Những suy nghĩ, giải pháp an toàn giao thông...

Thứ ba, 09/01/2007 00:00 GMT+7

 Rất nhiều người điều khiển phương tiện giao thông không hiểu hết luật tham gia giao thông, mà họ chủ yếu đi theo kinh nghiệm bản thân. Ví dụ như một số lái xe ô tô dùng đèn tín hiệu nhấp nháy (hazardous signals) ở các ngã ba...

"Tim Nguyen" <ngdtam@gmail.com>

Tôi có một vài suy nghĩ và nhận xét về giao thông ở Việt Nam, tôi xin trình bày ra đây để mong góp phần làm giảm tai nạn giao thông và cải thiện văn hóa giao thông ở Việt Nam. Để giảm thiểu tai nan giao thông ở Việt Nam, cần sự nỗ lực rất lớn từ phía người tham gia giao thông, nhà quản lý và các cơ quan ban ngành có liên quan.
 
  1. Người tham gia giao thông cố ý phạm luật hoặc không hiểu luật:
Không chấp hành luật giao thông, hoặc không hiểu hết luật giao thông là lỗi thường thấy của người tham gia giao thông tại Việt nam, sau đây là một vài ví dụ:
-          Không nhường đường đúng quy định: Các xe không nhường đường cho các phương tiện đi trên đường ưu tiên, và đi trên đường ngược chiều cũng như hướng xe ở các ngã ba, ngã tư. Vì vậy, hầu hết các ngã ba, ngã tư các phương tiện tham gia giao thông rất lộn xộn. Tai nạn giao thông xảy ra nhiều tại các vị trí này.
-          Xe cơ giới không nhường đường cho người đi bộ tại các điểm dành riêng cho người đi bộ.
-          Người đi bộ sang đường không đúng nơi qui định, hay lững thững qua đường, không coi trọng xe cơ giới đi trên đường.
-          Không rẽ đúng vị trí: Theo tôi thấy, hầu hết những người điều khiển xe cơ giới cho xe áp sát lề bên trái khi chưa đến điểm cua trái. Việc này hay gây tai nạn và ách tắc giao thông.
-          Không dừng lại trước biển đường ưu tiên, hay điểm dừng có biển STOP để quan sát xem có phương tiện đi trên đường chính không, mà hầu hết cứ cho xe chạy ra khiến người điều khiển phương tiện giao thông trên đường chính không kịp phản xạ.
-          Lái xe thông đồng để tránh cảnh sát giao thông để tránh bị phạt vì chạy quá tốc độ và chở quá tải.
-          Rất nhiều người điều khiển phương tiện giao thông không hiểu hết luật tham gia giao thông, mà họ chủ yếu đi theo kinh nghiệm bản thân. Ví dụ như một số lái xe ô tô dùng đèn tín hiệu nhấp nháy (hazardous signals) ở các ngã ba, ngã tư nên những người đi sau họ không biết những xe này định rẽ hay chạy thẳng theo hướng nào để tránh. Tôi có hỏi một người lái xe thì họ nói bật đèn đó để cho xe chạy thẳng. Thực tế thì xe chạy thẳng tại các điểm giao nhau này không cần bật tín hiệu đó. Còn tín hiệu này chỉ dùng trong các trường hợp khẩn cấp như sự cố xe...
-          Nhiều người không đi theo đúng dải phân cách, không chạy theo luồng, vạch phân đường mà chạy đè lên những vạch đó. Những vạch phân luồng hay đảo giao thông là nơi để các xe có thể chuyển hướng dễ dàng, vì vậy các xe đè lên vạch này cản trở các xe khác trong việc chuyển hướng.
-          Sử dụng đèn pha, cốt không đúng qui định. Hầu hết các xe ra đường đều để đèn pha, kể cả trong khu phố. Các ô tô đi ngược chiều có đổi đèn pha sang cốt, nhưng lại không làm thế với xe máy. Ngay cả tôi đi buổi tối bằng xe máy, nhiều khi không nhìn thấy rõ đường vì xe ô tô dùng đèn pha đi ngược chiều, nên việc xảy ra tai nạn là nguy cơ rất cao.
Để khắc phục tình trạng này, việc rà soát lại bằng lái xe và trình độ của lái xe là rất quan trọng. Có thể tổ chức cho tất cả những người đã có bằng lái xe phải tham gia lớp tập huấn nâng cao kiến thức lái xe. Có thể đưa chỉ tiêu về từng cơ quan, địa phương. Tất cả những ai có bằng đều phải bắt buộc tham dự đồng thời khuyến khích những người quan tâm đến dự. Nếu ai có bằng mà không tham dự khóa tập huấn này sẽ bị phạt nếu phát hiện ra. Hình thức phạt có thể là cảnh cáo lần một và lần hai là bấm lỗ bằng lái, không cấp lại bằng lái. Có thể tặng mũ bảo hiểm cho người tham dự lớp này (lấy tiền từ nguồn thuế phương tiện cơ giới và bằng lái xe).
  1. Một sốđiểm các nhà quản lý cần quan tâm.
