Người gửi: Trần Văn Giang.
Trước hết, chúng tôi rất phấn khởi vì Bộ Giao thông đã thành lập diễn đàn An toàn giao thông, cũng như diễn đàn Edu.net của Bộ Giáo dục. Chính đây sẽ là sự khởi đầu tốt đẹp của giao thông nước nhà. Chúng tôi học tập và công tác ở nước ngoài, đa số những người việt kiều sống ở nước ngoài đều lo ngại tình trạng an toàn giao thông ở Việt Nam chúng ta. Tôi xin có một số ý kiến đề xuất về củng cố an toàn giao thông như sau:
Phải áp dụng ngay chương trình an toàn giao thông, giáo trình, đưa vào giảng dạy như một môn học chính trong nhà trường kể từ mẫu giáo, cấp 1, 2, 3. Chương trình này nhằm giáo dục đạo đức của từng cá nhân về tình thương con người, từ trong nhà đến ra ngoài đường để từ đó, họ sẽ biết nhường nhịn, không lơ là trong việc đi lại, gây tai nạn giao thông. Chương trình học vừa áp dụng trong nhà trường, vừa áp dụng đến từng bộ phận nhân dân, tập thể nhân dân.
1. Ở Thành phố:
- Mở rộng hoặc chia lại ranh giới người đi bộ, xe đạp, xe máy, ô tô, trang bị đầy đủ đèn tín hiệu cho ô tô và đi bộ. Ở các nước châu âu, có nhiều đường giao thông còn nhỏ hơn đường ở Hà Nội, Sài gòn, nhưng tai nạn giao thông rất hiếm có. Đó là do ý thức của người đi trên ô tô, xe máy luôn nhường nhịn, hướng thiện, người đi bộ cũng đúng luật.
- Tăng cường khâu quản lý xe ô tô, xe máy bằng công nghệ thông tin và tự động. Mỗi biển xe máy và ô tô sẽ có một mã số trong máy tính, đặt máy dò mã hoặc camera ở các nút giao thông và trên từng chặng đường. Nếu xe máy và ô tô chạy quá tốc độ hoặc sai quy định, sẽ ghi lại và tịch thu xe, hoặc thu bằng lái vĩnh viễn. Không cấp lại bằng. Nếu việc quản lý tự động chưa thực hiện được, thì cảnh sát sẽ đứng nấp và giữ chủ xe, xe vi phạm, tịch thu bằng lái vĩnh viễn.
Ở Thành phố, tình trạng xe máy phóng nhanh vượt ẩu gây tai nạn là 24/24 giờ trong ngày. Chúng tôi đã tham gia giao thông thường xuyên nên hiểu rất rõ. Nhất là các chặng đường Kim Mã, Liễu Giai, Hoàng Quốc Việt, Láng Hoà Lạc, ... đơn cử như đường Hoàng Quốc Việt tuần nào cũng có vài ba vụ chết người, do xe máy vượt ô tô, và xe máy phóng nhanh đâm xe máy... trên đoạn này, xe máy thường phóng 50 đến 80 Km/h. Trong khi đó luật thì học là dưới 30Km/h. Chính vì công an không tịch thu bằng vĩnh viễn, nên dân không sợ, không sợ thì mới có nhiều tai nạn như thế.
- Tiến tới xây dựng các TRAM xe điện trong thành phố, các xe bus,... nối mạng thanh toán và mã thẻ toàn thành phố.
2. Nông thôn:
- Tai nạn cũng do xe máy chạy nhanh, uống rượu say, là chủ yếu. Cần thành lập uỷ ban an toàn giao thông ở các xã, huyện để kiểm tra, chấn chỉnh, giáo dục người tham gia giao thông. Huỷ những loại xe không còn an toàn. Quy định tốc độ phương tiện trong đường nông thôn. Cũng nên có biển báo ở các ngõ nông thôn.
3. Trên đường quốc lộ:
- Nâng cấp và thêm làn đường, nhất thiết phải làm đường 2 chiều, cho dù kinh phí tốn thì đầu tư một thể ban đầu, dùng được cho nhiều thế hệ mai sau của chúng ta.
- Nên sử dụng đường sắt làm phương tiện chuyên chở số đông, có thể làm đường sắt cao tốc dạng chạy bằng điện, đường sắt cũng cần phải là đường sắt 2 chiều (2 làn).
Mong Bộ Giao thông để ý, xem xét.
Chúng tôi cảm ơn rất nhiều, quyết định sáng suốt của Bộ Giao thông sẽ là tính mạng của hàng nghìn con người Việt Nam chúng ta.