Trên các diễn đàn, thật nhiều ý kiến, biện pháp dành cho an toàn giao thông. Tuy nhiên tôi chưa thấy có tổ chức nào nghiên cứu con người tham gia giao thông như thế nào.
Hiện nay, ở các đô thị lớn Việt nam, phương tiện tham gia giao thông phần đông là xe gắn máy (hai bánh) và quả thực nó là phương tiện cực kỳ tiện. Bạn có để ý không? Có quan tâm không? Một bước là lên xe, thật đấy. Đi chợ khoảng vài trăm mét là cưỡi xe, đi mua một chút đồ dùng dọc theo phố là cưỡi xe (vì ở thành phố thì các phố đều là phố THỊ mà - chỗ nào cũng có thể buôn bán), đi học, đi Datvudi bơi, đi dạo, đi làm đều cưỡi xe máy cho nhanh, cho tiện. Chính vì lẽ tiện đó mà các thành phố bùng phát xe máy tham gia giao thông. Vậy thì làm thế nào để giảm lượng xe máy tham gia giao thông? Quá dễ! Một biện pháp rất đơn giản và chẳng mới một chút nào, đó là MŨ BẢO HIỂM.
Mũ bảo hiểm có liên quan gì tới giảm thiểu mật độ giao thông của xe máy? Có đấy, cực kỳ hiệu quả là đằng khác, tôi phân tích nhé. Khi chính phủ quan tâm đến an toàn cho mọi người hơn và luật pháp qui định tất cả mọi người tham giao thông bằng xe máy đều phải đội mũ bảo hiểm, áp dụng trên mọi nẻo đường thậm trí cả ngõ hẻm. Bất cứ lúc nào ngồi trên xe máy tham gia giao thông là bắt buộc đội mũ bảo hiểm. Vậy thì, ngoài tính năng bảo vệ an toàn cho người đi xe máy (điều này ai cũng thừa nhận rồi), mũ bảo hiểm cũng gây rất nhiều phiền toái cho người đi xe máy như vướng víu, lo trông giữ, rồi thẩm mỹ đối với những người có kiểu tóc model, rồi thời trang v.v... Rồi thật là bất tiện khi ra đường cứ phải khư khư cái mũ bảo hiểm, đi chợ có một trăm mét cũng mũ bảo hiểm, đi chơi dạo phố cũng mũ bảo hiểm, đi bơi, xem phim, đi vũ trưòng và nói chung là đi đâu bằng xe máy đều phải mang mũ bảo hiểm tuốt. Phiền toái như vậy thì hạn chế đi lại bằng xe máy là hơn.
Đã là luật pháp thì công bằng cho tất cả mọi người, vậy chẳng ai phản đối đi xe máy phải đội mũ bảo hiểm cả. Nếu thấy mũ bảo hiểm phiền toái thì không đi xe máy nữa, các phương tiện công cộng cũng rất sẵn sàng phục vụ cho việc đi lại. Như vậy, chỉ thật cần thiết người ta mới sử dụng xe máy và rất hạn chế cho việc đi lại “không cần thiết” bằng xe máy. Hơn nữa, thói quen một bước lên xe sẽ không còn. Lượng xe máy tham gia giao thông “không cần thiết”sẽ giảm đi đáng kể.
Để hỗ trợ cho việc giảm thiểu lượng xe máy tham gia giao thông “không cần thiết “ trên cần có thêm sự quản lý trật tự đường phố và những nơi công cộng. Vì sao số lượng xe máy tham gia giao thông nhiều như vậy? Như trên đã nói, vì đó là phương tiện cực kỳ TIỆN. Phần lớn ai cũng có thể lái xe máy mà không có sự giám sát về bằng lái và cũng không có ý thức về nó. Hơn nữa, xe máy có thể dựng ở bất cứ đâu (trừ một số tuyến phố cấm nhưng lại có tổ chức trông xe dưới lòng đường - thật là phi lý) nên nó đã tiện lại càng tiện. Dựng xe trên vỉa hè, khi nào cần đi đâu là có thể cưỡi xe phóng xuống lòng đường và đi, rồi lại dựng trên vỉa hè, thậm trí dưới lòng đường để ghé vào đâu đó. Thử tưởng tượng, nếu đi xe máy mà tiện như vậy thì ai chẳng đi. Vậy ta phải làm gì để giảm cái TIỆN đó đi? Quá dễ!
Không cho phép xe máy dựng bất cứ đâu nơi vỉa hè, lòng đường công cộng. Qui hoạch các bãi gửi xe máy tập trung ở những nơi qui định không thuộc nằm trên vỉa hè lòng phố.
Lúc này lượng xe máy trên đường phố còn nhiều nữa không nhỉ? Phố xá sẽ yên bình hơn, đường phố sẽ gọn gàng sạch đẹp hơn. Các phương tiện công cộng được thoả sức phát triển, xe đạp sẽ phát triển, ô nhiễm sẽ giảm, sẽ tiết kiệm được đáng kể lượng xăng dầu cho xe máy. Tai nạn sẽ giảm, có thể không còn nạn đua xe máy trái phép nữa vì đội mũ bảo hiểm sẽ mất đi cảm giác thật với tốc độ và tay đua không lộ mặt ra ngoài tỏ vẻ anh hùng cho những ngưòi cổ vũ nhìn theo. Và đương nhiên theo qui luật phát triển thì sẽ ít đi những phố Thị mà thay vào đó những trung tâm mua sắm với qui mô lớn và giao thông bằng các phương tiện công cộng. Văn minh đô thị là thế đấy.
Vu Ta Dat
[vutadat@vieta.com.vn]