-          Một số điểm trong luật giao thông nên sửa: Nhất là quy định về tốc chạy trên cùng đoạn đường, các loại phương tiện nên chạy cùng một tốc độ tối đa (Nhất là ô tô và xe máy), điều này nhằm hạn chế việc xe dung tích lớn luôn tìm cách vượt xe dung dích buồng đốt bé. Tôi thấy hầu hết các đoạn đường ở Việt Nam, xe con luôn tìm cách chạy vượt các xe khác, trong khi đó số lượng xe hai bánh nhiều gấp nhiều lần xe bốn bánh thì chỉ được phép chạy tốc độ thấp hơn các xe bốn bánh. Việc này khiến cho nhiều người điều khiển xe máy không theo tốc độ quy định. Việc cho phép tất cả các xe chạy cùng tốc độ tối đa trên một đoạn đường giúp người điều khiển phương tiện giao thông dễ nhớ hơn, đồng thời giúp các nhà quản lý giao thông dễ kiểm xoát tốc độ hơn. Các nước phát triển, họ đều áp dụng một tốc độ này, trừ các xe tải hạng nặng có một số hạn chế riêng. Nhà quản lý chỉ cần cắm thêm biển tốc độ tối đa cho phép trên các đoạn đường hoặc các đầu đường rẽ. Cũng liên quan đến tốc độ, nên có biển báo hiệu hạn chế tốc độ cho điều kiện thời tiết mưa lội, hoặc sương mù.
-          Lắp đặt thêm các biển báo, như biển hạn chế tốc độ tối đa gần các trường học trong ngày làm việc (ví dụ từ 7-17h), khu đông dân cư. Thêm các biển báo nhường đườngdừng lại (STOP) tại các nút giao nhau giữa đương ưu tiên và không ưu tiên. Có thể ghi thêm chữ trên các biển báo để người tham gia giao thông dễ hiểu.
-          Tất cả các khu dân cư, tốc độ tối đa mặc định là 40-50km/h, nơi nào muốn thay đổi tốc độ thì sẽ có biển phụ.
-         Nên dùng sơn phản quang để sơn vạch phân luồng đường, vạch cho người đi bộ, cột lộ giới, giúp người tham gia giao thông ban đêm quan sát tốt hơn. Mỗi bên đường nên để các tấm phản quang tròn nhỏ báo hiệu chiều đi xuôi và chiều đi đến của phương tiện giao thông. Ví dụ một bên chạy xuôi là phản quang màu vàng, chiều chạy ngược là phản quang màu đỏ. Nguồn ngân sách có thể lấy từ việc thu thuế của phương tiện giao thông cơ giới.
-         Nên đặt các gương phản chiếu và tốc độ tối đa khuyến cáo cho phép ở các đoạn đường vòng cua, đường xấu giúp người quan sát tốt hơn, giúp xe chạy trong tốc độ an toàn hơn khi cua.
-         Các đoạn đường cắt sang đường nên để vạch phân cách, phân luồng rõ ràng, hoặc mở rộng vị trí để xe chờ sang đường (tạođảo giao thông). Tôi thấy hầu hết các xe sang đường ở Việt nam đều không chờ đúng vị trí sang đường, không nhường đường cho người đi ngược chiều, đây là nguyên nhân hay xảy ra tai nạn tại các đường rẽ, ngã ba, ngã tư, đường giao nhau.
-         Nên có hộp thư hoặc đường dây nóng tố giác các phương tiện giao thông phạm luật, tổ chức, cá nhân vi phạm luật giao thông, kể cả các đơn vị thi công công trình giao thông, cảnh sát giao thông. Nếu có việc này, một ngày tôi có thể tố giác vài xe lắp còi sai vị trí, vì tôi bị họ còi vào tai nhiều lần, nhức tai lắm.
-         Nên phạt nặng các trường hợp vi pham giao thông. Mỗi lần vi phạm giao thông có thể bị trừ điểm, và có thể tịch thu bằng lái nếu lỗi nặng như say rượu bia hoặc đi qúa tốc độ cho phép theo tỷ lệ phần trăm. Ai không nhường đường cho người đi bộ tại nơi có đường cho người đi bộ sẽ bị bấm lỗ bằng và phạt thật nặng.
-         Nên đưa giáo dục luật giao thông vào trong nhà trường, từ cấp tiểu học đến đại học và coi đây là môn bắt buộc mọi người phải đạt mới được cấp bằng tốt nghiệp.
-         Mở chiến dịch lập lại kỷ cương an toàn giao thông, giảm tai nạn giao thông, tháng hoặc năm an toàn giao thông. Dùng các chương trình đa phương tiện để nâng cao trình độ giao thông cho mọi người. Nhiều người, cơ quan ban ngành có thể tham gia cùng một thời điểm.
-         áp dụng việc đội mũ bảo hiểm là bắt buộc với người ngồi trên xe máy trên mọi tuyến đường. Tạo một thói quen sử dụng mũ bảo hiểm mỗi khi đi xe máy. Cũng có thể áp dụng cả cho người đi xe đạp. Tôi nghĩ là khuyến khích những ai có bằng đi cập nhật luật giao thông sẽ được cấp một mũ bảo hiểm xe máy.
-         Khuyến khích dùng các loại áo sáng màu, phản quang khi tham gia giao thông trời tối bằng phương tiện xe hai bánh.
-         Nên quản lý bằng lái xe bằng hệ thống máy tính nối mạng, để cảnh sát giao thông có thể biết người có bằng lái này đã vi phạm luật giao thông bao nhiêu lần trong năm để có cách xử lý thích đáng.
-         Thời hạn bằng lái xe có giá trị cũng phải đóng tiền theo năm. Như kinh nghiệm bên Australia, khi muốn bằng có hiệu lực dài hơn thi phải đóng tiền, mỗi năm mất 30 đô la. Như vậy Việt nam cũng có thể áp dụng nhằm tăng ngân quỹ cho phát triển giao thông.
