Người gửi: Nguyễn Thanh Hoàng
Địa chỉ: SỞ GD-ĐT PHÚ YÊN
Một trận thiên tai cướp đi sinh mạng vài chục người đã làm mọi người rúng động, cảm thương những người xấu số, những gia cảnh thương tâm; xem một vụ đánh bom tự sát giết chết vài người cũng làm cho ta phẫn uất, xót xa những nạn nhân vô tội. Vậy mà, cứ trung bình mỗi ngày nước ta lại có trên 30 người chết và mỗi năm có từ 12.000 đến 13.000 người chết vì tai nạn giao thông (TNGT), thiệt hại lên đến hơn 800 triệu USD, chiếm đến 5,5% tổng thu ngân sách cả nước trong một năm. Thế nhưng, có lẽ những con số này lại chưa thật sự đủ gây sốc mọi người, hay làm mọi người rúng động?!. Nên chăng, phải nâng tầm mức TNGT là thảm hoạ của quốc gia!.
Trước đây, có người bảo do hệ thống đường xá nước ta yếu kém chính là một trong những nguyên nhân gây ra tai nạn giao thông. Song, một khi cơ sở hạ tầng được nâng cấp thì dường như số vụ TNGT lại không giảm mà còn gia tăng mạnh mẽ. Nhiều người vẫn xem việc bản thân bị TNGT là bởi “số trời”, “trời kêu ai nấy dạ”. Một tư tưởng cổ hũ cần được chấm dứt, xoá bỏ.
Ai cũng thừa nhận rằng, nguyên nhân tiên quyết của tình trạng TNGT ở nước ta không được cải thiện là mấy chính ở bởi ý thức của người dân nước ta khi tham gia giao thông. Dù chúng ta đã gia tăng các hình phạt người vi phạm luật ATGT, dù có nhiều bài báo đã chỉ ra ý thức yếu kém, cách hành xử văn hoá thấp khi tham gia giao thông của người dân; dù các cấp đẩy mạnh hình thức tuyên truyền nhưng xem ra TNGT vẫn không thuyên giảm.
Song, chúng ta chỉ mới nêu ra ý thức yếu kém của mọi người khi tham giao thông nhưng lại không có cách nào để nâng cao ý thức này.
Xem ra, bên cạnh việc gia tăng tính nghiêm minh của luật pháp trong việc xử lý các trường hợp vi phạm ATGT, kiểm tra chặt chẽ việc học và cấp phát văn bằng lái xe thì một điều hết sức quan trọng khác là chúng ta cũng cần phải nâng cao cách thức tuyên truyền. Chúng ta phải làm sao để mỗi vụ TNGT xảy ra thì mọi người cũng phải rúng động, xót xa, cảm thông như các tai nạn thiên tai, hiểm hoạ khác. Vì sao như vậy?. Vì các tai nạn kia, hệ thống thông tin và truyền thông nước ta chú trọng đúng mức cách tuyên truyền: Miêu tả cụ thể sự việc trước, đang diễn ra và cả những hậu quả để lại. Thế nhưng ở tuyên truyền luật ATGT, chúng ta chỉ mới dừng lại ở con số, những câu khẩu hiệu suông.
Nên chăng, đằng sau mỗi vụ TNGT, các phương tiện truyền thông cần đi sâu phân tích vì sao tai nạn đó lại xảy ra, những tốn kém để lại và những hoàn cảnh đáng thương xảy ra sau khi gia đình có người thân bị TNGT.
Bên cạnh đó, phải dùng hình ảnh trực quan thì xem ra mới có tác dụng gia tăng nhận thức của người tham gia giao thông. Dù những hình ảnh này đôi khi thật đáng thương, ghê sợ và khiếp đảm nhưng chúng ta cũng cần mạnh dạn công bố hàng ngày hoặc treo dán ở nhiều nơi với những câu đại loại: “Bạn muốn về nhà an toàn hay sẽ bị như thế này!. Đó là tuỳ thuộc vào ý thức tham gia giao thông của bạn”.
Trong mỗi biện pháp giảm thiểu TNGT, chúng ta cần phải thực hiện quyết liệt, đồng bộ thì xem ra mới góp phần ngăn chặn được thảm hoạ quốc gia đang từng ngày tái diễn, mới hầu mong đạt được mục tiêu Chính phủ đặt ra cho năm 2007 là phải kéo giảm 12% số người chết, mỗi năm sau đó giảm 10%.