Trong những đầu năm mới Bính Thân, các phương tiện thông tin đại chúng liên tục đưa tin về những hậu quả tiêu cực của việc sử dụng rượu bia: Những vụ ngộ độc rượu gây chết người, những vụ án hình sự thương tâm vì say rượu và đáng sợ hơn cả là con số người chết và bị thương trong các vụ tai nạn giao thông có nguyên nhân từ rượu bia ngày một gia tăng.
Theo con số thống kê của Ủy ban ATGT quốc gia, trong 6 ngày nghỉ Tết từ 7 đến 12/2 (tức ngày 29 đến ngày mùng 5 Tết Nguyên đán Bính Thân 2016), cả nước xảy ra 253 vụ tai nạn giao thông, làm 160 người chết và 248 người bị thương.
Hiện trường vụ tai nạn tại Chương Mỹ, Hà Nội vào ngày 9/2 (mùng 2 Tết Bính Thân).
Còn trên địa bàn Hà Nội, theo con số thống kê của của Phòng CSGT TP, trong 9 ngày nghỉ Tết Bính Thân (từ 6/2-14/2) trên địa bàn đã xảy ra 9 vụ TNGT làm 11 người chết, 8 người bị thương. Trong đó, ngày 9/2 (tức mùng 2 Tết) đã xảy ra vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng một xe tải mất lái làm 4 người chết, 3 người bị thương, lái xe tải trong vụ tai nạn này đã được xác định có uống rượu.
Mặc dù là chuyện biết rồi, tuy nhiên tình trạng uống rượu bia say điều khiển phương tiện vẫn diễn ra, gây nhiều vụ tai nạn thương tâm, kiến nhiều người mất mạng, hay bị thương tật suốt đời, phải đón Xuân, đón Tết trong bệnh viện. Có quá nhiều bài học đắt giá từ việc uống rượu bia dịp tết, gây ra tai nạn thương tâm, nhưng những ngày Tết đến Xuân về, người ta vẫn tìm đủ lý do để tổ chức các cuộc rượu tới "bến".
Trong các cuộc rượu đó, họ tìm ra hàng trăm nghìn nguyên nhân để uống: Đúng uống, sai uống, thưởng cũng cạn, mà phạt thì cũng cạn ly 100%... Tâm lý cả nể, ham vui khiến không ít người khi tỉnh dậy mới thấy mình ... đang trong bệnh viện, mới cảm nhận được hậu quả ghê gớm do rượu bia gây ra.
Những câu chuyện đau lòng như vậy xảy ra quá nhiều và hàng ngày trong cuộc sống của chúng ta, ở khắp các tỉnh thành. Thế nhưng cũng không thấm tháp vào đâu khi nhìn vào con số thống kê tai nạn giao thông hàng ngày do rượu bia quá đà vẫn điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Ở những bệnh viện tuyến đầu như Bạch Mai, Việt Đức,... hàng ngày các bác sĩ, y tá ở đây phải tiếp nhận, điều trị và chứng kiến hàng trăm trường hợp chấn thương sọ não, gãy chân, gãy tay, tử vong do tai nạn giao thông sau khi uống rượu bia.
Thiết nghĩ, vẫn là câu chuyện “biết rồi, nói mãi”, nhưng dù có nói thêm nữa cũng sẽ không thừa. Và những con số trên lại thêm một lần cảnh báo tới người dân về mức độ nguy hiểm của bia, rượu cùng những hệ lụy do bia, rượu gây ra. Đã đến lúc mỗi người trong chúng ta phải tự ý thức để bảo vệ chính mình và những người thân ngay từ hành vi sử dụng rượu, bia. Uống rượu, bia có chừng mực để không làm mất tự chủ.
Vẫn biết, ngăn chặn việc uống rượu bia, nhất là trong dịp Tết rất khó, nhưng để đảm bảo tính mạng cho mình và cho người khác, mỗi người dân cần nâng cao ý thức tự giác chấp hành luật pháp khi tham gia giao thông; mỗi cơ quan, tổ chức và mỗi gia đình cần nhắc nhở đối với nhân viên và người thân chấp hành nghiêm Luật Giao thông đường bộ. Đặc biệt, đối với người đã uống rượu, bia thì không tham gia giao thông để tránh hậu quả cho gia đình, bản thân và xã hội, nhất là dịp Tết đến Xuân về.