuân thủ luật pháp, bảo đảm an toàn giao thông và đội mũ bảo hiểm khi đi trên các tuyến đường trong tỉnh.
Trong buổi sáng 15-12, hàng chục người đã bị CSGT xử phạt vì không đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy ra đường. Việc buôn bán các loại mũ bảo hiểm trong tỉnh vẫn diễn ra bình thường, vẫn còn tình trạng buôn bán mũ bảo hiểm không đạt chất lượng.
* Từ 5 giờ sáng 15-12, Công an tỉnh Thái Bình đã huy động 350 cán bộ, chiến sĩ cảnh sát giao thông, cảnh sát trật tự, công an phường, công an phụ trách xã và cảnh sát quản lý trật tự hành chính tiến hành kiểm tra tại 124 chốt trên tất cả các tuyến đường trong tỉnh.
Theo số liệu của Phòng Cảnh sát giao thông, đến 10 giờ, toàn tỉnh đã kiểm tra xử lý 693 trường hợp vi phạm không đội mũ bảo hiểm. Tại các tuyến quốc lộ bắt buộc phải đội mũ bảo hiểm, số người chấp hành đạt gần 99%; tại các thành phố, thị trấn, số người chấp hành đạt hơn 95% và tại các tuyến đường nông thôn số người chấp hành chỉ đạt hơn 80%.
* Ngày 15-12, trên tất cả các tuyến đường ở TP Hà Nội, TP Hải Phòng và quốc lộ 5, hầu hết người điều khiển xe mô-tô, xe máy tham gia giao thông đã thực hiện nghiêm Nghị quyết 32/CP của Chính phủ (tỷ lệ từ 98% đến 100%). Nhìn chung ý thức chấp hành của người dân rất tốt.
Số người đội MBH trên địa bàn quốc lộ và nội thành TP Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương cao, tuy nhiên vi phạm nhiều ở các tuyến đường liên xã và tỉnh lộ. Ngay từ 6 giờ sáng, lực lượng CSGT trên tuyến đã đồng loạt ra quân, bố trí hàng trăm chốt điểm trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, các nút giao thông phức tạp, các tuyến giao thông có đông người tham gia giao thông... phối hợp Thanh tra giao thông xử lý người đi xe mô-tô, xe máy không đội mũ bảo hiểm (MBH).
Cục CSGT đường bộ tăng cường hơn 20 cán bộ, chiến sĩ, cùng phương tiện tuần tra kiểm soát trên tuyến. Nhiều địa phương ngoài việc xử phạt còn yêu cầu người vi phạm viết kiểm điểm, cam kết không tái phạm có xác nhận của chính quyền địa phương hoặc cơ quan. Qua kiểm tra ngoài lỗi không đội mũ bảo hiểm còn phát hiện một số người không mang giấy phép lái xe, đăng ký, xe không có gương chiếu hậu...
Tuy nhiên, vào buổi tối đã xuất hiện nhiều người đi xe máy không đội MBH, hoặc đội chiếu lệ như không thắt quai, đội ngược MBH, khi gặp CSGT mới đội, có mang MBH theo nhưng không đội. Buổi tối, CSGT các địa phương tăng cường chốt các điểm đèn tín hiệu, tăng cường tuần lưu theo tuyến vì theo nhận định người vi phạm sẽ gia tăng khi nghĩ rằng việc kiểm tra sẽ lơi lỏng hơn.
Thành phố Hải Dương bố trí 18 chốt, mỗi huyện từ 2 đến 5 chốt tuần tra. Ngoài các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ còn tăng cường kiểm tra, xử phạt ở các đường làng, xóm. Tính đến 14 giờ ngày 15-12, toàn tỉnh đã phát hiện, lập biên bản 198 trường hợp vi phạm, trong đó có 143 trường hợp không đội MBH, chưa xảy ra tai nạn, ùn tắc giao thông, đua xe trái phép.
Theo Trưởng phòng CSGT Công an tỉnh Hải Dương Nguyễn Danh Thuy, những ngày đầu, CSGT áp dụng mức phạt 100.000 đồng và nhắc nhở những người vi phạm; nếu tái phạm và trong thời gian tới sẽ áp dụng mức phạt cao nhất 200.000 đồng theo quy định.
Thượng tá Ðặng Văn Thắng, Trưởng Phòng CSGT Hưng Yên cho biết, từ ngày 9-12 đã ra quân, tuyên truyền việc thực hiện đội MBH khi đi trên mô-tô, xe máy trên địa bàn tỉnh Hưng Yên. Sáng 15-12, các lực lượng trong tỉnh đồng loạt ra quân từ 6 giờ sáng, tuần tra kiểm soát, xử lý những trường hợp không đội MBH.
