TP Đà Nẵng: Đồng bộ các giải pháp bảo đảm ATGT

Thứ năm, 17/03/2016 08:56 GMT+7

Trước những nguy cơ gây mất an toàn giao thông xuất hiện sau dịp Tết Nguyên đán Bính Thân 2016 tại TP Đà Nẵng, các cơ quan chức năng của thành phố đã nhanh chóng triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt bảo đảm an toàn giao thông, góp phần giữ vững hình ảnh "thành phố đáng sống"...

“Tính mạng con người là trên hết”

Theo số liệu của Phòng Cảnh sát giao thông TP Đà Nẵng: Từ ngày 16/11/2015 đến ngày 8/3/2016, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 28 vụ tai nạn giao thông, làm chết 20 người, bị thương 18 người, so với cùng kỳ năm ngoái giảm 6 vụ, giảm 5 người chết, giảm 7 người bị thương. Đặc biệt, trong 9 ngày nghỉ Tết Bính Thân 2016 vừa qua, Đà Nẵng nổi lên là một điểm sáng bảo đảm an toàn giao thông khi chỉ xảy ra 1 vụ tai nạn làm 1 người bị thương. Nhưng riêng tai nạn giao thông liên quan đến xe tải tự đổ (còn gọi là xe ben) đột ngột tăng cao với 4 vụ, làm chết 4 người, làm bị thương 1 người.

Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp nên tình hình trật tự ATGT tại TP Đà Nẵng vẫn được bảo đảm tốt. (Ảnh chụp chiều 15-3 tại nút   giao đường Nguyễn Văn Linh, 2-9, Bạch Đằng hướng đi cầu Rồng).

Các xe ben, xe tải đã tuân thủ quy định bảo đảm an toàn giao thông
khi lưu thông qua nút giao đường Cách mạng Tháng Tám - Nguyễn Hữu Thọ.

Do nhu cầu chuyên chở đất đá san lấp công trình, mỗi ngày có đến gần 500 lượt xe ben hoạt động trên tuyến đường Trường Sơn, Cách mạng Tháng Tám, đường dẫn vào mỏ đất đá Phước Thuận (xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang). Những đoàn xe ben chở đất đá vừa không được che chắn cẩn thận làm ô nhiễm môi trường, vừa chạy với tốc độ cao, chạy ẩu, trở thành những “hung thần” đường phố làm khiếp sợ những người tham gia giao thông.  

Trước những vụ tai nạn liên tiếp do xe ben gây ra, đồng chí Nguyễn Xuân Anh, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, đã chỉ đạo UBND TP Đà Nẵng họp khẩn để chấn chỉnh trật tự an toàn giao thông đối với hoạt động của các phương tiện giao thông trên địa bàn, nhất là với xe ben, xe tải. Sau cuộc họp khẩn của UBND TP Đà Nẵng, một loạt những giải pháp đồng bộ đã được các cơ quan chức năng TP Đà Nẵng thực hiện: Tổ chức cắm các biển quy định tốc độ tối đa 40km/giờ đối với xe tải, khoảng cách giữa các xe tại những nơi dễ xảy ra tai nạn; lực lượng Cảnh sát giao thông phối hợp với Sở Giao thông vận tải tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm 615 xe ben, 305 xe tải đầu kéo, 2.387 xe tải khác vi phạm về tốc độ, tải trọng, vượt đèn đỏ...; tăng cường trách nhiệm giữa tài xế xe ben, xe tải và các doanh nghiệp kinh doanh vận tải...

Chúng tôi đã có mặt trên những tuyến đường có xe ben, xe tải hoạt động thường xuyên và bước đầu ghi nhận các lái xe đã tuân thủ quy định về an toàn giao thông dưới sự giám sát chặt chẽ của các cơ quan chức năng. Để trả lại sự bình yên cho những con đường, Đà Nẵng đã thực hiện quyết liệt nhiều giải pháp, thậm chí có những giải pháp “xé rào” như cắm biển quy định tốc độ tối đa 40 km/giờ đối với xe tải. Ông Nguyễn Hữu Cường, Chánh văn phòng Ban An toàn giao thông TP Đà Nẵng, cho rằng: “Từ lãnh đạo thành phố cho đến các lực lượng thực thi công vụ trong lĩnh vực giao thông tại Đà Nẵng đều có chung quan điểm là đặt tính mạng con người lên trên hết. Khi thực tiễn đòi hỏi phải bảo vệ tính mạng người tham gia giao thông trước những đoàn xe ben, chúng tôi phải có giải pháp nhanh chóng, mang tính đặc thù là đặt biển báo hạn chế tốc độ. Về cơ bản, lãnh đạo Tổng cục Đường bộ (Bộ Giao thông vận tải) đồng ý với cách làm của Đà Nẵng”. Thực tế chứng minh, việc làm đi trước của Đà Nẵng phù hợp với tinh thần công điện của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia mới đây về việc tăng cường thực hiện các giải pháp cấp bách nhằm ngăn ngừa tai nạn giao thông do xe ô tô tải gây ra; trong đó đề nghị các địa phương ban hành quy định về lộ trình, thời gian hoạt động, vận tốc tối đa của các loại xe ô tô tải...

Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp nên tình hình trật tự ATGT tại TP Đà Nẵng vẫn được bảo đảm tốt. (Ảnh chụp chiều 15-3 tại nút   giao đường Nguyễn Văn Linh, 2-9, Bạch Đằng hướng đi cầu Rồng).

