Những chuyển biến tích cực trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông

Thứ năm, 03/01/2008 00:00 GMT+7
Dưới sự chỉ đạo sát sao, kiên quyết của Chính phủ, các bộ, ngành, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự hưởng ứng của đông đảo nhân dân, công tác giữ gìn trật tự an toàn giao thông có nhiều chuyển biến tích cực, đáng ghi nhận.
Dưới sự chỉ đạo sát sao, kiên quyết của Chính phủ, các bộ, ngành, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự hưởng ứng của đông đảo nhân dân, công tác giữ gìn trật tự an toàn giao thông có nhiều chuyển biến tích cực, đáng ghi nhận.
Ðất nước gia nhập WTO đặt ra không ít thách thức trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế, trong đó có trật tự an toàn giao thông (TTATGT). Phương tiện gia tăng, kết cấu hạ tầng phát triển chưa theo kịp sự bùng nổ của giao thông, tình trạng di cư, tai nạn giao thông (TNGT) liên tục gia tăng, gây hậu quả nặng nề cho xã hội và đặt ra nhiều vấn đề cho công tác bảo đảm TTATGT trong năm tới. Nhìn lại một năm qua, dưới sự chỉ đạo sát sao, kiên quyết của Chính phủ, các bộ, ngành, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự hưởng ứng của đông đảo nhân dân, công tác giữ gìn TTATGT có nhiều chuyển biến tích cực, đáng ghi nhận.

Trật tự an toàn giao thông vẫn tiềm ẩn phức tạp

Năm 2007, tình hình TTATGT vẫn diễn biến phức tạp, những tháng đầu năm, số người chết do TNGT tăng cao, nhất là tháng 2, cả nước đã xảy ra 1.500 vụ TNGT, làm chết 1.321 người, nhiều nhất trong vòng 5 năm trở lại đây.

Ùn tắc giao thông ở hai thành phố lớn Hà Nội và TP Hồ Chí Minh ngày càng nghiêm trọng (Hà Nội có 69 điểm, TP Hồ Chí Minh có 92 điểm thường xảy ra ùn tắc).

Các vi phạm như xe chạy quá tốc độ, tránh vượt sai quy định, chở quá tải, xe khách chở quá số người quy định gấp hai, ba lần, diễn ra ở quốc lộ 1A. Tình hình bão, lũ miền trung xảy ra kéo dài trong tháng 9, 10 làm sạt lở và ngập nhiều đoạn đường trong tuyến quốc lộ 1A, gây ách tắc giao thông đường bộ và đường sắt.

Ðáng chú ý, nạn thanh thiếu niên tụ tập, lạng lách, đánh võng, đua xe trái phép vẫn diễn ra phức tạp (có nhóm lên đến 100 xe). Tình trạng chống lại Cảnh sát giao thông (CSGT) khi thi hành công vụ đã ở mức báo động, số vụ xảy ra trong năm 2007 tăng gấp hai lần năm 2006, làm một đồng chí hy sinh, 43 đồng chí bị thương. Phương tiện giao thông tăng quá nhanh, đạt con số cao nhất từ trước đến nay.

Theo thống kê, trong năm 2007, đã có hơn 130.000 ô-tô (tăng 12,8%), hơn 3 triệu mô-tô đăng ký mới (tăng 16,4%). Một sức ép lớn hiện nay là với tổng số hơn 22 triệu phương tiện cơ giới đã được đăng ký và quản lý, nhưng kết cấu hạ tầng giao thông chưa đáp ứng được yêu cầu, vì vậy tổ chức giao thông hết sức khó khăn. Quỹ đất giao thông ở Hà Nội chỉ chiếm 6,4%, TP Hồ Chí Minh 6,7%, trong khi các nước trong khu vực là 22%-25%.

So sánh các số liệu thống kê về tình hình TTATGT năm 2007 với năm 2006 cho thấy số người chết vì TNGT vẫn là bài toán nan giải. Năm qua, cả nước xảy ra 14.218 vụ TNGT đường bộ, làm chết 12.857 người và bị thương 10.631 người; giảm 100 vụ (0,07%), 299  người bị thương (2,7%) so với năm trước, nhưng tăng 667 người chết (5,5%).

Có 18 địa phương TNGT tăng cả ba mặt: Số vụ, số người bị thương và số người chết; 42 địa phương có số người chết do TNGT tăng, chưa đạt được mục tiêu của Chính phủ đặt ra.

Tuy nhiên, tính trên tỷ lệ 10.000 phương tiện cơ giới đường bộ thì giảm cả số vụ, người chết, bị thương. Tai nạn đường sắt so với năm 2006 tăng mạnh 375 vụ (tăng 36,3%), làm chết 167 người (tăng 34%), bị thương 239 người (tăng 64,8%). Ðáng chú ý, TNGT đặc biệt nghiêm trọng tăng cả ba mặt: 33,8% số vụ, 22,8% người chết, 45,2% bị thương.

