Hà Nội: Phương tiện tăng nhanh, ý thức kém, ùn tắc còn kéo dài ở Thủ đô

Thứ năm, 24/03/2016 08:15 GMT+7

Áp lực gia tăng phương tiện, dân số khu vực trung tâm thành phố Hà Nội đang đè nặng lên hạ tầng giao thông. Ùn tắc sẽ còn phức tạp và ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân nếu như ý thức tham gia giao thông không cải thiện.

Hành vi tham gia giao thông không cải thiện thì ùn tắc sẽ mãi là vấn đề nan giải

Xóa điểm đen này phát sinh điểm khác

Sở GTVT Hà Nội cho biết, tính đến cuối năm 2015 trên địa bàn TP còn tồn tại 44 điểm đen gây ùn tắc giao thông, tuy nhiên, những tháng đầu năm 2016, một số công trình giao thông hoàn thiện, đi vào hoạt động đã giúp giảm 6/44 điểm đen ùn tắc như: nút giao hầm chui Thanh Xuân, hầm chui Trung Hòa, Vành đai 2 đoạn Nhật Tân - Cầu Giấy, cầu vượt nút giao trung tâm quận Long Biên, cầu Phương Liệt - dự án Vành đai 2. 

Ngoài ra, liên ngành GTVT và CATP đã khảo sát, điều chỉnh tổ chức giao thông phù hợp trên một số tuyến đường, nút giao trọng điểm. Kết quả đã giải quyết được thêm 4/44 điểm ùn tắc như nút giao Lê Duẩn - Hai Bà Trưng... Theo Sở GTVT Hà Nội, chiếm đến 86% các điểm ùn tắc giao thông là từ Vành đai 3 trở vào trung tâm thành phố.

Một số nguyên nhân chính gây nên tình trạng ùn tắc như: do các công trình trọng điểm đang thi công chiếm dụng lòng đường trên các trục tuyến đường chính; do lưu lượng giao thông lớn tập trung trên các tuyến đường hướng tâm, kết hợp với tốc độ gia tăng phương tiện cao; do các khu nhà ở đưa vào khai thác sử dụng khiến mật độ giao thông tăng đột biến  tại các tuyến đường xung quanh khu vực đông dân cư và do ý thức một bộ phận không nhỏ người tham gia giao thông còn kém.

Ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho rằng, dù đã xóa được thêm 10 điểm đen ùn tắc giao thông, nhưng thông chỗ này lại tắc chỗ khác. Cụ thể, thông hầm chui Thanh Xuân thì toàn bộ tuyến đường Nguyễn Trãi lại ùn tắc, hay như ngày 30/4 tới đây sẽ hoàn thiện cầu vượt Nguyễn Chánh - Hoàng Minh Giám thì Nguyễn Chí Thanh sẽ lại ùn tắc.

Hạ tầng tốt nhưng ý thức còn kém

Sở GTVT Hà Nội đánh giá, trong thời gian tới, các điểm có thể tiếp tục phát sinh ùn tắc như Thái Hà - Chùa Bộc, Lê Văn Lương - Láng Hạ - Giảng Võ, Trần Duy Hưng - Nguyễn Chí Thanh...

Ngoài các giải pháp như tiếp tục xén hè, dải phân cách một số tuyến đường như Trần Duy Hưng đoạn từ tòa nhà Chamvit đến cầu vượt Nguyễn Chí Thanh, điều chỉnh tổ chức giao thông La Thành - Bệnh viện Nhi Trung ương, Ô Chợ Dừa, cổng khu vực Times City... Sở GTVT sẽ phối hợp với CATP tổ chức, điều tiết lại giao thông một số tuyến đường, nút giao.

Mục tiêu sẽ giải quyết 14 điểm ùn tắc giao thông từ nay tới cuối năm 2016.

Dù các cơ quan quản lý Nhà nước đang nỗ lực đầu tư hạ tầng, tổ chức giao thông hợp lý để giảm thiểu tình trạng ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố, song ý thức của người tham gia giao thông không cải thiện thì ùn tắc sẽ mãi là vấn đề nan giải. Trên nhiều tuyến đường một  chiều, đường cấm ô tô, xe máy nhưng người tham gia giao thông vẫn cố tình vi phạm.

Trong khi đó, Thượng tá Nguyễn Văn Tòng, Phó trưởng Phòng CSGT, CATP Hà Nội cho biết, tốc độ gia tăng phương tiện cá nhân rất nhanh, trung bình mỗi tháng có khoảng 20.000 phương tiện đăng ký mới, trong đó tốc độ tăng ô tô nhanh hơn xe máy. “Lượng phương tiện đăng ký mới gia tăng, lượng dân cư vào ở các khu đô thị ngày một đông nên rất khó để đảm bảo không xảy ra ùn tắc”, Thượng tá Nguyễn Văn Tòng nhìn nhận.

Trong bối cảnh đầu tư hạ tầng giao thông còn co kéo, chạy vốn từng dự án, lượng phương tiện ngày một gia tăng gây áp lực nặng nề lên giao thông thì ý thức của người tham gia giao thông sẽ là nhân tố chính quyết định giảm thiểu ùn tắc. Nếu mỗi người không nhìn nhận vấn đề một cách thấu đáo và thay đổi hành vi tham gia giao thông thì đồng nghĩa với việc chúng ta chấp nhận sống chung với cảnh ùn tắc mỗi ngày.

Nguồn: Báo ANTĐ

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)