Cảnh sát giao thông Công an TP Đà Nẵng “phạt nguội” ô tô đỗ sai quy định tại đường Bạch Đằng.

Ông Nguyễn Hữu Cường cũng nhấn mạnh: "Tình hình an toàn giao thông tại Đà Nẵng đã ổn định trở lại, song không vì thế mà chủ quan, cần phải tiếp tục duy trì các giải pháp đồng bộ để giảm cả 3 tiêu chí trong năm 2016, nhất là không để số người chết vì tai nạn giao thông vượt qua con số 100 người/năm".

Góp phần giữ vững hình ảnh "thành phố đáng sống"

Tính đến hết năm 2015, lượng phương tiện ô tô và mô tô đang quản lý tại Đà Nẵng đang dần tiệm cận con số 1 triệu xe, trong đó gần 90% là xe mô tô. Đó là những con số báo hiệu những con đường rộng rãi, thông thoáng mà Đà Nẵng tự hào lâu nay sẽ dần dần trở nên đông đúc, chật chội bởi lượng phương tiện cơ giới đường bộ lưu thông.

Trước quy luật tất yếu kinh tế - xã hội ngày càng phát triển sẽ khiến tình hình an toàn giao thông trở nên phức tạp, Đà Nẵng chủ trương bảo đảm an toàn giao thông bằng việc kết hợp những giải pháp đã phát huy hiệu quả trong thời gian qua với những giải pháp mới mẻ, trên tinh thần việc làm nào có lợi cho người dân, cho bảo đảm trật tự an toàn giao thông, cho sự phát triển chung của thành phố thì bằng mọi giá phải thực hiện. Chẳng hạn, trước những bức xúc của người dân về nút giao đường Cách mạng Tháng Tám - Nguyễn Hữu Thọ (hướng ra cầu Nguyễn Tri Phương) lưu lượng phương tiện giao thông quá lớn, liên tiếp xảy ra tai nạn giao thông chết người, cơ quan chức năng của thành phố đã tiến hành xóa bỏ bùng binh, tiến tới lập các cột đèn tín hiệu giao thông. Một số giải pháp khác cũng đã và sẽ được thành phố triển khai: Thí điểm đỗ xe ô tô ngày chẵn, lẻ cho một số tuyến đường, lắp camera giám sát giao thông và an ninh, tăng thêm các tuyến đường lưu thông một chiều...

Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp nên tình hình trật tự ATGT tại TP Đà Nẵng vẫn được bảo đảm tốt. (Ảnh chụp chiều 15-3 tại nút   giao đường Nguyễn Văn Linh, 2-9, Bạch Đằng hướng đi cầu Rồng).

Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp nên tình hình trật tự ATGT
tại TP Đà Nẵng vẫn được bảo đảm tốt. (Ảnh chụp chiều 15/3 tại nút
giao đường Nguyễn Văn Linh, 2/9, Bạch Đằng hướng đi cầu Rồng).

Trước mắt, để phục vụ cho các hoạt động trong dịp nghỉ lễ 30/4, 1/5 và mùa du lịch năm 2016, Cảnh sát giao thông TP Đà Nẵng sẽ tăng cường phối hợp với lực lượng quân đội, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ tham gia điều khiển, hướng dẫn giao thông tại những tuyến đường trọng yếu hay ùn tắc cục bộ giờ cao điểm; đẩy mạnh và đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông...

Đại tá Lê Ngọc, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông Công an TP Đà Nẵng, cho biết: “Bên cạnh việc kiên quyết lập biên bản xử phạt những trường hợp cố tình vi phạm Luật Giao thông đường bộ, Cảnh sát giao thông TP Đà Nẵng cũng sẽ tiến hành tuyên truyền, nhắc nhở để những người điều khiển phương tiện giao thông, nhất là người từ ngoại tỉnh đến, có ý thức chấp hành đúng các quy định của pháp luật. Kết hợp cả hai biện pháp nói trên, với nhân lực và phương tiện được thành phố ưu tiên đầu tư, chúng tôi tin tưởng tình hình trật tự an toàn giao thông tại Đà Nẵng sẽ được bảo đảm tốt, giúp người dân và du khách thuận lợi, bình yên tham gia giao thông trong các ngày nghỉ lễ và trong suốt mùa du lịch năm nay”.

Hiện nay, để phục vụ cho các sự kiện quan trọng là Đại hội Thể thao Bãi biển châu Á 2016 và Tuần lễ cấp cao APEC 2017 sẽ diễn ra tại Đà Nẵng, nhiều công trình giao thông trọng điểm đang được gấp rút hoàn thành như: Nhà ga hành khách quốc tế (Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng) với tổng trị giá 3.504 tỷ đồng; cải tạo, chỉnh trang 21 tuyến đường huyết mạch với tổng kinh phí dự kiến khoảng 212,8 tỷ đồng; tiến hành xây dựng hầm chui nằm trên đường Trần Phú, tại điểm giao cắt với đường Lê Duẩn dẫn lên cầu sông Hàn với tổng mức đầu tư 140 tỷ đồng... Những công trình phục vụ giao thông có kinh phí đầu tư lớn được kỳ vọng tiếp tục hoàn thiện hạ tầng giao thông, tạo điểm nhấn cho cảnh quan, góp phần giúp TP Đà Nẵng giữ vững hình ảnh "thành phố đáng sống".

Nguồn: Báo Quân đội nhân dân

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)