Thời Pháp thuộc, người Pháp xây dựng Hà Nội thành trung tâm văn hóa thương mại với 36 phố phường và hội tụ về đây sinh sống khoảng 20 vạn dân. Từ ngày giải phóng Thủ đô 10/10/1954 với “Năm cửa ô đón chào đoàn quân tiến về...” đến ngày thống nhất đất nước, giao thông Hà Nội vẫn không hề tắc nghẽn, thậm chí đường phố còn thưa vắng đến ớn người, mỗi khi thành phố buông đèn.
Thời ấy, Hà Nội hiếm thấy nhà cao tầng, dân số chưa nhiều, phương tiện với chiếc xe đạp Te-rô cổ, rồi xe Thống Nhất, là... oai lắm rồi, bằng không thì đi xe điện từ năm cửa ô về Trung tâm Hà Nội hoặc cuốc bộ. Đơn giản là thế.
Sau gần 2 thập kỷ hàn gắn vết thương chiến tranh, Hà Nội chuyển mình, xây dựng, phát triển đồng bộ theo hướng ngày càng khẳng định là trung tâm văn hóa, chính trị của cả nước. Công trường, nhà máy, văn phòng, bệnh viện, trường học, siêu thị và các cao ốc... mọc ngay giữa lòng Hà Nội với diện tích nội thị không thể mở rộng được. Trong ngần ấy năm, Hà Nội tổ chức không thiếu các cuộc hội thảo trong công tác bảo tồn phố cổ, tổng thể kiến trúc địa ốc, giao thông cho nhiều năm sau. Khẳng định Hà Nội đã nhìn xa, trông rộng.
Nhưng nhìn lại, quy hoạch giao thông Hà Nội đã và đang không theo nổi quy hoạch kiến trúc - dân số nội thị tăng trên 7 lần, kèm theo số lần tăng diện tích nhà ở trên các trục đường mới mở là đồng loại các dịch vụ cho các khu chung cư mọc lên. Người Hà Nội ngày nay di chuyển, đi lại, sinh hoạt với trên 1,8 triệu xe máy, gần 20 vạn ô tô, gần 50 tuyến vận tải xe buýt,... tràn ngập trên các nẻo đường vào giờ cao điểm. Do vậy, nếu chỉ một sơ sểnh, hoặc vượt ẩu là lập tức ùn tắc giao thông.
Những tháng gần đây, giao thông Hà Nội luôn trong tình trạng “căng thẳng”. Cứ khoảng 7h sáng trở đi, đường phố đông người và xe như nêm. Cảnh ùn tắc trên diện rộng ở các quận nội thành như Đống Đa, Thanh Xuân, Ba Đình, Hoàn Kiếm... Ngay cả các tuyến đường vành đai 3 dẫn vào nội đô như Nguyễn Văn Cừ, Giải Phóng, Láng Hạ... các nút giao thông của 5 cửa ô, mặc dù lực lượng CSGT đã giăng khắp nơi, nhưng vẫn không tránh khỏi ùn tắc.
Vậy nguyên nhân ùn tắc từ đâu? Theo các chuyên gia giao thông đô thị thì bản chất của ùn tắc giao thông là mâu thuẫn giữa hạ tầng có số đông người ở với hạ tầng đô thị lạc hậu. Từ khi có chính sách cởi mở nhập khẩu, Hà Nội tăng đột biến dân số đến 39% (so với 2006). Chúng tôi có dịp qua thủ đô các nước Mỹ, Anh, Pháp, Đức..., nhìn trên đường chủ yếu phương tiện tham gia giao thông là ô tô và tầu điện nổi, ngầm, nhưng không có cảnh ùn tắc.
Qua đây, tôi xin đề xuất một số giải pháp chống ùn tắc giao thông ở Hà Nội. Các cơ quan chức năng không chỉ xây dựng 5 tuyến tầu điện ngầm và 2 tuyến đường sắt nội đô như dự kiến mà cần mạnh dạn thiết kế tổng thể mang tính chiến lược cho các thế hệ mai sau thực thi, theo đó cần chọn trọng tâm luồng giao thông có mật độ cao và dự kiến luồng giao thông theo quy hoạch đô thị dài hơi, trên cơ sở đó phác thảo dự án tiền khả thi tổng thể kiến trúc thượng tầng và hạ tầng Hà Nội.
Trong phác thảo, cần chú ý chiến lược xây dựng, khai thác giao thông tĩnh cho Hà Nội theo hướng bắt buộc các khu đô thị mới phải có tầng hầm phục vụ phương tiện đi lại cho khu dân cư và có trách nhiệm hỗ trợ các khu vực lân cận chưa có giao thông tĩnh. Khi đủ điều kiện, chấm dứt xe máy tham gia giao thông.
Chắc chắn trong một thành phố với hạ tầng chật hẹp như hiện nay, tất cả những gì đã và sẽ áp dụng (cấm xe máy, xe buýt ở một số tuyến đường, phân tuyến, phân luồng, đi làm lệch giờ của các cơ quan TƯ và thành phố...) chỉ là giải pháp tình thế trước mắt. Về lâu dài, phải giãn mật độ dân cư ra các vùng ngoại ô, đồng thời đưa ra ngoài các cơ sở có lực lượng lao động lớn như trường đại học, bệnh viện... chỉ giữ lại những bệnh viện cũ.
Thọ Cao - Văn Vinh