Tính đến 9 giờ sáng tại các đường liên thôn của các xã Tân Quang (Văn Lâm) có 15 trường hợp vi phạm, Nghĩa Hiệp (Yên Mỹ) 20 trường hợp, Tân Lập (Yên Mỹ) 14 trường hợp. Kho bạc của huyện, tỉnh cũng thường trực để thu tiền xử phạt, giảm phiền hà cho người dân. Trong ngày 15-12, lực lượng chức năng tỉnh Hưng Yên đã lập biên bản xử lý 42 trường hợp không đội MBH, tạm giữ sáu xe mô-tô vì không có GPLX.
* Tại Hải Phòng, theo Phòng Cảnh sát giao thông bộ - sắt, đến 16 giờ ngày 15-12, lực lượng cảnh sát giao thông đã xử lý 381 trường hợp người đi mô-tô, xe gắn máy không đội mũ bảo hiểm phạt tiền hơn 64 triệu đồng. Các trường hợp không chấp hành đội mũ bảo hiểm, bị xử lý hầu hết là người ngồi phía sau xe, một số trường hợp ở lứa tuổi thanh niên, thiếu niên.
Từ 6 giờ sáng, lực lượng cảnh sát giao thông đã huy động toàn bộ lực lượng, phương tiện kỹ thuật, phát hiện và xử lý các trường hợp không chấp hành quy định đội mũ bảo hiểm. Phòng Cảnh sát giao thông đã lập chín chốt kiểm tra tại các tuyến quốc lộ, các cửa ngõ vào nội thành, và 16 điểm chốt tại đường bao nội đô và tuyến nội thành.
Lực lượng công an các đơn vị, quận, huyện, thị xã được bổ sung cùng phối hợp ngành thanh tra giao thông công chính xử lý các trường hợp vi phạm. Tại các cửa hàng bán mũ bảo hiểm, giá mũ tăng khoảng 10-20% so những ngày trước.
* Sáng 15-12, lực lượng cảnh sát giao thông Quảng Ngãi đã đồng loạt ra quân, với khoảng 50 đội tuần tra giao thông trên đoạn QL1A và các tuyến đường liên tỉnh, liên huyện thuộc địa phận tỉnh Quảng Ngãi.
Trưởng phòng CSGT tỉnh Hồ Quang Trung nhận định: Ngay buổi đầu ra quân tuần tra giao thông cho thấy đã có khoảng 95% số người chấp hành nghiêm việc đội mũ bảo hiểm khi đi mô-tô, xe máy. Trên đường phố Quảng Ngãi, sáng 15-12, hầu hết mọi người đi xe mô-tô, xe gắn máy đến công sở, nhà hàng, quán cà-phê... đều đội mũ bảo hiểm.
Tại các huyện Sơn Tịnh, Ba Tơ, Mộ Ðức, Nghĩa Hành, Tư Nghĩa, Bình Sơn, Ðức Phổ... nhiều người dân đã có ý thức đội mũ bảo hiểm khi đi mô-tô, xe máy trên các tuyến đường.
Cũng trong sáng 15-12, các lực lượng cảnh sát giao thông đã tăng cường tuần tra, kiên quyết xử lý những trường hợp vi phạm trật tự - an toàn giao thông, nhất là những người không đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy, mô-tô nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông trên địa bàn quản lý. Trong dịp này, Ban an toàn giao thông huyện miền núi Ba Tơ đã trao tặng mũ bảo hiểm cho 90 người nghèo ở 19 xã, thị trấn trong huyện.
* Ngày đầu bắt buộc đội mũ bảo hiểm đối với người đi xe máy, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động và có những chế tài ràng buộc, như học sinh ngồi trên xe máy phải đội mũ bảo hiểm, cán bộ, công nhân viên phải làm gương... nên ngay ngày đầu đã có 98% số người tham gia giao thông bằng xe máy ở Buôn Ma Thuột (Ðác Lắc) đội mũ bảo hiểm.
Các tuyến đường trọng điểm, có lưu lượng xe máy tham gia đông như Phan Chu Trinh, Lê Duẩn, Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn Thái Bình, Nguyễn Tất Thành, Lê Thánh Tôn... lực lượng cảnh sát giao thông thường xuyên kiểm tra và xử lý nghiêm những người vi phạm. Hiện nay còn một số ít người vẫn chưa tự giác đội mũ, các ngành chức năng cần xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.
Theo Báo Nhân Dân