Vẫn thờ ơ trước nguy cơ tai nạn đường sắt

Thứ ba, 16/12/2014 15:44 GMT+7
Hầu hết những vụ va chạm với tàu hỏa là tai nạn nghiêm trọng. Thế nhưng trên địa bàn thành phố Hà Nội còn 500 đường ngang dân sinh không phép tồn tại, các vi phạm diễn ra phổ biến, trong khi an toàn giao thông đường sắt bị nhiều người dân và chính quyền thờ ơ.

Những tai nạn liên quan đến đường sắt đều rất thương tâm, hầu hết nạn nhân đều bị tử vong. Thế nhưng những hậu quả ấy dường như chưa đủ sức cảnh tỉnh người dân, để họ tự nâng cao ý thức bảo vệ mình và cộng đồng. Vi phạm an toàn giao thông đường sắt vẫn diễn ra phổ biến, mặc cho lực lượng chức năng thường xuyên ra quân kiểm tra, xử lý. Thống kê của Phòng Cảnh sát giao thông TP Hà Nội, từ cuối năm 2013 đến nay, có hơn một nghìn trường hợp vi phạm an toàn giao thông liên quan đường sắt bị xử lý; trong đó tạm giữ hàng chục phương tiện, tháo dỡ nhiều lều quán, biển quảng cáo, mái che, mái vẩy… tồn tại trong hành lang bảo vệ đường sắt. Cũng trong khoảng thời gian này, trên địa bàn thành phố xảy ra hơn 20 vụ tai nạn giao thông đường sắt, làm chết 22 người và nhiều người bị thương. Nguyên nhân tai nạn chủ yếu là do người tham gia giao thông không chấp hành nghiêm các quy định về an toàn, mất cảnh giác, không chú ý quan sát khi đi qua khu vực đường tàu.

Đi dọc các tuyến đường Lê Duẩn, Giải Phóng, nơi có tuyến đường sắt Hà Nội – TP Hồ Chí Minh chạy qua, sẽ thấy cảnh các cửa hàng kinh doanh bày bán hàng hóa, dựng xe đạp, xe máy trong hành lang an toàn giao thông, ngay sát đường tàu. Người mua kẻ bán, khuân vác hàng hóa đi lại và cả trẻ con chạy nhảy trên đường ray, rất mất cảnh giác và nguy hiểm. Không những vậy, nhiều hộ còn tự ý mở đường ngang đi qua đường tàu để tiện cho việc buôn bán… Tình trạng này đã diễn ra từ nhiều năm nay, chính quyền địa phương cùng lực lượng chức năng đã nhiều lần ra quân chấn chỉnh, xử phạt vi phạm nhưng rồi đâu vẫn vào đấy. Tại khu vực có đường tàu đi qua địa bàn phường Cổ Nhuế (quận Bắc Từ Liêm), thường xuyên diễn ra tình trạng “chợ cóc” hoạt động ngay sát đường tàu. Kẻ chào hàng, người chọn hàng, trả giá say sưa, ồn ào, dường như không bận tâm tới việc tàu có thể chạy qua bất cứ lúc nào.

Đường ngang dân sinh không có ba-ri-e trên phố Lê Duẩn

Ven đoạn đường sắt đi qua thôn Tứ Kỳ, phường Hoàng Liệt (Hoàng Mai), vài ba năm trở lại đây xuất hiện hàng loạt ki-ốt buôn bán cọc tre xây dựng, sắt thép, giày dép, thu gom sắt vụn, ga-ra sửa ô-tô… Cũng tại khu vực này có hai đoạn rào chắn bảo vệ hành lang an toàn đường sắt bị tháo dỡ trái phép để làm đường vào các ki-ốt, ga-ra nói trên. Người dân phớt lờ những nguy hiểm luôn rình rập ở những lối đi ngang qua đường sắt không có hệ thống cảnh báo này... Rất nhiều địa bàn khác có đường sắt đi qua có tình trạng tương tự. Theo cơ quan chức năng, ngoài tuyến đường sắt Hà Nội-TP Hồ Chí Minh đi qua các quận Ba Đình, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Thanh Trì luôn “nóng” các vi phạm, thì tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng đi qua địa bàn quận Long Biên và huyện Gia Lâm cũng tồn tại nhiều vi phạm và nguy cơ tai nạn rất cao.

Trong số các tai nạn liên quan đến đường sắt, xảy ra nhiều nhất và mức độ nghiêm trọng nhất là tình huống khi phương tiện lưu thông ở đường ngang qua đường sắt. Hiện, chỉ những khu vực có ba-ri-e và người cảnh giới là bảo đảm an toàn, trừ một số người cố tình gây ra nguy hiểm như ba-ri-e đã hạ thanh chắn mà vẫn chui qua để vượt sang đường. Tại các đường ngang chỉ có đèn và chuông cảnh báo, rất nhiều người chủ quan, nôn nóng vượt qua đường sắt khi tín hiệu đã báo. Không ít tai nạn đã xảy ra khi phương tiện bất ngờ gặp sự cố, không thể di chuyển. Cũng đã có tình trạng chuông và đèn báo trục trặc, báo sai hoặc không thông báo kịp thời khi có tàu đến. Nhưng cần phải quan tâm và có biện pháp kiên quyết hơn cả là tình trạng tồn tại, phát sinh nhiều đường ngang do người dân tự mở trái phép. Phòng Cảnh sát giao thông thành phố cho biết, trên địa bàn thành phố có hơn 680 đường ngang qua đường sắt, thì trong đó có tới hơn 500 đường là trái phép, không bảo đảm các tiêu chuẩn quy định về an toàn như: Không có thiết bị cảnh báo; đường hẹp, độ dốc cao và gồ ghề, phương tiện đi lại khó khăn; tầm quan sát bị hạn chế, không có chiếu sáng hoặc không đủ ánh sáng lúc đêm tối… Tai nạn từ đó mà ra.
Vì vậy, bảo đảm an toàn ở đường ngang qua đường sắt và xử lý tình trạng đường ngang trái phép là vấn đề cần có sự vào cuộc quyết liệt hơn. Ở đây, ngoài nguyên nhân do ý thức của một bộ phận người dân, còn do chính quyền địa phương ở nhiều nơi vẫn thơ ơ, thiếu trách nhiệm, chưa tích cực phối hợp với cơ quan chức năng trong việc kiểm soát tình hình địa bàn để giải quyết kịp thời khi các thiết bị cảnh báo hỏng hóc, trục trặc. Sự buông lỏng của chính quyền lại càng tác động tiêu cực tới ý thức của người dân. Bởi thế mới có tình trạng, rất nhiều đường ngang không phép sau khi được bịt, lại bị một số người dân phá ra.

Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội Nguyễn Xuân Tân cho biết, Sở đã tiến hành khảo sát địa bàn và chọn 60 điểm đường ngang không phép nhưng có lưu lượng người qua lại cao và phù hợp với nhu cầu của địa phương, để bố trí người cảnh giới. Sở đang xây dựng các phương án, kế hoạch cụ thể như bố trí thời gian ca trực, phương thức cảnh giới, cảnh báo, duy tu vuốt nắn chỉnh độ dốc nhằm nâng cấp đường ngang… Đối với các đường ngang trái phép còn lại, Sở yêu cầu chính quyền địa phương phối hợp chặt chẽ để kiểm soát và xử lý vi phạm. Mong rằng, ngoài biện pháp tuyên truyền, vấn đề an toàn giao thông đường sắt trên địa bàn Hà Nội được các cấp, ngành quan tâm và có biện pháp quyết liệt hơn.

 

Nguồn: nhandan.org.vn

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)