Ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia phát biểu khai mạc Hội thảo.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, những giải pháp, chỉ đạo của Chính phủ, các Bộ, ngành về công tác đảm bảo trật tự ATGT có thể đi vào thực tiễn thì vai trò của UBND, Ban ATGT, lực lượng chức năng của các tỉnh, thành phố rất quan trọng. Xây dựng kế hoạch bảo đảm trật tự ATGT cấp tỉnh phù hợp với thông lệ, kinh nghiệm quốc tế thì có thể nói đến thời điểm hiện nay Việt Nam ít tiếp cận theo hướng này.
"Chúng ta có nhiều hỗ trợ quốc tế trong xây dựng nghiên cứu và lập các quy hoạch tổng thể về phát triển đô thị, quy hoạch tổng thể về phát triển kinh tế xã hội cấp tỉnh, cấp thành phố, quy hoạch phát triển GTVT, tuy nhiên để có kế hoạch đầy đủ, chi tiết, toàn diện giải quyết mục tiêu là vấn đề ATGT thì chưa có chương trình kế hoạch tổng thể được phê duyệt cấp thành phố" - ông Khuất Việt Hùng nói.
Ông Khuất Việt Hùng khẳng định nếu xây dựng thành công dự án này, thì có thể xây dựng mô hình kế hoạch ATGT cấp tỉnh trong giai đoạn trung hạn, kế hoạch này đặc biệt gắn bó với quá trình xây dựng là thực tiễn về công tác quản lý nhà nước và thực hiện nhiệm vụ đảm bảo TTATGT trên địa bàn Thủ đô Hà Nội. Khi hoàn thành dự án này, trình UBND thành phố Hà Nội và đặc biệt là thông qua sự tham mưu của Sở GTVT, Ủy ban ATGT Quốc gia mong muốn những giải pháp đề ra trong kế hoạch này, những dự án sẽ đề xuất trong kế hoạch này sẽ được UBND thành phố Hà Nội tiếp nhận và tổ chức triển khai trong khuôn khổ về nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội Thủ đô cũng như nhiệm vụ phát triển GTVT và bảo đảm ATGT thì nó sẽ là mô hình rất tốt để chúng ta nhân rộng mô hình kế hoạch bảo đảm ATGT cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cho các địa phương khác.
Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện phát biểu tại Hội thảo
Ông Vũ Văn Viện - Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, hiện nay Hà Nội đang phát triển nhiều tầng giải pháp để tăng cường đảm bảo TTATGT. Đồng thời, nâng cao hệ thống vận tải hành khách công cộng. Trong nhiều năm qua, thành phố Hà Nội rất tập trung đến phát triển giao thông công cộng.
Cũng theo ông Vũ Văn Viện, hệ thống vận tải hành khách công cộng ngoài xe buýt, xe taxi thì các loại hình khác cũng được triển khai rất tốt. Vận tải xe buýt hiện nay của Hà Nội đã đáp ứng được 90%. Trong tổng lượng vận tải hành khách hiện nay đáp ứng được 14-15% nhu cầu nhưng con số này cần được tăng lên. Dự tính đến năm 2020 sẽ phải tăng khoảng 20-25% và đến năm 2030 phải tăng được 35-40% còn ở các khu vực trung tâm thì phải đạt được 50-55%.
Hội thảo có sự tham gia của nhiều chuyên gia hàng đầu đến từ Hàn Quốc.
Tiến sĩ Changhwan Mo - Viện Giao thông Hàn Quốc cho biết, Seul là thủ đô của Hàn Quốc và đã từng gặp nhiều vấn đề về giao thông mà Hà Nội đang gặp phải. Trước đây, Seul đã từng đưa ra các chính sách như xây dựng và mở rộng đường. Tuy nhiên, Seul đang chuyển chính sách sang ưu tiên phát triển giao thông công cộng và quản lý giao thông nhằm giảm tai nạn và ùn tắc.
Tiến sĩ Changhwan Mo đánh giá kế hoạch ATGT Hà Nội bao gồm giảm tình trạng tắc nghẽn giao thông như một chiến lược chính trong khi kế hoạch của Seul không đưa vào mục tiêu. Việc giảm bớt TNGT của cả người đi bộ và người cao tuổi được nhấn mạnh trong kế hoạch của Seul nhưng chúng không được coi là mục tiêu chính để giảm TNGT ở Hà Nội. Kế hoạch của Seul được thành lập như một mục tiêu chính để giảm TNGT của xe thương mại nhưng kế hoạch của Hà Nội đã không xem xét đến các phương tiện thương mại như xe buýt, xe taxi và xe tải. Tại Hàn Quốc, xe máy chủ yếu được sử dụng làm phương thức phân phối của các nhà hàng và cửa hàng khác trở thành mối đe dọa đối với ATGT. Do đó, kế hoạch của Seul đã thiết lập nó như một mục tiêu để giảm TNGT. Tuy nhiên, kế hoạch Hà Nội bao gồm xe máy là phương thức vận chuyển chính để giảm TNGT...
Xuân Nguyên