Nam Định: Đảm bảo an toàn giao thông đường thủy trong mùa mưa bão

Thứ tư, 14/06/2017 08:26 GMT+7

Nam Định có mạng lưới giao thông đường thuỷ nội địa phong phú gồm cả hệ thống sông Trung ương quản lý và hệ thống sông địa phương dài 279km.

Toàn tỉnh hiện có gần 2.000 phương tiện chở hàng hóa với tổng trọng tải trên 1 triệu tấn; 76 phương tiện chở khách ngang sông và 84 phương tiện vận tải thủy chuyên dùng đã được cấp giấy chứng nhận. Trước những dự báo về sự phức tạp của thời tiết trong mùa mưa bão năm nay, công tác bảo đảm trật tự ATGT đường thủy được các ngành chức năng và các địa phương đặc biệt coi trọng.

Rút kinh nghiệm ngay từ đầu năm trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 2 vụ tai nạn giao thông (TNGT) đường thủy, nhiều giải pháp mạnh trong công tác bảo đảm ATGT thủy đã được triển khai. Trong Kế hoạch triển khai thực hiện Năm ATGT của Ban ATGT tỉnh đã nhấn mạnh: một trong những nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt năm 2017 là phải bảo đảm tuyệt đối ATGT thủy, duy trì không để xảy ra tai nạn sông nước, gắn trách nhiệm, khen thưởng, kỷ luật với người đứng đầu ở mỗi địa phương, đơn vị đối với nhiệm vụ này.

Ngay từ đầu năm, Ban ATGT tỉnh rà soát và xác định 3 nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung nâng cao hiệu quả quản lý để có thể chủ động phòng tránh, giảm tới mức thấp nhất các nguyên nhân dễ gây tai nạn sông nước, đó là: tình trạng chở quá tải trọng, hoạt động của các bến khách ngang sông và tình trạng khai thác trái phép cát sỏi lòng sông. Phòng Cảnh sát đường thủy (Công an tỉnh) đã chủ động phát huy vai trò nòng cốt, tăng cường thực hiện các chương trình kế hoạch và các đợt cao điểm tập trung tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm, người điều khiển phương tiện không có bằng cấp, chứng chỉ, hoặc có nhưng không phù hợp theo quy định, chở quá tải trọng, phương tiện không đăng ký, đăng kiểm, hết hạn lưu hành. Kiểm tra chặt chẽ các bến khách ngang sông, kiên quyết xử lý và đình chỉ lưu hành các phương tiện không đảm bảo an toàn.

Để giải quyết nạn khai thác cát sỏi lòng sông trái phép hoạt động phức tạp nhiều năm nay, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến dòng lưu thủy cũng như nguy cơ tai nạn sông nước luôn rình rập, Phòng Cảnh sát đường thủy đã chủ trì, phối hợp với Phòng PC49, Công an các huyện, thành phố, đại diện các Đồn biên phòng thuộc Bộ đội Biên phòng tỉnh, Thanh tra giao thông, Cảng vụ Đường thủy nội địa Nam Định, Cảng vụ Hàng hải Nam Định, Phòng Tài nguyên nước, khoáng sản, khí tượng thủy văn (Sở TN và MT), chính quyền các xã ven sông tập trung kiểm tra các địa bàn trọng điểm, nơi có các điểm mỏ cát trong quy hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt; lực lượng Cảnh sát đường thủy các tỉnh giáp ranh tiến hành xác định ranh giới điểm mỏ để cắm phao giới hạn bình đồ được cấp phép, yêu cầu phương tiện tỉnh bạn chỉ được khai thác đúng vị trí cho phép; triển khai các đợt cao điểm bố trí thường trực 100% quân số, tổ chức trinh sát mật phục nhiều đêm liền để bắt giữ các phương tiện khai thác tài nguyên trái phép.

Nhờ đó, tình hình khai thác cát trên địa bàn đã dần ổn định, hoạt động khai thác cát trái phép đã có chiều hướng giảm. Để bảo đảm ATGT cho các phương tiện vận tải đường thủy trong mùa mưa, bão, Sở GTVT đã chỉ đạo lực lượng chức năng phối hợp với các địa phương làm tốt công tác tuyên truyền về Luật Giao thông đường thủy nội địa đến các tầng lớp nhân dân, nhất là người dân sinh sống dọc hai bên tuyến sông để mọi người biết và chấp hành. Đồng thời, kiểm tra toàn bộ các bến đò ngang; yêu cầu chủ đò chấp hành nghiêm các quy định về vận tải khách ngang sông, bảo đảm an toàn cho người và phương tiện khi tham gia giao thông đường thủy; kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm là nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn như phương tiện không bảo đảm an toàn, chở quá số người quy định, người điều khiển phương tiện không có chứng chỉ chuyên môn theo quy định.

Cán bộ, chiến sĩ đội xung kích ngành Công an luyện tập phương án tìm kiếm cứu nạn trong mùa mưa bão.

