Tăng cường kiểm soát ATGT trên đường cao tốc

Thứ năm, 05/05/2016 15:19 GMT+7

Việc xây dựng, hoàn thành và đưa vào khai thác sử dụng đường cao tốc đã làm thay đổi đáng kể bộ mặt hoạt động vận tải đường dài trên lĩnh vực giao thông đường bộ, có tác dụng tích cực trong thúc đẩy hoạt động GTVT. Tuy nhiên, bên cạnh những tích cực đạt được thì vẫn còn nhiều hạn chế cần phải khắc phục.

phapluatgiaothong.vn

Lực lượng chức năng kiểm tra tải trọng xe trên đường cao tốc

Siết chặt quản lý

Thời gian qua, kể từ khi tuyến đường cao tốc đầu tiên được đưa vào khai thác, sử dụng (năm 2010, sau 6 năm kể từ khi khởi công xây dựng, tuyến TP.  Hồ Chí Minh - Trung Lương với chiều dài toàn tuyến 61,9km, là tuyến cao tốc đầu tiên ở Việt Nam được đưa vào khai thác, sử dụng) đến nay với trên 600km đường cao tốc trên toàn quốc, công tác bảo đảm TTATGT luôn được chú trọng thực hiện. Tình hình TTATGT trên các tuyến cao tốc được đảm bảo.

Theo thống kê của Cục CSGT, tính riêng năm 2015, các đơn vị trực thuộc đã phát hiện, xử lý 18.121 trường hợp vi phạm, xử phạt 19,8 tỷ đồng, tạm giữ 33 phương tiện, tước giấy phép lái xe 2.426 trường hợp. Các vi phạm chủ yếu là: Quá tốc độ quy định 6.171 trường hợp (34%), dừng đỗ không đúng quy định 3.305 trường hợp (18,2%); xe mô tô đi vào đường cao tốc 1.408 trường hợp (7,7%)... Riêng xử lý vi phạm về quá tải trọng theo chủ trương của Chính phủ, lực lượng CSGT đã chủ trì, phối hợp với đơn vị quản lý đường cao tốc tổ chức kiểm tra tải trọng xe tại các điểm đầu, cuối và nút giao ra, vào đường cao tốc; kết quả: Đã kiểm tra, phát hiện và xử lý 996 trường hợp (chiếm 5,4%), vi phạm chở hàng quá tải trọng,  tiền phạt nộp kho bạc nhà nước trên 2 tỷ đồng, hạ tải đối với 820 trường hợp với 2.417 tấn hàng.

Theo lãnh đạo Cục CSGT, mặc dù công tác xử lý vi phạm TTATGT trên đường cao tốc đã được áp dụng một số kỹ thuật hiện đại, tuy nhiên, tình hình TTATGT trên các tuyến cao tốc còn nhiều phức tạp, người điều khiển phương tiện vi phạm pháp luật về giao thông trên đường cao tốc vẫn xảy ra thường xuyên, liên tục. Ngoài những vi phạm về tốc độ, sai làn, quá tải, trong thời gian gần đây, những vi phạm về dừng đỗ, đón trả khách không đúng nơi quy định, chở quá số người quy định, người đi bộ, khách dừng bắt xe không đúng quy định dọc một số tuyến đường cao tốc; tình trạng người dân cố tình phá hàng rào bảo vệ, hộ lan tôn lượn sóng, mở quán kinh doanh buôn bán ở hai ven đường cao tốc, dùng đất đá ném vào các phương tiện liên tiếp xảy ra...

Đây là những nguyên nhân trực tiếp gây ra TNGT hoặc làm tăng mức độ nghiêm trọng khi xảy ra TNGT, cho đến nay, trên một số tuyến cao tốc đã xảy ra những vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng làm chết nhiều người, gây thiệt hại lớn tài sản của Nhà nước và nhân dân.

Tình trạng TNGT và vi phạm trên đường cao tốc một phần do một số tuyến cao tốc hiện nay được xây dựng và đưa vào sử dụng nhưng chưa đạt được yêu cầu của đường cao tốc, chưa bố trí đầy đủ trang thiết bị phục vụ, bảo đảm giao thông liên tục, an toàn. Trong đó, điển hình như cao tốc Hà Nội - Lào Cai, đoạn từ Yên Bái đi Lào Cai, không có dải phân cách cứng, nhiều yếu tố không đáp ứng tiêu chuẩn đường cao tốc. Đồng thời, trình độ hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông còn rất hạn chế, lo đối phó với hoạt động của lực lượng chức năng hơn là tự giác tuân thủ pháp luật.

