"Cung đường tử thần", trách nhiệm và giải pháp

Thứ tư, 27/06/2007 00:00 GMT+7
    Những "điểm đen giao thông" trên quốc lộ 1A từ mấy năm nay đã được gọi bằng cái tên rất "ấn tượng" là những "cung đường tử thần". Từ Bắc vào Nam có không ít những "cung đường tử thần" như thế, tồn tại một cách hiển nhiên trước cặp mắt thờ ơ của Cục Đường bộ và Bộ Giao thông vận tải.

"Cung đường tử thần", trách nhiệm và giải pháp

 

 Những "điểm đen giao thông" trên quốc lộ 1A từ mấy năm nay đã được gọi bằng cái tên rất "ấn tượng" là những "cung đường tử thần". Từ Bắc vào Nam có không ít những "cung đường tử thần" như thế, tồn tại một cách hiển nhiên trước cặp mắt thờ ơ của Cục Đường bộ và Bộ Giao thông vận tải.

Như đoạn đường từ cầu Ván tới cầu Bến Lức thuộc quốc lộ 1A địa phận tỉnh Long An, từ 10 năm nay đã được gọi là "cung đường tử thần" vì những tai nạn giao thông thảm khốc từng xảy ra ở đây. Đến nỗi, người dân hai bên đoạn đường này đã tự động thành lập "đội cứu nạn" để dù đêm hôm mưa gió mỗi khi xảy ra tai nạn là họ kịp thời ứng cứu. Người dân thì có tinh thần cứu nạn cao như vậy, còn các cơ quan công quyền trực tiếp chịu trách nhiệm về giao thông thì sao?

Hay như đoạn đường quốc lộ 1A qua xã Suối Hiệp, huyện Diên Khánh (Khánh Hòa) từ 2 năm nay thành danh "đoạn đường tử thần" vì đã cướp đi sinh mạng 20 người, trong đó hai vụ tai nạn thảm khốc nhất xảy ra trên cung đường này chỉ cách nhau 500 mét. Đó là tai nạn ngày 13.10.2006 khi chiếc xe chở đoàn cán bộ phường 13, quận Phú Nhuận, TP.HCM trên đường ra miền Trung cứu trợ nạn nhân bão Xangsane đã đâm vào xe chở khách khiến 12 người trên xe cứu trợ tử nạn. Và mới đây là tai nạn xảy ra ngày 24.6, khi chiếc xe chở đoàn giáo viên huyện Sơn Tịnh (Quảng Ngãi) đi tham quan bị xe tải container lấn đường đâm vào, khiến 4 giáo viên tử nạn, 13 người khác bị thương. Và trên suốt quốc lộ 1A còn bao nhiêu những "cung đường tử thần" như thế vẫn hằng ngày hằâng đêm chực chờ gây tai họa cho người tham gia giao thông?

Tôi nghĩ, hoàn toàn không khó khăn gì khi Cục Đường bộ thống kê chính xác những "điểm đen" như thế trên quốc lộ 1A (chỉ nói trên quốc lộ 1A thôi) và có những giải pháp kịp thời để ngăn ngừa tối đa những tai nạn giao thông có thể xảy ra. Như đoạn đường ở Diên Khánh, đây là đoạn đường thẳng, bề mặt rộng nhưng khi đã là "điểm đen giao thông" thì lại không có bất cứ giải pháp nào được đưa ra để phòng ngừa.

Hỏi Sở Giao thông Khánh Hòa thì Sở nói trách nhiệm thuộc Cục Đường bộ, còn nếu hỏi Cục Đường bộ thì Cục sẽ đổ cho ai đây? Chắc là đổ cho Bộ Giao thông. Đúng như thế, nếu những tai nạn lớn thường xuyên xảy ra trên quốc lộ 1A thì trách nhiệm cao nhất phải thuộc về Bộ Giao thông vận tải, trực tiếp là thuộc về Bộ trưởng. Nếu ở những nước phát triển mà xảy ra tình trạng như thế lặp đi lặp lại nhiều lần, thì chắc chắn Bộ trưởng Giao thông phải từ chức, hoặc bị cách chức. Nhưng không thể lấy cớ là nước ta "đang phát triển" mà từ chối những trách nhiệm quá rõ ràng này!

Thực ra, những giải pháp phòng ngừa trên toàn tuyến quốc lộ 1A, đặc biệt là tại những "điểm đen giao thông" không phải là chuyện "bất khả thi". Chưa thể làm đồng bộ và ở trình độ cao như những nước phát triển, nhưng vẫn có thể làm ở mức độ và có hiệu quả để chí ít ngăn ngừa những tai nạn có thể ngăn được.

Trước nay, thường khi xảy ra những vụ tai nạn giao thông lớn, các quan chức Bộ Giao thông vẫn sụt sùi than là do ý thức của người tham gia giao thông ở nước ta còn quá kém. Điều đó không sai, nhưng lại nói lên sự vô cảm và vô trách nhiệm ở những người có trách nhiệm, và nhất là không đưa ra được bất cứ giải pháp khắc phục nào từ phía những cơ quan công quyền. Cứ như là chuyện xảy trên cung trăng, chẳng ai làm sao cả, trừ những người tham gia giao thông nhận lãnh tai nạn.

Có rất nhiều giải pháp khả thi, như xây dải phân cách cứng và mềm, như lập những trạm dừng chân dọc đường và buộc các tài xế xe tải, xe khách chạy đường dài phải dừng nghỉ ngơi một thời gian quy định sau khi chạy một cung đường và phải có ít nhất hai tài xế/một xe để thay đổi. Những giải pháp ấy không hề khó thực hiện. Ngay việc đăng kiểm xe, khám sức khỏe và sát hạch tay nghề tài xế từ bao lâu nay vẫn diễn ra một cách sơ sài, hình thức, chiếu lệ, thậm chí chỉ cần nộp "lệ phí" là "qua truông" đã góp phần không nhỏ cho những tai nạn lớn thường xuyên xảy ra. Giáo dục ý thức người tham gia giao thông là chuyện phải làm hằng ngày và làm lâu dài, nhưng những giải pháp kỹ thuật trên các "cung đường tử thần" là chuyện phải làm cấp thời và có thể làm được. Vì sao không làm?

(Theo Thanh Niên)

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)