Xử lý kịp thời, triệt để các vi phạm trật tự, an toàn giao thông

Chủ nhật, 24/02/2008 00:00 GMT+7
Trước diễn biến phức tạp về trật tự an toàn giao thông (ATGT) sau Tết Mậu Tý, trật tự vận tải khách có biểu hiện lộn xộn và tai nạn giao thông (TNGT) gia tăng, Phóng viên Báo Nhân Dân đã phỏng vấn ông HỒ NGHĨA DŨNG, Ủy viên T.Ư Ðảng, Bộ trưởng Giao thông vận tải, Chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia về vấn đề này. Sau đây là nội dung phỏng vấn:
PV:  Thưa ông, trong sáu ngày Tết Mậu Tý, tình hình trật tự ATGT có tiến bộ so với Tết năm trước, nhưng sau Tết, TNGT tăng lên, liên tiếp xảy ra nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng, nhất là trên các tuyến quốc lộ. Xin đồng chí đánh giá nguyên nhân chính của sự gia tăng nói trên?

BT Hồ Nghĩa Dũng: Trong sáu ngày Tết Mậu Tý, tình hình trật tự ATGT có tiến bộ nhiều so với Tết năm trước (giảm 33,5% số vụ, giảm 30,23% số người chết, giảm 38,57% số người bị thương), đây chính là kết quả của việc các bộ, ngành và số đông người dân đã thực hiện nghiêm sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ về vấn đề ATGT trong năm 2007.

Theo thống kê hằng năm, sau Tết Nguyên đán, tình hình TNGT lại gia tăng. Dự báo trước được điều này, Chính phủ, Ủy ban ATGT quốc gia, Bộ Giao thông vận tải và Bộ Công an đã có nhiều văn bản cảnh báo tới các địa phương cũng như chỉ đạo các biện pháp nhằm kiềm chế  TNGT (Công điện số 169/CÐ-TTg ngày 29-1-2008 của Thủ tướng Chính phủ, Công điện số 41/CÐ-UBATGTQG ngày 14-2-2008 của Chủ tịch  Ủy ban ATGT quốc gia, Ðiện mật số 224 ÐK:HT ngày 12-2-2008 của Bộ Công an,...). Về mặt quản lý nhà nước, Chính phủ, các bộ, ngành cũng như chính quyền các cấp đã có những chỉ đạo thường xuyên và quyết liệt để kiềm chế TNGT sau Tết Nguyên đán và mùa lễ hội Xuân Mậu Tý.

Mặc dù đã triển khai nhiều biện pháp để hạn chế TNGT sau dịp Tết Nguyên đán, song trong những ngày qua, trên một số tuyến quốc lộ đã xảy ra một số vụ TNGT nghiêm trọng. Nguyên nhân chính của các vụ TNGT nói trên là do lỗi của lái xe thiếu quan sát khi điều khiển phương tiện, không làm chủ tay lái, không chấp hành đúng các quy định về an toàn giao thông đường bộ... Ngoài ra, nguyên nhân sâu xa là sự tăng đột biến của phương tiện chở khách tham gia giao thông nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân sau đợt nghỉ Tết Nguyên đán.      

PV: Về nguyên nhân chủ quan, theo ông trong khâu chỉ đạo chung, khâu tổ chức thực hiện của các ngành, các địa phương và ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ của người tham gia giao thông có điều gì cần đặc biệt lưu ý?
BT Hồ Nghĩa Dũng: Như đã nêu trên, Chính phủ, các bộ, ngành cũng như chính quyền các cấp đã có những chỉ đạo thường xuyên và quyết liệt để kiềm chế TNGT sau Tết Nguyên đán và mùa lễ hội Xuân Mậu Tý, đồng thời thực hiện các giải pháp quyết liệt giảm TNGT trong năm 2008 theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị ATGT toàn quốc ngày 24-1- 2008.

Hiện tượng nổi cộm về ATGT hiện nay có thể kể đến, đó là việc vi phạm chở quá số người quy định của một số xe khách liên tỉnh từ phía bắc vào phía nam, việc không đội mũ bảo hiểm của một số người dân khi ngồi trên mô-tô, xe gắn máy tham gia giao thông và còn có cả việc một số người điều khiển phương tiện tham gia giao thông có sử dụng rượu, bia, chở ba, bốn người. Ðể hạn chế các vi phạm nêu trên, lực lượng thanh tra giao thông đã tăng cường công tác kiểm tra, phối hợp lực lượng cảnh sát giao thông xử lý nghiêm các vi phạm.

PV: Xin ông cho biết, địa bàn trọng điểm, khâu trọng điểm, khâu trọng tâm trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện để bảo đảm trật tự ATGT hiện nay là gì?

BT Hồ Nghĩa Dũng: Chúng ta đều thấy rằng, các vụ TNGT nghiêm trọng đều xảy ra trên một số tuyến quốc lộ, đặc biệt là quốc lộ 1. Mặc dù các khu công nghiệp phía nam đã có điều chỉnh ngày làm việc đầu năm để người dân chủ động trong kế hoạch đi lại, song hiện tượng tăng quá lớn lượng hành khách từ các tỉnh phía bắc vào phía nam trong những ngày sau Tết Mậu Tý vẫn xảy ra. Kèm theo đó, một số hành khách không muốn vào bến xe để mua vé mà bắt xe dọc đường để đi, vì vậy, đã có hiện tượng xe chở quá tải, dừng đón trả khách không đúng nơi quy định, phóng nhanh, vượt ẩu để tranh giành khách, dẫn đến tình trạng mất trật tự ATGT, nguy cơ xảy ra TNGT cao.

Chính vì vậy, công tác bảo đảm trật tự ATGT cần đặc biệt chú trọng trên các tuyến quốc lộ, nhất là tuyến quốc lộ 1, quốc lộ thuộc vùng miền núi. Tăng cường tuần tra và phối hợp giữa Thanh tra giao thông và lực lượng cảnh sát nhằm xử lý kịp thời, triệt để các vi phạm, kiên quyết xử lý hành vi điều khiển xe chạy quá tốc độ, các xe khách đón trả khách không đúng nơi quy định, vi phạm chở quá số người theo quy định, đồng thời giải quyết cho các hành khách trên xe vi phạm sang xe khác để bảo đảm thuận lợi cho hành khách tiếp tục chuyến đi. Ðối với các đô thị, cần tăng cường kiểm tra việc thực hiện đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên mô-tô, xe gắn máy tham gia giao thông, xử lý nghiêm các trường hợp uống rượu, bia có nồng độ cồn quá quy định điều khiển phương tiện tham gia giao thông, tăng cường các biện pháp nhằm hạn chế ùn tắc giao thông, nhất là ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật và các quy định bảo đảm trật tự ATGT đến người dân.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông.

KIỀU THẮNG (Thực hiện)
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)