Nỗ lực giảm TNGT

Với vai trò là lực lượng nòng cốt giữ gìn TTATGT, ngay từ đầu năm 2007, Cục CSGT tham mưu giúp Chính phủ, Bộ Công an, Tổng cục Cảnh sát chỉ đạo triển khai quyết liệt công tác bảo đảm TTATGT. Nổi bật là phối hợp với Bộ Giao thông vận tải đề xuất Chính phủ ban hành Nghị định 146/CP thay thế Nghị định 152/CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo đảm TTATGT đường bộ; tham mưu cho Bộ, Chính phủ chỉ đạo xây dựng, thực hiện các đề án "Tăng cường biên chế, trang thiết bị và đào tạo cho lực lượng CSGT đường bộ"; "Tăng cường và hiện đại hóa công tác tuần tra kiểm soát (TTKS), xử lý vi phạm TTATGT đến năm 2010"; phối hợp các bộ, ngành ban hành hàng loạt các văn bản quy phạm pháp luật về bảo đảm TTATGT.

Ðại tá Trần Sơn Hà, Phó Cục trưởng Cục CSGT cho biết, nhằm đẩy mạnh cải cách hành chính, Cục đã tham mưu cho Bộ ban hành các văn bản về công tác đăng ký phương tiện giao thông với tinh thần triệt để CCHC, nhằm đơn giản hóa thủ tục như: Thông tư số 01/TT-BCA về tổ chức đăng ký, cấp biển số phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (loại bỏ 11 loại giấy tờ trong hồ sơ đăng ký xe, rút ngắn thời gian giải quyết từ bảy ngày xuống ba ngày).

Việc chọn biển số ngẫu nhiên trong máy vi tính, phân cấp đăng ký phương tiện giao thông cơ giới đường bộ cho công an cấp huyện (đã có hơn 20 địa phương trả đăng ký trong ngày), đưa mẫu tờ khai lên mạng in-tơ-nét để nhân dân tự khai thác, góp phần giảm thời gian đi lại, công sức của nhân dân, giảm phiền hà tiêu cực.

Xúc tiến, nghiên cứu cải tiến, áp dụng trả hồ sơ cho chủ sở hữu phương tiện, chỉ giữ lại tờ khai đăng ký và tờ nguồn gốc xe để tiết kiệm hàng nghìn m2 nhà kho lưu giữ, đỡ tốn công sức của hàng trăm cán bộ.

Cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền, tăng cường tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm là biện pháp phòng ngừa, răn đe, nâng cao ý thức chấp hành luật giao thông của những người tham gia giao thông. Cục đã chủ động và sớm tham mưu cho Bộ Công an ban hành quyết định quy định nhiệm vụ, quyền hạn và hoạt động về TTKS của Cảnh sát giao thông đường bộ; về quy trình điều tra, giải quyết TNGT; thực hiện đổi mới phương thức, công khai minh bạch trong hoạt động TTKS.

Triển khai thực hiện hiệu quả kế hoạch 75 KH/BCA(C11) của Bộ Công an, năm qua, lực lượng CSGT đã ra quân năm đợt cao điểm giữ gìn TTATGT, kết hợp giữa tuần tra cơ động và kiểm soát tại các tuyến quốc lộ trọng điểm, những điểm phức tạp về TTATGT, xử lý nghiêm các lỗi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp gây TNGT. Hiệu quả điều tra, xử lý án tai nạn giao thông được nâng cao, đã khởi tố 4.367 vụ TNGT (đạt 41,5%), góp phần tích cực răn đe, phòng ngừa vi phạm.

Năm 2007, lực lượng CSGT toàn quốc đã kiểm tra và xử phạt hơn 4 triệu trường hợp vi phạm (tăng 736.101 trường hợp), thu nộp kho bạc Nhà nước hơn 650 tỷ đồng (tăng hơn 100 tỷ đồng) so với năm trước. Qua TTKS đã phát hiện, truy bắt nhiều tên tội phạm nguy hiểm, thu gần 20.000 kíp nổ, gần ba tấn thuốc nổ, 21 bánh hê-rô-in, hàng chục kg thuốc phiện.

Việc lực lượng CSGT áp dụng khoa học công nghệ trong TTKS, xử lý vi phạm về TTATGT kết hợp với TTKS dưới sự giám sát của nhân dân, góp phần bảo đảm công khai, minh bạch, hạn chế tối đa tiêu cực. Qua đường dây nóng của Cục và công an các địa phương, thanh tra, kiểm tra đã xác minh, giải quyết kịp thời các kiến nghị, phản ánh của nhân dân đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp cán bộ chiến sĩ (CBCS) thiếu sót, sai phạm quy trình, vi phạm pháp luật và tiêu cực.

Trước tình hình TNGT và ùn tắc giao thông gia tăng, Cục đã chỉ đạo CSGT các địa phương khảo sát, phối hợp kiến nghị bằng văn bản khắc phục gần 100 "điểm đen" về TNGT trên tuyến quốc lộ 1A, quốc lộ 5 và nhiều điểm bất hợp lý về tổ chức giao thông, biển báo trên các tuyến đường; kiến nghị với UBND TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh bố trí điểm dừng, đỗ xe buýt hợp lý, chuyển đổi xe buýt loại nhỏ thay cho loại lớn trong nội thị.