Để đối phó với mọi tình huống của mưa bão, Sở GTVT đã chủ động xây dựng kế hoạch, phương án PCTT và TKCN, bảo đảm ATGT trên tuyến đường thủy. Công tác theo dõi tin áp thấp nhiệt đới gần bờ, bão lũ được thực hiện nghiêm túc; trong đó chú trọng theo dõi sát, cụ thể diễn biến của bão lũ, mực nước trên các tuyến sông để thông báo cho tất cả tàu thuyền đang hoạt động trên tuyến kịp thời vào nơi trú ẩn an toàn. Bố trí lực lượng trực 24/24 giờ để chủ động triển khai các biện pháp phòng chống.

Ngay khi có thông tin dự báo có thể xảy ra bão lũ, ngành GTVT sẽ thông tin kịp thời cho các phương tiện vận tải đang hoạt động trên biển, trên sông biết vị trí, diễn biến của bão để chủ động phòng tránh. Thu hồi biển báo, phao tiêu trên các tuyến đường thủy; nghiêm cấm các phương tiện lưu thông qua khu vực bão đổ bộ (trừ các phương tiện làm nhiệm vụ phòng, chống bão); yêu cầu dừng các hoạt động du lịch đường thủy nội địa; tổ chức kiểm tra công tác neo đậu tàu thuyền vào vị trí đủ sức tránh bão. Thực hiện nghiêm việc đảm bảo giao thông đường thủy, chuẩn bị phương tiện, vật tư phối hợp cùng các ngành kịp thời khắc phục sự cố tại các khu vực đê, kè bị sạt lở trên các trục giao thông đường thủy chính; hỗ trợ các địa phương khắc phục hậu quả và khôi phục hệ thống đê biển.

Phòng Cảnh sát đường thủy cũng đã chủ động tham mưu cho Giám đốc Công an tỉnh chỉ đạo duy trì, kiện toàn đội xung kích của Công an tỉnh và nâng cao năng lực ứng phó PCTT và TKCN cho các thành viên như: tổ chức kiểm tra kỹ thuật bơi lội, cứu nạn; thường xuyên luyện tập, thực tập thuần thục, chủ động phương án sẵn sàng tham gia PCTT và TKCN ở khu vực biên giới biển và trên toàn hệ thống giao thông đường thủy khi có yêu cầu. Phối hợp với các ngành liên quan, các địa phương nắm chắc số lượng người, tàu thuyền đang hoạt động trên biển, nhất là các tàu đang đánh bắt ở các vùng biển xa để kêu gọi khi xảy ra bão, siêu bão.

Phối hợp với Cty CP Quản lý, khai thác đường sông số 5 rà soát, thống kê, lập danh sách các phương tiện vận tải đường thủy được huy động, trưng tập, sử dụng theo kế hoạch PCTT và TKCN đã lập. Chủ động nắm bắt kịp thời chỉ đạo của Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh, của Công an tỉnh, Bộ Công an, đảm bảo tốt chế độ thông tin liên lạc.

Ngay khi có thông tin xuất hiện bão, các tàu tuần tra sẽ thông báo cho tàu thuyền vận tải chủ động tìm nơi trú ẩn an toàn. Phối hợp với các ngành liên quan, cử các tổ tuần tra phối hợp lực lượng địa phương đến từng hộ dân ở khu vực ngoài đê, các lều chòi coi đầm bãi nuôi thủy sản để vận động, sơ tán tài sản và yêu cầu người dân về nơi tránh trú an toàn.

Tại các trạm kiểm soát cố định ở các cửa sông, các tổ kiểm soát lưu động ở bãi ngang, các bến bãi neo đậu tàu, thuyền tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, thông báo cấm biển, không cho tàu ra khơi khi có tin siêu bão; đảm bảo huy động nhanh nhất lực lượng phương tiện tới địa bàn xung yếu khi có lệnh. Đồng thời, phối hợp thông báo, kêu gọi các tàu, thuyền trong tỉnh và các tỉnh bạn đang đánh bắt trên vùng biển của tỉnh biết hướng đi của bão để phòng tránh; chủ động sắp xếp neo đậu tàu, thuyền vào nơi tránh, trú bão an toàn.

Sau khi bão tan, nước rút, các ngành chức năng sẽ khẩn trương bố trí lực lượng xuống tuyến, địa bàn nắm tình hình thiệt hại do bão, lũ gây ra và tập trung giải quyết ách tắc trước mắt, không để phát sinh phức tạp. Ngành GTVT và ngành Công an bố trí lực lượng thường trực điều tiết giao thông tại các khu vực bị ngập, bến đò qua sông để hướng dẫn người dân, phương tiện qua lại, kiên quyết cấm mọi phương tiện đi qua vùng ngập lụt nhằm đảm bảo ATGT. Kiến nghị các ngành chức năng, các cấp tu bổ, sửa chữa kịp thời hệ thống phao tiêu báo hiệu, công trình bị hư hỏng để tàu, thuyền đi lại dễ dàng, không để ùn tắc giao thông./.
 

Nguồn: Báo Nam Định

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)