Ôi xe máy!_ Phí Văn Hiếu

Thứ ba, 16/01/2007 00:00 GMT+7
Ở nư­ớc ta, khoảng hơn m­ười năm trở lại đây, cùng với sự tăng trưởng của nền kinh tế và sự gia tăng dân số tập trung tại các đô thị lớn (do tăng dân số tự nhiên và tăng dân số cơ học), tiến trình đô thị hoá nhanh chóng ở khu vực đồng bằng, trung du...

   A/ Dẫn nhập:

            Ở nư­ớc ta, khoảng hơn m­ười năm trở lại đây, cùng với sự tăng trưởng của nền kinh tế và sự gia tăng dân số tập trung tại các đô thị lớn (do tăng dân số tự nhiên và tăng dân số cơ học), tiến trình đô thị hoá nhanh chóng ở khu vực đồng bằng, trung du,... Nhiều gia đình nông dân ở vùng xa xôi (kể cả ở vùng cao) dễ dàng sở hữu một phương tiện giao thông cơ giới. Đó là xe gắn máy.

            Ở các đô thị, do đòi hỏi công việc và sự phát triển cơ chế thị trường, hầu hết mọi cá nhân dù là làm công ăn lương hay người nông dân lúc công việc nông nhàn cũng tranh thủ thời gian cùng với phương tiện cá nhân hữu dụng là chiếc xe máy chạy đôn chạy đáo kiếm công việc làm thêm tăng thu nhập.

            Con cái học hành thì cần học thêm, học nhiều chuyên ngành để bằng chúng bằng bạn, nhỏ thì bố mẹ đã rước đến nhà cô này học tiếng Anh, chuyển đến nhà thầy khác luyện toán (cũng vẫn bằng xe máy), lớn thì chưa mẹ trang bị hẳn cho một xe (tất nhiên lại xe máy) để sáng đến trường học chính khoá, chiều học nhóm, tối học sinh ngữ hay tin học,... nhằm trang bị càng nhiều kiến thức càng tốt để sau khi ra trường có cơ hội kiếm việc làm tốt, có thu nhập cao.

            Bên cạnh đó, việc qui hoạch các nhà trường từ trung học dạy nghề đến bậc đại học trong nhiều năm chưa được đầu tư xây dựng đồng bộ và khoa học. Khi mà học viên từ mọi miền quê đổ dồn về các nhà trường học tập thì một mặt các trường đều tập trung chủ yếu ở các đô thị, một mặt cơ sở nhà trường không được xây dựng đồng bộ khép kín đáp ứng đầy đủ cho học tập và sinh hoạt của học sinh  sinh viên. Nhiều trường không có ký túc xá hoặc ký túc xá xuống cấp và thiếu trầm trọng về số lượng dẫn đến đa phần các học sinh, sinh viên trước khi nhập trường phải tá hoả đi thuê nhà trong dân để tá túc trong toàn khoá học, may mắn  thuê nhà ở trọ gần trường thì có thể đi bộ đến trường nhưng đa số phải thuê nhà trọ xa trường, thậm chí hơn chục cây số. Thế là các sĩ tử có đủ căn cứ đệ trình chưa mẹ đầu tư cho một phương tiện giao thông phục vụ cho việc đi học đó là xe gắn máy.

            Góp phần không nhỏ vào lực lượng xe gắn máy của sinh viên thì các doanh nghiệp, các cơ sở xản xuất mà chủ yếu các cơ sở sử dụng nhân công là lao động phổ thông với sự qui tụ số lượng lớn công nhân mà chủ yếu là con em nông dân về khu công nghiệp, khu đô thị. Do chính sách khuyến khích đầu tư của Chính phủ nên các chủ sử dụng lao động không phải quan tâm đến việc tạo các điều kiện nơi ăn chốn ở cho công nhân; hầu hết các công nhân phải thuê nhà ở trong dân, việc đi lại từ nơi làm việc về nhà trọ và ngược lại  cũng không mấy doanh nghiệp tổ chức xe tuyến đưa đón công nhân. Do vậy mỗi công nhân đều phải tự túc phương tiện giao thông cá nhân, thế là lại mỗi một xe máy, một công nhân. Với xu thế đó, nhiều doanh nghiệp khi tuyển dụng lao động đã công khai  thông báo tiêu chuẩn để được tuyển dụng phải bảo đảm điều kiện “Có xe máy”.

