Bên cạnh tính hiệu quả và thuận lợi của loại hình vận chuyển này, xe buýt cũng gây ra nhiều bức xúc cho người tham gia giao thông. Đó là tình trạng nhiều xe cũ nát xấu xí, xe chạy không đúng hành trình, đón trả khách không đúng nơi quy định, phóng nhanh vượt ẩu, rú còi inh ỏi, chèn ép các xe nhỏ hơn và người đi đường và là một trong những loại phương tiện thường gây ra tai nạn giao thông. Vụ tai nạn giao thông mới đây vào ngày 15/1/2016 khi xe buýt BS: 86B - 004.88 thuộc HTX vận tải ô tô Phan Thiết - chi nhánh Hàm Thuận Bắc do dừng đỗ bất ngờ, không đúng quy định (tại địa bàn Hàm Đức) làm xe máy phía sau tông vào đuôi xe, khiến 2 thanh niên chết tại chỗ là một bằng chứng cho tình trạng mất an toàn do xe buýt gây ra. Nhiều người coi xe buýt là hung thần đường phố, luôn cảm thấy bất an và sợ hãi.
Nguyên nhân của tình trạng trên trước hết là ý thức của người điều khiển phương tiện kém, nhưng cũng có những nguyên nhân khác như xe quá cũ nát hư hỏng, áp lực về thời gian từ đơn vị quản lý, áp lực từ giao thông hỗn loạn trên đường, ý thức của người đi xe máy và cả hành khách…
Để xe buýt không còn là hung thần của đường phố, trách nhiệm trước hết là các đơn vị kinh doanh vận tải bằng loại hình này. Các đơn vị quản lý phải thực hiện việc nâng cao chất lượng phương tiện, chất lượng phục vụ trên xe buýt; thường xuyên kiểm tra chất lượng trang thiết bị trên xe như thiết bị giám sát hành trình, đèn, còi, tình trạng kỹ thuật của xe hàng ngày trước khi hoạt động. Chấp hành đầy đủ, nghiêm túc các quy định pháp luật về kinh doanh vận tải bằng xe buýt; giáo dục đạo đức nghề nghiệp cho lái xe và nhân viên phục vụ, yêu cầu phải chấp hành các quy định của pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông và làm cam kết không vi phạm các quy định về hoạt động xe buýt, đón trả khách đúng nơi quy định, điều khiển xe chạy đúng hành trình, đồng thời quy định rõ các hình thức cụ thể của đơn vị đối với lái xe khi vi phạm trật tự an toàn giao thông.
Bộ phận theo dõi an toàn giao thông của các đơn vị quản lý phải thường xuyên theo dõi hoạt động của xe buýt thông qua thiết bị giám sát hành trình, tập trung theo dõi về thực hiện hành trình, tốc độ, việc dừng, đóng, mở cửa xe. Thực hiện việc đình chỉ ngay các xe có thiết bị hành trình không hoạt động, đồng thời chủ động xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, sa thải ngay các lái xe, nhân viên phục vụ do lỗi chủ quan để xảy ra tai nạn chết người.
Cùng với việc nâng cao trách nhiệm của các đơn vị quản lý kinh doanh vận tải, ngành giao thông vận tải tỉnh cần tăng cường chỉ đạo nâng cao trách nhiệm của các bộ phận chuyên môn như Phòng Quản lý vận tải - phương tiện và người lái, Thanh tra giao thông trong việc phân công cán bộ thường xuyên theo dõi hoạt động của các tuyến xe buýt thông qua thiết bị giám sát hành trình; tăng cường phối hợp thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm liên quan đến xe buýt; kiên quyết đình chỉ hoạt động các trường hợp xe buýt vi phạm theo quy định của pháp luật.
Các phương tiện thông tin đại chúng, người tham gia giao thông cần lên án, tẩy chay các hành vi vi phạm pháp luật về an toàn giao thông của lái xe và nhân viên phục vụ trên xe buýt; kịp thời thông báo với cơ quan chức năng để xử lý nghiêm các vi phạm, nhằm từng bước đưa hoạt động kinh doanh xe buýt đi vào trật tự, văn minh, thân thiện.