QUẢN LÝ HÀNH LANG VÀ KHẮC PHỤC ''ĐIỂM ĐEN'' TNGT - BÀI TOÁN CHƯA ĐƯỢC GIẢI

Thứ tư, 09/01/2008 00:00 GMT+7
Cục Đường bộ Việt Nam vừa có báo cáo đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết 32/2007/NQ-CP của Chính phủ. Theo đó, ngoài một số nhiệm vụ đã đạt được thì hai nhiệm vụ quan trọng nhất là quản lý hành lang và xử lý “điểm đen” TNGT đang gặp nhiều khó khăn.
Theo ông Mai Văn Đức, Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam: "Đến nay, các đơn vị quản lý đường bộ đã thống kê được 480 vị trí đèo dốc nguy hiểm, 344 cầu yếu từ đó đề xuất biện pháp phòng ngừa và hạn chế TNGT. Đồng thời, đã xử lý các "điểm đen" TNGT trên các đèo trên QL1A, QL34 (Cao Bằng), QL37, QL279 (Sơn La)"...
 
Thực tế cho thấy, nhiệm vụ quản lý hành lang và xử lý điểm đen TNGT vẫn còn nhiều vướng mắc khiến cho việc triển khai các mục tiêu gặp nhiều khó khăn. Cục Đường bộ Việt Nam đã nhận được rất nhiều văn bản kiến nghị của các địa phương xử lý "điểm đen" TNGT trên quốc lộ. Tuy nhiên, hầu hết kiến nghị có nội dung chung chung, số liệu và nguyên nhân TNGT chỉ mang tính tổng hợp dẫn đến việc nghiên cứu phân tích, xác định nguyên nhân gây TNGT để có giải pháp phù hợp không thực hiện được. Đến nay, mới chỉ có 209 "điểm đen" được kiểm tra, tìm phương án khắc phục và 134 "điểm đen" chính thức có quyết định đầu tư, xử lý.
 
 Theo ông Vũ Ngọc Khuê, Trưởng phòng Giao thông (Cục Đường bộ Việt Nam): "Công tác quản lý hành lang ATGT đường bộ đang gặp phải rất nhiều khó khăn do các địa phương cấp phép cho các doanh nghiệp một cách tràn lan mà không hề có quy hoạch hoặc thoả thuận nào với cơ quan quản lý trong việc đấu nối đường nhánh vào quốc lộ".
 
Theo thống kê, đến tháng 11/2007 trên tất cả các tuyến quốc lộ có đến 36.505 vị trí đường nhánh đấu nối trực tiếp vào quốc lộ, trong đó chỉ có 11.718 vị trí đấu nối có phép còn lại là không phép hoặc không xác định được do lịch sử để lại. Điều đáng lo ngại là tình trạng xâm phạm hành lang giao thông và cấp phép điểm đấu nối tràn lan vào quốc lộ đang có chiều hướng gia tăng do nhu cầu phát triển của các địa phương.
 
Một thực tế là các địa phương cứ "vô tư" cấp đất nằm ngoài hành lang nhưng không xây dựng đường gom trong khi doanh nghiệp không thể không có đường đi nên biết vi phạm nhưng doanh nghiệp nhận đất vẫn làm liều hoặc xây dựng đường vào đơn vị trên diện tích đất hành lang giao thông.
 
Chính từ nghịch lý này đã nảy sinh nhiều vụ việc doanh nghiệp bằng mọi cách cản trở đơn vị quản lý đường triển khai việc cưỡng chế, giải toả các vi phạm về hành lang. Điều đó cho thấy giữa chính quyền địa phương và cơ quan quản lý đường bộ vẫn chưa có sự phối hợp giải quyết, xuất phát từ lợi ích địa phương, cục bộ. Nếu tình trạng này tiếp tục diễn ra thì chỉ một vài năm nữa các tuyến đường quốc lộ sẽ bị đô thị hoá.
 
                        Tiến Mạnh - Banduong.vn
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)