            Với nhu cầu cấp thiết của việc đi lại như vậy thì hệ thống giao thông công cộng chưa được đầu tư phát triển thoả đáng, hệ thống giao thông chật trội, điều hành giao thông non kém,.... thế là “Rừng” xe máy được thả sức phát huy công dụng. Với tính năng cơ động, nhỏ gọn, tốc độ nhanh hễ có chỗ hở nào trên đường là có thể lách được bất kể đó là vỉa hè, giải phân cách,.... cứ lao xe lên “Đi tạm” cho kịp giờ,.... và hệ quả là không ai đi được chỉ đứng nhìn nhau hàng giờ. Lý do chậm giờ do tắc đường kẹt xe được nêu thường xuyên quen đến mức là có người vì ý thức kém đến muộn giờ để nhiều người phải đợi chờ đang bực bội nhưng cũng phải cười xoè cho qua bởi lý do rất dễ thông cảm: kẹt xe.

            Với đà phát triển kinh tế đất nước trong hai thập niên vừa qua nhanh, mạnh như vậy, nhiều chuyên gia kinh tế dự báo chúng ta có thể sớm trở thành “Con hổ” mới về kinh tế của khu vực thì yếu tố phát triển về con người chậm chạp hơn gây mâu thuẫn với sự phát triển kinh tế. Chúng ta có thể xây dựng một khu đô thị hiện đại chỉ trong 5 năm đến 7 năm nhưng để xây dựng nếp sống đô thị cho những con người sống trong khu đô thị mới đó phải mất số thời gian gấp 2 đến 3 lần thời gian xây dựng khu đô thị. Với ý thức của nếp sống còn lạc hậu, không phù hợp với đòi hỏi của phát triển kinh tế thì ý thức giao thông trong dân chúng còn rất hạn chế, chúng ta chưa xây dựng được “Văn hoá giao thông”, đa số từ đi bộ, đi xe đạp trong đường làng bây giờ ngồi trên xe máy, xe ô tô và đi trên đường trải nhựa phẳng lì với tốc độ cao hơn nhiều lần mà không được trang bị đầy đủ kiến thức pháp luật về giao thông cơ bản, chưa được trang bị “Văn hoá giao thông” thì quả thật là “Đùa với tử thần”.

            Thêm vào đó, nhiều tổ chức được giao trọng trách đào tạo, thi cấp bằng cho người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới thì thiếu tinh thần trách nhiệm và thiếu cả đạo đức. Lượng bằng thật cấp ra  rất nhiều nhưng chất lượng học thật, thi thật thì chẳng đáng là bao (?!).

            Xét về “ Cung” giao thông thì còn nhiều việc phải làm. Trong những năm gần đây, mặc dù đã được Nhà nước đầu tư rất lớn cho phát triển đường xá nhưng vẫn chưa đáp ứng được với “Cầu” giao thông, một mặt do vấn đề tài chính, một mặt do qui hoạch chưa thực sự có tầm nhìn chiến lược nên đường chỉ mở được 2 – 3 năm là lại thấy chật chội và lạc hậu. Thêm nữa các hạng mục bảo đảm cho an toàn giao thông đầu tư chưa đồng bộ, trải đường thì phẳng nhưng thiếu điều kiện bảo đảm (Kể cả chế tài xử phạt các lỗi vi phạm luật giao thông chưa đủ mạnh, lực lượng thực thi pháp luật về giao thông còn yếu,...) dẫn đến tình trạng bất hợp lý là đường càng nhẵn càng nhiều tai nạn.

 

B/ Một số giải pháp giảm thiểu tai nạn giao thông, chống ách tắc giao thông:

I/ Những giải pháp chiến lược:

a) Các giải pháp giảm "Cầu" giao thông:

1/ Chính phủ cần xây dựng văn bản luật qui định bắt buộc các chủ sử dụng lao động xây dựng đồng bộ nơi ở cho tối thiểu 70% lượng công nhân  theo nhu cầu sử dụng lao động của đơn vị mình để cho công nhân thuê ở, tổ chức xe tuyến đưa rước công nhân từ nơi ở đến nơi làm việc và ngược lại. Để đảm bảo chính sách khuyến khích đầu tư, Chính phủ cho vay vốn ưu đãi để xây dựng nhà ở cho công nhân, giảm thuế nhập khẩu ô tô trang bị xe tuyến, ...