Bước ngoặt chuyển biến từ Nghị quyết 32/CP của Chính phủ

Ðáng chú ý, những nỗ lực của các bộ, ngành địa phương quyết liệt triển khai thực hiện Nghị quyết 32/CP của Chính phủ, tình hình có chuyển biến tích cực, TNGT có chiều hướng liên tục giảm, các vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng giảm rõ rệt. Quán triệt và nghiêm túc thực hiện NQ 32/CP, Bộ Công an được Thủ tướng Chính phủ đánh giá triển khai sớm nhất và có chỉ thị, kế hoạch thực hiện về công tác bảo đảm TTATGT, chỉ đạo công an các cấp triển khai quyết liệt. Do vậy trong bốn tháng cuối năm, số vụ, số người chết, bị thương đã được kiềm chế, giảm so với cùng kỳ 2006 và những tháng đầu năm 2007.

Trách nhiệm quản lý Nhà nước trong hoạt động bảo đảm TTATGT của cấp cơ quan Nhà nước từ T.Ư đến chính quyền phường, xã được nâng cao, ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông có nhiều chuyển biến, các cơ quan  quản lý đường bộ cố gắng xử lý hiệu quả các điểm đen về TNGT.

Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật TTATGT trong cộng đồng đã có bài bản, kế hoạch thống nhất từ T.Ư đến địa phương, các chiến dịch tuyên truyền có hiệu quả cao hơn, tạo được  dư luận ủng hộ các giải pháp của Chính phủ.

Một minh chứng tiêu biểu đó là gần 100% số dân hưởng ứng chấp hành tốt quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi đi mô-tô, xe gắn máy, một trong những yếu tố quan trọng góp phần hạn chế số người chết, chấn thương sọ não vì TNGT.

Thực tiễn cho thấy, kết quả khả quan đã đạt được do sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Tỉnh ủy, UBND các địa phương, nội dung NQ32/CP rất cụ thể, có lộ trình và xác định rõ trách nhiệm của cơ quan, người đứng đầu, bước đầu huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị, đặc biệt vai trò gương mẫu của các cơ quan Nhà nước, lực lượng vũ trang, cán bộ, viên chức; lực lượng công an xã tích cực tham gia giữ gìn TTATGT, truyền thông đến với từng người dân.

Tuy nhiên, diễn biến tình hình TTATGT còn tiềm ẩn phức tạp do ý thức người tham gia giao thông vẫn chuyển biến chậm, vi phạm còn phổ biến; quản lý Nhà nước về TTATGT còn bất cập, thiếu đồng bộ; những bất hợp lý về tổ chức giao thông và các "điểm đen" về TNGT chậm được khắc phục; công tác cưỡng chế thi hành pháp luật có nơi chưa nghiêm, cá biệt vẫn còn tình trạng vi phạm quy trình TTKS, tác phong của một số CSGT chưa đúng mực, thậm chí tiêu cực trong khi làm nhiệm vụ, công tác tuyên truyền đã được tăng cường nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa đến với mọi người dân vùng sâu, vùng xa...

Một số cấp ủy, chính quyền cơ sở vẫn còn tình trạng thờ ơ, chưa nhận thức hết trách nhiệm bảo vệ sinh mạng của người dân trước thảm họa TNGT, thiếu chỉ đạo kiên quyết; đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe còn nhiều thiếu sót, vẫn còn tình trạng người điều khiển có bằng nhưng không hiểu Luật Giao thông, chạy ẩu, tiềm ẩn TNGT. Cải cách hành chính chưa theo kịp được đòi hỏi tình hình thực tiễn, việc giáo dục đạo đức nghề nghiệp và quản lý đội ngũ lái xe chưa được quan tâm đúng mức.

Trong những năm tới, khi nền kinh tế càng phát triển, Luật Cư trú thông thoáng, sức ép giao thông càng lớn; do vậy cần tiếp tục thực hiện hiệu quả bảy giải pháp của NQ 32/CP, nhất là giảm số vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng.

Cùng với việc đẩy mạnh cải cách hành chính, cần tăng cường TTKS trên các tuyến quốc lộ trọng điểm, xử lý vi phạm, tập trung xử lý hành vi trực tiếp gây TNGT, người điều khiển xe mô-tô không đội mũ bảo hiểm trước, trong và sau Tết Mậu Tý 2008, tiếp tục hướng dẫn công an phường, xã tham gia bảo đảm TTATGT, khảo sát kiến nghị giải quyết  điểm đen, hiến kế về tổ chức giao thông, phối hợp cơ quan điều tra xử lý nghiêm các vụ TNGT nghiêm trọng.

Ðồng thời, chú trọng xây dựng lực lượng, phát động CBCS học tập tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, thực hiện tốt phong trào "CSGT vì nước quên thân vì dân phục vụ" nhằm nâng cao phẩm chất người chiến sĩ công an trong thế kỷ XXI, phòng tránh tiêu cực.

Tuấn Anh - Báo Nhân Dân
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)