Cùng hành động để đảm bảo an toàn giao thông

Thứ năm, 04/01/2007 00:00 GMT+7

Trước hết chúng ta phải thống nhất rằng: nhu cầu đi lại của người dân là rất lớn và chính đáng. Câu hỏi đặt ra là: con người đi lại để làm gì? Để làm việc, thăm thú gia đình, anh em, bạn bè; để mua sắm, đi chơi…Mà phương tiện đi lại thông thường và chiếm đa số hiện nay vẫn là chiếc xe máy....

Người gửi: Hà Huy Từ
E-mail: tuhahuy@yahoo.com
Ngày gửi: Thứ năm, 04/01/2007

Kính gửi: Diễn đàn hiến kế giảm thiểu tai nạn giao thông – Bộ giao thông vận tải 

Tôi là Hà Huy Từ, Luật Sư, Thường trực HĐQT hiện công tác tại:

Công ty Cp xây dựng số 4 Thăng Long (TCT xây dựng Thăng Long)

Đường Phạm văn Đồng - Từ Liêm – Hà nội

Email: tuhahuy@yahoo.com

Tôi rất tâm đắc khi diễn đàn đã đưa vấn đề được sự quan tâm rộng khắp của nhiều người để bàn bạc, thảo luận và lấy ý kiến công khai. Tôi xin tham gia một số ý kiến sau đây. Rất mong nhận được sự quan tâm, xem xét của Diễn đàn.

Cùng hành động để đảm bảo an toàn giao thông

Trước hết chúng ta phải thống nhất rằng: nhu cầu đi lại của người dân là rất lớn và chính đáng. Câu hỏi đặt ra là: con người đi lại để làm gì? Để làm việc, thăm thú gia đình, anh em, bạn bè; để mua sắm, đi chơi…Mà phương tiện đi lại thông thường và chiếm đa số hiện nay vẫn là chiếc xe máy. Do đó các giải pháp như: hạn chế đăng ký, sử dụng hoặc thay thế xe máy bằng phương tiện khác, theo Tôi là không có tính khả thi, ít nhất là trong thời điểm hiện nay và trong 5-10 năm tới.

Tuy nhiên nhu cầu đi lại của con người, nếu chúng ta biết cách điều tiết thì có thể hạn chế được một số lượng khá lớn người tham gia giao thông như: vì mục đích đi làm việc…(Tôi phân tích ở mục 3.1 sau đây)

Tôi nhận thấy an toàn giao thông là vấn đề của mọi người, mọi ngành, mọi tổ chức, tất cả đều phải chung tay gánh vác. Nhưng tuỳ theo khả năng, điều kiện, đặc thù nhiệm vụ được giao mà mỗi cá nhân, tổ chức có những cách thức thực hiện khác nhau. Trên cơ sở đó, Tôi tạm chia thành các nhóm đối tượng sau:

 I. Đối với người tham gia giao thông:

1.1. Đi đúng làn đường, phần đường, vạch đường quy định…luôn luôn có thói quen chấp hành, thực hiện đúng luật lệ giao thông.

1.2. Phải hình thành thói quen văn minh đô thi khi tham gia giao thông. Học cách chờ đợi (chờ đèn xanh), biết cách nhường đường, rẽ phải …đúng quy định.

 1.3. Bảo dưỡng định kỳ, “chăm chút” chiếc xe cẩn thận. Ta thử hình dung nếu như xe đang lưu thông trên đường mà hết xăng hoặc đột nhiên chết máy thì sẽ dẫn đến tình trạng gì?

II. Đối với các cấp chính quyền, các nhà hoạch định chính sách

 2.1. Xây dựng hệ thống giao thông công cộng dưới mặt đất và trên không. Hạn chế của giải pháp này là “tiêu tốn” ngân sách Nhà nước khá lớn và thời gian thi công khá dài.

2.2. Bố trí chuyển các trường Đại học, cao đẳng ra ngoài trung tâm thành phố. Như vậy một số lượng lớn sinh viên theo học tại các trường sẽ ít tham gia giao thông trong nội đô.

2.3. Xén bớt vỉa hè, tạo phần đường rộng hơn cho các phương tiện đi lại.

2.4. Nghiên cứu thay thế nhiên liệu động cơ của xe, máy đang sử dụng xăng, dầu bằng chất khác, nhằm giảm thiểu môi trường, nhưng vẫn đảm bảo an toàn, độ bền cho động cơ xe và hợp túi tiền cho người sử dụng.