2/ Qui hoach xây dựng các trường dạy nghề, trung học, cao đẳng, học viện ra ngoài khu đô thị. Qui định qui chuẩn của một nhà trường phải bảo đảm nơi giảng đường khép kín với ký túc xá sinh viên, ký túc xá qui hoach phải bảo đảm cho tầm nhìn 20 đến 30 năm sau. Các cơ sở của các trường hiện tại ở khu đô thị sau này chỉ phục vụ cho đào tạo thường xuyên, tại chức, sau đại học, viện nghiên cứu, ...

3/ Các trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông thực hiện dạy học theo phương thức bán trú 100% ở các đô thị, nhà trường tổ chức xe ca đưa đón học sinh.

4/ Qui hoạch các cơ quan trung ương, các cơ quan địa phương tập trung giảm thiểu việc đi lại giữa các cơ quan này cho tổ chức hay cá nhân khi liên hệ công tác.

5/ Qui hoạch đất quốc phòng bảo đảm cho mục đích chiến lược quân sự, tính cơ động,... đất quốc phòng qui hoạch vùng ngoại thành, ngoại thị (Ví dụ như­ ở Hà Nội chẳng hạn, đất quốc phòng chỉ qui hoạch ngoài đường vành đai 5 trở ra).

b) Các giải pháp tăng "Cung" giao thông:

1/ Qui hoạch đường xá, giao thông tĩnh bảo đảm hài hoà tỷ lệ giữa đất dành cho giao thông và đất xây dựng các công trình đô thị khác theo kinh nghiệm của các nước tiên tiến có tầm nhìn 40 – 50 năm. Làm đường lập thể, hạn chế giao cắt cùng mặt phẳng. Qui định thiết kế xây dựng đường đô thị bảo đảm hệ thống kỹ thuật ngầm đủ cho phát triển hạ tầng kỹ thuật trong tương lai (đường xây dựng sẵn các ống kỹ thuật, sau này các đơn vị có nhu cầu phát triển hệ thống điện, nước, truyền thông,... ngầm chỉ cần làm hợp đồng với đơn vị chủ quản thuê không gian ống kỹ thuật là triển khai ngay được, không cần đào bới nền đường để làm hệ thống ngầm đó).

2/ Xây dựng hệ thống giao thông công cộng trở thành loại hình giao thông chủ yếu trong tương lai, hạn chế phương tiện giao thông cá nhân đi lại thông nội thành, nội thị. Ở các thành phố lớn xây dựng hệ thống tàu điện ngầm hoặc tàu điện trên cao, tàu cao tốc từ khu đô thị đến các khu công nghiệp, khu trường học tập trung.

3/ Xây dựng các trung tâm đua xe theo các tiêu chuẩn trường đua xe thể thao, tạo sân chơi lành mạnh cho nhu cầu của thanh niên, tránh việc đua xe hoặc tổ chức đua xe trái phép như hiện nay.

 

II/ Những giải pháp trước mắt:

1/ Tổ chức giáo dục luật Giao thông trong các nhà trường ngay từ bậc tiểu học, xây dựng mạng lưới truyền thông an toàn giao thông như mạng lưới Dân số Kế hoạch hoá gia đình đến tận cơ sở.

2/ Qui định bắt buộc trên nhãn chai rượu, chai bia, trong các nhà hàng, quán ăn phải ghi dòng chữ khuyến cáo: “Uống rượu, bia rất nguy hiểm đối với người điều khiển phương tiện giao thông”.

