Tuyên truyền cổ động đảm bảo ATGT tại Bắc Kạn
Nếu như năm 2014, tình hình tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh giảm cả 3 tiêu chí, thì năm 2015 Bắc Kạn lại là một trong 5 tỉnh có số người chết vì tai nạn giao thông tăng trên 20%. Cụ thể, trong 9 tháng đầu năm toàn tỉnh đã xảy ra 43 vụ tai nạn giao thông, làm chết 23 người, làm bị thương 51 người; so với cùng kỳ năm 2014, số vụ tai nạn giao thông bằng nhau (43/43 vụ), số người bị thương giảm 5 người, nhưng số người chết lại tăng 10 người.
Đặc biệt, vấn đề cần quan tâm là số người chết ở độ tuổi từ 18 đến 55 tuổi chiếm đa số, mà nguyên nhân có lỗi cả chủ quan người điều khiển nhưng có nhiều trường hợp do sự thiếu ý thức của lái xe dẫn đến tai nạn. Điều đáng nói là số người chết ở nhóm tuổi này lại lực lượng lao động chính, vì vậy, kéo theo những hệ lụy nặng nề cho gia đình và toàn xã hội.
Theo đánh giá của các ngành chức năng, nguyên nhân của các vụ tai nạn giao thông phổ biến và trực tiếp là so ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông còn nhiều hạn chế. Tai nạn giao thông thường tập trung trên quốc lộ và các tuyến có mật độ giao thông cao, khu đông dân cư. Các vi phạm dẫn đến tai nạn giao thông chủ yếu là: Lấn chiếm, đi không đúng phần đường quy định, tránh vượt sai quy định, không chú ý quan sát...
Trong 9 tháng đầu năm, qua tuần tra, kiểm soát, lực lượng cảnh sát giao thông đã phát hiện 13.431 trường hợp vi phạm, xử phạt hành chính trên 6 tỷ đồng. Đặc biệt, qua kết quả xử lý nồng độ cồn 104 trường hợp vi phạm, phát hiện 04 trường hợp lái xe ô tô tải vi phạm. Đối với kế hoạch tuyên truyền, tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm về đội mũ bảo hiểm cho trẻ em, kiểm tra nhắc nhở 45 trường hợp, phát hiện và xử lý 103 trường hợp, tạm giữ 8 xe đạp điện vi phạm Luật Giao thông đường bộ.
Thực tế, tình trạng vi phạm các quy định về bảo đảm an toàn giao thông diễn ra khá phổ biến ở người đi bộ, người điều khiển phương tiện mô tô, ô tô ở bất cứ nơi đâu và bất kỳ đối tượng nào: trẻ em, người lớn, học sinh sinh viên, công chức nhà nước, khu vực thành thị cũng như nông thôn. Dễ dàng bắt gặp trên các tuyến đường giao thông nông thôn, nhiều người điều khiển xe máy không chấp hành việc đội mũ bảo hiểm, chở quá số người quy định, phóng nhanh vượt ẩu... Trên đường thủy còn tồn tại tình trạng phương tiện không đăng kiểm, không đảm bảo an toàn kỹ thuật, nhiều người điều khiển phương tiện không bằng lái, không chứng chỉ chuyên môn… Mặc dù hoạt động giao thông đường thủy của tỉnh trong 9 tháng qua không xảy ra tai nạn nhưng với tình trạng “bốn không” như vậy thì chẳng ai dám chắc giao thông đường thủy sẽ được đảm bảo an toàn.
Để giải quyết tận gốc của vấn đề và đẩy lùi tai nạn giao thông cần nhiều giải pháp đồng bộ, song trước hết, về mặt chủ quan việc cần thiết là phải thay đổi nhận thức, tâm lý, hành vi của người tham gia giao thông. Giải pháp đầu tiên được đặt ra là việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trật tự an toàn giao thông. Đây được xác định là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành từ Trung ương đến cơ sở.
Theo ông Hà Sỹ Báo– Chánh Văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh Bắc Kạn, công tác tuyên truyền về bảo đảm trật tự an toàn giao thông tiếp tục được đẩy mạnh, tập trung vào các nội dung như: Chấp hành quy tắc giao thông, thực hiện nghiêm quy định về nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ, đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe gắn máy, mặc áo phao khi đi thuyền…
Tuy nhiên, khó khăn nhất hiện nay là kinh phí còn hạn hẹp nên chủ yếu tuyên truyền bằng hình thức truyền thông trực tiếp, hoặc lồng ghép với các chương trình khác, thời lượng tuyên truyền ít nên hiệu quả chưa cao, chưa sâu rộng tới các tầng lớp dân cư. Trong thời gian tới, Ban An toàn giao thông tỉnh tiếp tục đôn đốc, chỉ đạo, phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội và Ban An toàn giao thông các huyện, thành phố đẩy mạnh tuyên truyền về bảo đảm trật tự an toàn giao thông.
Trước tình hình trật tự an toàn giao thông vẫn diễn biến khá phức tạp, UBND tỉnh cũng như Ban An toàn giao thông tỉnh Bắc Kạn đã có nhiều văn bản chỉ đạo các đơn vị chức năng, chính quyền các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo đảm an toàn giao thông đến người dân. Đồng thời, tăng cường các giải pháp, biện pháp quyết liệt như: Lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, siết chặt quản lý hoạt động vận tải theo các kế hoạch chuyên đề, xử lý nghiêm những lỗi vi phạm là nguyên nhân gây ra tai nạn giao thông. Huy động sự vào cuộc của các Hội, đoàn thể tham gia tích cực trong việc tuyên truyền đến người dân ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa góp phần kiềm chế tai nạn giao thông trên địa bàn… Để tai nạn giao thông không tiếp tục gia tăng rất cần sự chung tay của cả hệ thống chính trị, các cấp, ngành, đoàn thể và nhất là sự vào cuộc tích cực mỗi người dân khi tham gia giao thông./.