2.5. Cải tạo, nâng cấp hệ thống thoát nước tại các đô thị. Như chúng ta đã biết ở các thành phố lớn như Hà nội hay TP. Hồ Chí Minh, có những trận mưa kéo dài đã dẫn đến tình trạng kẹt xe, ách tắc giao thông trong hàng giờ đồng hồ… và như vậy thì “Em ơi, Hà nội phố” sẽ thành Hà “lội” phố!!!

2.6. Thường xuyên tổ chức các chương trình tuyên truyền về an toàn giao thông là cách làm thiết thực nhưng phải thay đổi cách thức, nội dung tuyên truyền. Đưa cuộc vận động này vào các cấp chính quyền (hạt nhân là tổ dân phố, cụm dân cư) và các cơ quan, tổ chức đóng trên địa bàn. Phải đưa tiêu chí đảm bảo an toàn giao thông là một phần quan trọng để đánh giá công tác thi đua của tổ dân phố, của cơ quan, doanh nghiệp. Ví dụ : Phường A không thể đạt danh hiệu phường văn hoá nếu như người dân trong phương A đó gây tai nạn giao thông.

2.7. Các cơ quan hành chính, sự nghiệp bên cạnh việc thực hiện cải cách hành chính “1 cửa” cần phải đảm bảo chữ “tín”, nghĩa là đã hẹn người dân thì nên giải quyết đúng hẹn, không nên để người dân phải đi lại nhiều lần. Có như vậy thì mới giúp cho người dân giảm bớt việc đi lại. Nói rộng hơn, việc triển khai chương trình “Chính phủ điện tử”  là cách cực kỳ hữu hiệu. Với sự giúp đỡ của công nghệ thông tin như hiện nay, việc đi lại, tiếp xúc của người dân đối với các cơ quan hành chính sự nghiệp để giải quyết các công việc sự vụ càng ít, càng tốt.

III. Đối với các cơ quan, tổ chức

3.1. Hình thành thói quen làm việc khoa học, độc lập, không nhất thiết yêu cầu nhân viên cứ phải 5 hoặc 6 ngày/tuần phải đến cơ quan. Nên cho phép làm việc tại nhà: hình thức này nên áp dụng đối với những cá nhân làm công tác nghiên cứu khoa học hoặc đối với những người hưởng lương theo sản phẩm. Với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin hiện đại: mạng internet sử dụng đường truyền ADSL, công nghệ Wimax, điện thoại di động…thì cá nhân ở nhà làm việc có khi lại hiệu quả hơn ở cơ quan. Như vậy, các nhà tổ chức, nhà quản lý phải hình thành thói quen đánh giá, kiểm soát nhân viên làm việc theo khối lượng công việc được giao chứ không phải theo thời gian họ có mặt tại cơ quan.

IV. Đối với lực lượng  cảnh sát giao thông

4.1. Phải luôn luôn chốt trực tại các ngã 3, ngã 4. Tôi nhận thấy rằng: tại các “ngã” này nếu có cảnh sát giao thông thì người dân chấp hành luật giao thông rất tốt, nhưng nếu không thấy cảnh sát giao thông thì ai cũng phóng nhanh, vượt đèn đỏ như ai (lúc đó người dừng lại khi có tín hiệu đèn đỏ có khi lại bị xe sau đâm vào!!!)

4.2. Bên cạnh việc chốt trực cố định thì lực lượng cảnh sát giao thông cần phải “ứng cứu” kịp thời tại những nơi có hiện tượng ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông, Có những lúc đã tắc đường nhưng không có bóng dáng của các đồng chí cảnh sát giao thông nên người dân “tự phát” chen lấn nhau dẫn đến càng tắc đường thêm, làm ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng xấu mặt đường.

4.3. Phải áp dụng hình thức xử phạt thật nghiêm minh đối với các hành vi: lạng lách, đua xe trái phép hoặc tổ chức đua xe trái phép.

------------------------------------------------------------------------------------------ 

Người viết: Hà Huy Từ, Luật Sư, Thường trực HĐQT

Công ty Cp xây dựng số 4 Thăng Long (TCT xây dựng Thăng Long)

Đường Phạm văn Đồng - Từ Liêm – Hà nội

Email: tuhahuy@yahoo.com

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)