3/ Xây dựng các bến xe đường dài bảo đảm điều kiện đủ chỗ nghỉ ngơi, chỗ ăn, thể thao, giải trí, thư giãn, mát sa,... cho lái, phụ xe đường dài, tạo sức khoẻ tốt và tinh thần tỉnh táo trước khi lên đường. Dọc trên các cung đường quốc lộ (như­ quốc lộ 1) cứ 150 – 200 km xây dựng 1 điểm dừng chân (nạp nhiên liệu cho phương tiện, phục vụ ăn uống, thư­ giãn, mát sa,...) cho các lái phụ xe phục hồi sức khoẻ. Các lái phụ xe chuyên nghiệp đường dài bắt buộc phải mua “Phiếu an toàn giao thông” theo từng tháng, phiếu này có các tem thư giãn và được bán tại các bến xe, các trụ sở đội Thanh tra giao thông. Phiếu an toàn giao thông được xé dần tại các điểm mà lái phụ xe sử dụng dịch vụ thư­ giãn trên đường. Phiếu an toàn giao thông được Nhà nước hỗ trợ 60% kinh phí, khoản kinh phí này lấy từ khoản thu phạt các lỗi vi phạm luật Giao thông và tiền phụ thu kinh phí an toàn giao thông của mỗi lít xăng, dầu (phụ thu phí an toàn giao thông cho mỗi lít nhiên liệu là 100 đồng/ 1 lít). Các cơ sở phục vụ thư giãn cho lái, phụ xe hàng tháng tổng hợp số tem phục vụ thư giãn đến thanh toán tại các ngân hàng địa phương. Lái, phụ xe đường dài hàng tháng phải mua phiếu an toàn giao thông theo cung đường của mình, nếu hết hạn không mua phiếu an toàn giao thông sẽ bị tạm thời thu giữ giấy phép lái xe và bị phạt  bằng 100% giá trị phiếu an toàn giao thông của 1 tháng.

4/ Không thu giữ phương tiện giao thông tràn lan đối với các hành vi vi phạm Luật Giao thông của người điều khiển phương tiện. Chỉ thu giữ phương tiện giao thông trong các trường hợp người điều khiển vi phạm các lỗi:

- Gây tai nạn.

- Người điều khiển phương tiện giao thông có nồng độ cồn trong hơi thở quá mức qui định.

-  Người điều khiển phương tiện giao thông không có giấy phép lái xe hoặc giấy phép lái xe không phù hợp theo qui định.

- Phương tiện không có biển kiểm soát theo qui định, biển kiểm soát giả, phương tiện không được phép lưu hành.

- Chở người quá số lượng qui định đối với từng loại xe.

- Chạy quá tốc độ tối đa cho phép > =10 km/h.

- Đua xe trái phép.

5/  Gắn liền việc chấp hành pháp luật giao thông đối với từng cá nhân trong các phong trào thi đua khen khen thưởng, công tác, học tập,... Với tất cảc các lỗi vi phạm luật giao thông mà phải xử lý phạt hành chính đều là vi phạm pháp luật; các lỗi vi phạm đó, sau khi bị xử phạt theo qui định thì cơ quan xử lý vi phạm thông báo đến cơ quan, đơn vị, tổ chức, địa phương của người vi phạm đó bằng văn bản. Mọi quyền lợi trong công tác đánh giá phong trào thi đua khen thư­ởng, xếp loại lao động, xếp loại đảng viên, xếp loại đoàn viên, xét nâng lương nâng bậc,... các cơ quan đơn vị lấy việc chấp hành luật giao thông của từng cá nhân làm một căn cứ đánh giá.

6/ Xây dựng hệ thống kiểm soát giao thông hiện đại, tiến tới việc giám sát xử phạt các lỗi vi phạm giao thông qua hình ảnh camera tự động, hệ thống quan sát điện tử là chủ yếu; một mặt hạn chế xử phạt thông qua các chốt kiểm soát giao thông trực tiếp dễ nảy sinh tiêu cực, một mặt loại bỏ tư tưởng, chỗ nào có cảnh sát giao thông thì chấp hành nghiêm chỉnh, chỗ nào không có cảnh sát giao thông thì phóng nhanh vượt ẩu, xây dựng ý thức cho người điều khiển phương tiện giao thông luôn luôn có cảnh sát giao thông ngự trị trong mỗi người, mọi lúc, mọi nơi.

7/ Các đơn vị quân đội đóng quân trong khu vực nội thành tổ chức xe ô tô tuyến đưa đón cán bộ, nhân viên đi làm theo biên chế phương tiện hiện có.

 

 

 

Phí Văn Hiếu                                               

Trường ĐHVN NT Quân đội

Địa chỉ: 101 Nguyễn Chí Thanh,

Đống Đa, Hà Nội. ĐT: 069 822480

Email: Phihieuhoang@yahoo.com.vn

 

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)