-         Biển số xe cũng được kiểm xoát bằng hệ thống máy tính nối mạng nhằm tăng phần trách nhiệm của người có xe cũng như người điều khiển chiếc xe đó. Biển số xe lưu giữ trong hệ thống nối mạng để người kiểm tra giao thông dễ kiểm soát. Xe máy và ô tô đều phải nộp thuế cầu đường và bảo hiểm cho người thứ ba để bồi thường cho người bị hại trong tai nạn giao thông. Việc nộp thuế này sẽ sử dụng vào việc duy trì bảo dưỡng đường bộ, sơn phản quang vạch kẻ đường.
-         Người sở hữu phương tiện giao thông cơ giới và bằng lái xe nên khai báo địa chỉ liên lạc tiện nhất, đồng thời mỗi khi thay đổi địa chỉ liên lạc thì phải khai báo lại bằng hình thức gọi điện hoặc vào mạng. Mỗi người có bằng và phương tiện cơ giới nên được cấp một mã số riêng để tiện liên lạc quản lý. Việc này sẽ giúp cho nhà quản lý tiện hơn trong việc quản lý phương tiện và bằng lái xe. Ai cung cấp sai thông tin sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
-         Cấm tuyệt đối việc kinh doanh buôn bán dưới lòng đường, vỉa hè. Việc làm này sẽ giúp cho đường thông hè thoáng. Nếu ai vi phạm sẽ tước giấy phép kinh doanh, phạt thật nặng và nghiêm khắc. Người dân có thể tố giác các cơ sở vi phạm này.
-         Trả lương cao cho cảnh sát giao thông, nhưng đuổi việc những cảnh sát nhận mãi lộ, đồng thời kỷ luật nghiêm khắc. Việc có hòm thư và đường dây nóng để tố cáo vi phạm sẽ giúp ích cho việc này.
-         Cho phép mở công ty tư nhân dạy lái xe, nhưng không được cấp bằng lái. Việc này tạo ra sự cạnh tranh giữa các trung tâm dạy lái. Nơi nào có chất lượng tốt thì dân mới học lái ở đó. Nên lêu tên người gây tai nạn và nơi đã đào tạo ra người gây tai nạn trên phương tiện truyền thông.
-         Quản lý hành chính yếu kém, mất thời gian công sức nhân dân. Nên cho phép người có bằng lái gia hạn ở bất cứđiểm cấp bằng nào gần nhất. Đơn cử như quản lý bằng lái xe, người đăng ký hộ khẩu ở đâu lại phải xin cấp bằng lại ở địa phương đó. Đây là việc nên thay đổi. Để thuận tiện, ai có nhu cầu đổi bằng lái thì chỉ cần đến điểm cấp bằng có đầy đủ chức năng thẩm quyền gần nhất để làm. Vừa đỡ tốn công sức và tiền bạc.
-         Thủ tục rườm rà, nên bỏ bớt thủ tục khám sức khỏe. Như việc xét nghiệm nghiện hay không, mù màu hay không mới cho phép lái xe. Tôi lấy ví dụ, khi bằng lái của tôi sắp hết hạn, tôi phải làm thủ tục xin gia hạn mới. Khi di khám sức khỏe, tôi phải chờ cả một buổi sáng vì thủ tục rườm rà. Nhất là việc xét nghiệm có nghiện hay không, rồi đến chuyện có mù màu hay không. Thực tế thì mù màu vẫn nhìn được màu xanh và đỏ nên vẫn thấy được đèn tín hiệu xanh đỏ. Còn việc có nghiện hay không thì nên để cảnh sát giao thông làm. Vì làm xét nghiệm này ở bệnh viện không những mất thời gian mà còn tạo cơ hội cho những người nghiện lách luật. Họ có thể dùng cách này cách khác để có chứng nhận đủ sức khỏe lái xe.
  1. Nhiệm vụ của các trung tâm đào tạo, cấp bằng lái xe.
-          Trung tâm đào tạo thì không cho phép cấp bằng lái xe, buộc thí sinh thi lái xe đến trung tâm sát hạch để thi. Ai đủ tiêu chuẩn thì mới cấp bằng. Còn để trung tâm lái xe tự tổ chức thi thì chất lượng chưa tốt, họ có thể chạy chọt bằng cách này cách kia cho được tấm bằng lái.
-          Đào tạo chưa đủ kỹ năng. Nhất là các thày dạy lái cũng còn vi phạm luật giao thông thì làm sao học trò có thể khá lên được. Tôi nghĩ đã làm mạnh thì các thày dạy lái, các thày coi thi phải là người thực hiện trước. Thêm vào chương trình dạy cách đỗ xe song song với đường (paranal parking), cách nhìn các điểm mù (blind spot) mà người lái xe không thể quan sát bằng gương, cách tính khoảng cách an toàn giữa các xe chạy trên đường.
-         Việc thi sát hạch lái ô tô, xe máy phải được thực hiện ở ngoài đường giao thông, không nên thi trong hình vì thi trong hình không đánh giá hết khả năng, trình độ của thí sinh. Việc cấp bằng cũng nên rút ngắn thời gian xuống, không nên bắt thí sinh phải chờ một tháng sau khi thi mới có bằng. Bằng lái xe nên in trên một tấm thẻ cứng để dễ bảo quản và cất giữ.
  1. Trung tâm đăng kiểm phương tiện giao thông cần làm chặt hơn.
-          Nên giám sát chặt các xe lắp đặt các cấu kiện không cho phép sử dụng trên xe đó. Nhất là việc sử dụng còi hơi bừa bãi, khiến nhiều người dân kêu ca. Tôi cũng giật mình nhiều lần vì tiếng còi hơi.
-          Tất cả các xe cơ giới đều phải đăng kiểm định kỳ mới được lưu hành. Kể cả xe máy, xích lô máy, xe gắn máy.
 