Các tuyến cao tốc hoàn thiện đưa vào khai thác sử dụng thường dài và phức tạp, nhưng lực lượng CSGT mỏng, cùng với đó là công tác tuần tra, kiểm soát, bảo đảm TTATGT trên tuyến cao tốc chưa đồng bộ; trang thiết bị còn thiếu, chưa hiện đại và thực tế chưa đáp ứng yêu cầu. Đồng thời, sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng còn chưa chặt chẽ, đồng nhất.

Đẩy mạnh phối hợp liên ngành

Theo quy hoạch mạng lưới đường cao tốc được Thủ tướng phê duyệt trong những năm tới đây, nước ta sẽ đưa vào khai thác và sử dụng nhiều tuyến đường cao tốc, tương lai đường cao tốc sẽ có tính chủ đạo trong hoạt động GTVT đường bộ, do đó, yêu cầu bức thiết đặt ra là công tác bảo đảm TTATGT đường cao tốc trong thời gian tới phải đáp ứng được yêu cầu, khắc phục được những tồn tại, vướng mắc trong thời gian qua và nâng cao hiệu quả thực hiện.

Do đó, để nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm TTATGT đường bộ cao tốc, các đơn vị liên quan cần xây dựng cơ chế phối hợp chặt chẽ, phù hợp giữa các bộ, ban, ngành, các cấp từ Trung ương đến địa phương trong quản lý nhà nước về TTATGT trên đường cao tốc; phải phối hợp chặt chẽ với các ngành GTVT, công an và chính quyền địa phương... trong việc thực thi luật và thực hiện các biện pháp công tác đảm bảo TTATGT đường bộ cao tốc bằng các quy chế phối hợp liên ngành mới bảo đảm được thường xuyên, thống nhất, đồng bộ, có hiệu quả.

Đối với lực lượng CSGT làm nhiệm vụ bảo đảm TTATGT trên đường cao tốc, Bộ Công an đã  ban hành Thông tư quy định rõ về phân công trách nhiệm, phân cấp thực hiện nhiệm vụ bảo đảm TTATGT trên các tuyến đường cao tốc, phân định rõ chức năng, trách nhiệm và thẩm quyền của CSGT các cấp trong tổ chức lực lượng thực hiện. Trên cơ sở đó, ban hành đầy đủ các thông tư quy định về quy trình công tác, quy định về quan hệ phối hợp phân công nhiệm vụ bảo đảm TTATGT, làm cơ sở pháp lý chặt chẽ cho lực lượng CSGT thực hiện.

Ngoài ra, các cơ quan cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về giao thông, bằng những nội dung, hình thức phong phú, biện pháp phải phù hợp với từng loại đối tượng, vùng miền; hướng dẫn cho người tham gia giao thông quen với hoạt động giao thông trên đường cao tốc, nhất là những đối tượng ven tuyến giao thông, nhằm nâng cao hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật về giao thông của người tham gia giao thông.

Đồng thời, thực hiện nghiêm túc công tác điều tra, giải quyết TNGT trên các tuyến cao tốc theo đúng quy định của pháp luật; đề nghị truy tố, xử lý nghiêm trước pháp luật đối với những tổ chức, cá nhân vi phạm nghiêm trọng các quy định về bảo đảm TTATGT gây TNGT nghiêm trọng để giáo dục, răn đe đối tượng khác. Lực lượng CSGT tăng cường các hoạt động tuần tra, xử lý vi phạm trên tuyến giao thông cao tốc, nhất là các hành vi dừng đỗ, đón trả khách, phương tiện hoạt động trên đường cao tốc không đúng quy định; khai thác sử dụng triệt để các trang, thiết bị máy móc kỹ thuật hiện đại để phòng ngừa, phát hiện và xử lý vi phạm TTATGT.

Lực lượng cảnh sát cần phối hợp với các đơn vị, ngành có liên quan, sớm hoàn thiện và đưa vào khai thác sử dụng thống nhất đồng bộ trên tất cả các tuyến giao thông cao tốc hệ thống giám sát, phát hiện các hành vi vi phạm TTATGT trên tuyến cao tốc bằng hệ thống camera tự động; có cơ chế xử phạt tại chỗ cũng như “xử phạt nguội” nghiêm khắc để tăng tính răn đe, giáo dục và tuyên truyền nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật về bảo đảm TTATGT của người tham gia giao thông; xây dựng cơ chế xã hội hóa hoạt động bảo đảm TTATGT trên các tuyến đường cao tốc.

Nguồn: phapluatgiaothong.vn

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)