Thời gian vừa qua, dư luận cả nước đặc biệt quan tâm đến chữ "tâm" và trách nhiệm của người lái xe cơ giới đường bộ. Sau rất nhiều vụ TNGT nghiêm trọng, làm gia tăng TNGT mà nguyên nhân trực tiếp do lỗi của người lái xe khiến người dân cả nước hết sức bức xúc. Thực tế, khi có sự lên án của toàn xã hội, "đạo đức" của người lái xe đã có những chuyển biến tích cực. Việc làm này cần được "nhân rộng" đối với nhiều đối tượng khác, đặc biệt là CSGT. Bởi nguyên nhân dẫn tới tình hình trật tự ATGT và TNGT phức tạp như hiện nay phần không nhỏ là do CSGT chưa "làm tròn trách nhiệm" của mình...
Vì sao chúng ta không thể duy trì tình hình trật tự ATGT, giảm TNGT và tạo được một nếp sống văn minh khi tham gia giao thông? Có rất nhiều cách lý giải, như ý thức của người tham gia giao thông chưa nghiêm, công tác tuyên truyền chưa hiệu quả, hệ thống hạ tầng giao thông còn nhiều bất cập,…Tuy vậy, có một vấn đề mà lâu nay dư luận xã hội chưa thật quan tâm đó là lương tâm, trách nhiệm và cách xử lý của lực lượng CSGT khi thi hành nhiệm vụ. Hiện nay, nếu xét về quân số trên đường thì CSGT ở nước ta thuộc vào loại đông nhất thế giới. Không có ở nước nào, lực lượng CSGT lại "đổ ra đường" nhiều như ở nước ta.
Ở bất kỳ ngã ba, ngã tư nào trên đường phố Hà Nội, các đô thị lớn và các tuyến quốc lộ đều thấy bóng áo vàng của CSGT. Tuy vậy, mới đây, bên lề buổi khai trương diễn đàn "Hiến kế giảm thiểu TNGT, Thứ trưởng Bộ Công an, Phó Chủ tịch Uỷ ban ATGT Quốc gia Trần Đại Quang trả lời phỏng vấn của các phóng viên vẫn cho rằng, hiện nay biên chế của lực lượng CSGT còn rất thiếu, nhất là lực lượng tuần tra kiểm soát. Bộ Công an đã có đề án trình Chính phủ tăng cường biên chế, phương tiện cho lực lượng CSGT và đã được Chính phủ phê duyệt. Tuy nhiên, đề án này chưa chắc đã đảm bảo đủ được biên chế và phương tiện cho lực lượng CSGT bởi Bộ Công an mới chỉ đề nghị tăng 25%.
Như vậy, quân số của lực lượng CSGT vốn đã lớn nay lại càng đông hơn. Tuy nhiên, điều này càng làm cho nhiều người dân và dư luận xã hội băn khoăn và đặt ra nhiều câu hỏi, tại sao quân số nhiều là vậy nhưng tình hình trật tự ATGT trên địa bàn cả nước vẫn hết sức lộn xộn và TNGT ngày càng có chiều hướng gia tăng nghiêm trọng. Rất nhiều người nói vui rằng, nhìn ra các nước khác, thấy họ kiểm soát giao thông rất quy củ, không cần quá nhiều CSGT đứng trên đường mà người tham gia giao thông vẫn răm rắp thực hiện nghiêm mà thấy buồn lòng. Nếu bỏ hết lực lượng CSGT mà chỉ cần thuê khoảng vài nghìn CSGT của nước ngoài và lắp đặt thêm các hệ thống kiểm soát giao thông tự động, bảo đảm tình hình sẽ được cải thiện đáng kể và những vi phạm về trật tự ATGT sẽ giảm rõ rệt.
Còn ở nước ta, cứ một đoạn lại thấy CSGT, trên các quốc lộ, đặc biệt quốc lộ 1A, mỗi địa phương lại bố trí trạm CSGT riêng, thậm chí có tỉnh lập rất nhiều trạm. Đây là một trong những yếu tố gây bức xúc nhất trong cánh lái xe những năm gần đây. Vì có quá nhiều trạm CSGT dọc đường nên lái xe luôn phải lo tìm cách đối phó để lách luật. Từ đó nảy sinh tiêu cực và tình trạng mãi lộ tràn lan như trong thời gian vừa qua. Theo rất nhiều lái xe thì, CSGT trên các tuyến quốc lộ có thể nhớ biển số xe của từng xe một, xe thường chạy vào giờ nào, thường mắc lỗi gì và muốn bắt xe nào là xe ấy chỉ có nước chết. Nếu lái xe không lo tìm cách đối phó thì kiểu gì cũng bị xử phạt. Mà đã dính xử phạt thì sẽ chẳng còn đâu lời lãi.
Một tình trạng phổ biến đang diễn ra hiện nay là CSGT đứng rất nhiều trên đường nhưng họ "không hề làm việc" mà chỉ "chăm chăm" xem có xe nào vi phạm để…xử phạt. Nhiều CSGT còn không chịu đứng ở các nút giao thông mà đứng cách xa đó một đoạn để "rình" xem có xe nào vi phạm thì "xông" ra chặn bắt. Đơn cử tại một số nút giao thông của Hà Nội, như ngã ba Lê Duẩn- Trần Nhân Tông trước đây cho phép các phương tiện được rẽ phải vào đường Trần Nhân Tông nhưng nay thay đổi không cho phép rẽ phải nữa.
Lẽ ra, CSGT phải đứng ở vị trí đầu ngã ba để điều hành và hướng dẫn người tham gia giao thông nhưng đằng này họ lại đứng lấp tận phía trong đường Trần Nhân Tông. Nhiều người do chưa biết và vẫn quen với việc được rẽ phải sẽ lập tức bị chặn lại xử phạt. Với những lỗi do các phương tiện như mô tô, xe gắn máy, đặc biệt do ô tô gây ra thì CSGT không bao giờ bỏ qua, còn rất nhiều vi phạm khác do xe đạp, người đi bộ đi ngênh ngang trong phần đường dành cho xe máy, vượt đèn đỏ ngay trước mặt thì CSGT chỉ... đứng nhìn.
Rõ ràng những trường hợp trên CSGT đã "quên" đi một trong nhiệm vụ quan trọng nhất của mình là điều hành trật tự ATGT trên đường. Nếu CSGT thực thi tốt nhiệm vụ của mình thì chắc chắn giao thông đô thị rất ít xảy ra ùn tắc như hiện nay. Có thể lấy những ví dụ cụ thể như trong dịp diễn ra Hội nghị APEC, mặc dù thời điểm này phương tiện tham gia giao thông gia tăng rất cao, nhưng do lực lượng CSGT tập trung phân luông hướng dẫn giao thông rất hiệu quả nên các tuyến đường của Hà Nội rất ít xảy ra ùn tắc.
Hay như hiện nay tại nút giao thông Đại Cồ Việt - Kim Liên phải dỡ bỏ đèn tín hiệu giao thông để phục vụ thi công hầm đường bộ, mặc dù mật độ phương tiện tham gia giao thông vào loại lớn nhất Hà Nội, đặc biệt là vào các giờ cao điểm, nhưng do CSGT bố trí lực lượng điều hành và phân luồn rất hiệu quả nên rất ít khi xảy ra ùn tắc. Do vậy để có thể cải thiện tình hình trật tự ATGT, kiềm chế TNGT, hình thành nếp văn minh khi tham gia giao thông với người dân thì trước hết lực lượng CSGT cũng cần phải chấn chỉnh và có cái "tâm" và trách nhiệm với cộng đồng.
Nguyễn Đức Thắng