  1. Các công trình xây dựng cầu đường phải được giám sát chặt.
-          Lắp đặt rào chắn một số nơi chưa hợp lý. Ví dụ trên đường quốc lộ số 5, nhiều đoạn cắt ngang đường nhưng để cây mọc cao, rào chắn đường cao, khiến người điều khiển phương tiện giao thông không nhìn thấy xe chạy ngược chiều để sang đường cho hợp lý. Các nhà thiết kế nên tính toán vị trí cũng như kích thước đặt rào chắn ở các điểm giao cắt này.
-          Các biển báo nên đặt hợp lý hơn, ví dụ biển hạn chế tốc độ phải có biển báo chuẩn bị đến nơi hạn chế tốc độ để người điều khiển không phải phanh gấp.
-          Các công trình cầu đường thường thiếu ý thức hay để vật liệu vương vãi, không có biển báo hiệu chỗ nguy hiểm. Để đường đầy cát sỏi dễ bị ngã, trượt bánh. Giải pháp là các đơn vị thi công phải có trách nhiệm trong việc này, phải có đầy đủ cọc tiêu, biển báo. Làm đường thì phải có làn đường tạm riêng cho xe có thể đi được. Tôi đã chứng kiến có trường hợp lái xe đâm cả vào dải phân cách vì đường quá bụi do đang thi công dở.

Chúc các anh chị vui khỏe, chúc diễn đàn trở thành nơi hữu ích cho giảm thiểu tai nạn giao thông.

Kính thư

Nguyễn Đức Tâm

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)